Hướng đi mới cho nghề nuôi cá

13:16 | 27/12/2014 Print
- Triển khai vào ngày 12/8/2014, với các đơn vị tham gia là Công ty Thuận An, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang và 5 hộ dân nuôi cá, Chuỗi liên kết dọc cá tra – Tafishco sau 5 tháng khởi động đã được cả ba nhà, nhà nông, ngân hàng, doanh nghiệp coi là thiết thực, lợi ích.

Không phải lo chuyện vốn, trong suốt vụ nuôi cần thức ăn gì, thuốc chữa bệnh gì,… số lượng bao nhiêu, chỉ cần gọi điện sẽ được đáp ứng ngay. Khi thu hoạch, được bao tiêu sản phẩm theo giá thị trườngi; sau khi quyết toán trừ các khoản chi phí, phần lợi nhuận người nuôi chỉ việc đến ngân hàng nhận tiền,… là những nét mới để con cá tra hội đủ những yếu tố phát triển, tạo thành tiền đề cho những vật nuôi khác là mô hình của Chuỗi liên kết dọc cá tra - Tafisho.

Triển khai vào ngày 12/8/2014, với các đơn vị tham gia là Công ty Thuận An, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang và 5 hộ dân nuôi cá, Chuỗi liên kết dọc cá tra – Tafishco sau 5 tháng khởi động đã được cả ba nhà, nhà nông, ngân hàng, doanh nghiệp coi là thiết thực, lợi ích.

Ông Nguyễn Văn Tấn, một trong 5 hộ tham gia Chuỗi liên kết xúc động nói: Xin chân thành cảm ơn Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập Chuỗi liên kết. Người nuôi cá chúng tôi coi mô hình Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco như một hướng sản xuất sáng sủa, thiết thực, lợi ích. Ông Tấn cho biết, chỉ sau gần 5 tháng, gia đình ông thu hoạch từ một ao nuôi được 195.5 tấn cá. Với giá bán thỏa thuận theo giá thị trường, mỗi kg cá ông lời từ 2000- 2.200 đồng.

Ông Nguyễn Văn Tấn

Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, tổng giám đốc Tafishco đưa ra số liệu, tính đến ngày 20/12/2014, sau gần 5 tháng đi vào hoạt động tổng sản lượng cá thu hoạch là 3.185 tấn và trong tháng 1 năm 2015 sẽ thu hoạch 1800 tấn. Tafishco bao tiêu toàn bộ sản lượng cá theo giá thị trường.

Ông Phan Văn Ninh, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản AFA chỉ ra bốn lợi thế của Chuỗi liên kết. Theo ông, với hộ dân nuôi cá về kỹ thuật được sự hỗ trợ của các kỹ sư của Công ty Thuận An chăm sóc nên hạn chế được rủi ro, đạt sản lượng cao, chất lượng cá tốt khi thu hoạch. Không còn chịu áp lực tài chính vì ngân hàng giải ngân kịp tiến độ theo đơn đặt hàng. Giá thức ăn cho cá giảm được 150đ/kg vì nhà sản xuất bán được số lượng lớn và ổn định nên chi phí giảm. Người nuôi cá hoàn toàn yên tâm đầu ra vì Công ty Thuận An bao tiêu sản phẩm. Và điều đáng mừng nhất, theo ông Ninh, đó là nông dân được Chuỗi lien kết hướng dẫn nuôi cá theo các tiêu chuẩn Viêt.GAP hoặc Global.GAP theo Nghị định36 của Chính phủ và Thông tư 23 của BNN&PTNT.

Với nhà sản xuất thuốc và thức ăn, Chuỗi liên kết giúp họ có được những đơn đặt hàng lớn, từ đó xây dựng kế hoạch chính xác về lượng và chất theo tiến độ tiêu thụ của Chuỗi lien kết. Về tài chính, nhà sản xuất tránh được rủi ro do được ngân hàng chi trả và giải ngân.

Là đơn vị bao tiêu sản phẩm, công ty Thuận An hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào để xây dựng kế hoạch sản xuất ổn định, bền vững do có được vùng nguyên liệu lớn. Và quan trọng hơn là Thuận An thỏa mãn được việc truy xuất nguồn gốc vùng nguyên liệu trước đòi hỏi của đối tác nếu có.

Ngân hàng là đơn vị được thụ hưởng những lợi ích của Chuỗi lien kết khi việc giải ngân, thanh toán đều thông qua thủ tục của ngân hàng. Hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trong việc thu hồi vốn vì dòng chảy của nguồn vốn được phối hợp theo dõi quản lý sát.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, giám đốc Sở Công thương An Giang.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, giám đốc Sở Công thương An Giang khẳng định sẽ triển khai thêm ba Chuỗi liên kết vì tính hiệu quả của Chuỗi liên kết đã thành thực tiễn. Sở Công thương tỉnh An Giang sẽ lập tức mời nhiều ban, ngành tham gia, góp ý, tạo điều kiện để tháo cho được những vướng mắc còn lại trong phương thức hoạt động của Chuỗi liên kết dọc cá tra – Tafishco để áp dụng cho nghề nuôi trồng thủy sản như tôm, các loại cá. Tôi sẽ báo cáo với Ủy ban, Tỉnh ủy để có ý kiến với chính phủ, thống đốc ngân hàng, các bộ liên quan để phương thức sản xuất này trở nên phổ biến vì lợi ích thấy rõ của nó, bà Tuyết khẳng định.

Ông Nguyễn Thái Sơn

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Sơn, giám đốc điều hành Chuỗi liên kết, tác giả của mô hình vẫn còn những băn khoăn. Đó là thời hạn chấp nhận mức tín dụng cho một chu kỳ nuôi cá nếu được ngân hàng chấp nhận thời gian 10 tháng sẽ tốt hơn. Bởi theo ông thời gian nuôi cá đã là 7 tháng, cần thêm 3 tháng cho công đoạn chế biến và xuất khẩu là thực tế. Cũng vậy nếu thời hạn gia hạn hợp đồng tín dụng với các thành viên Chuỗi liên kết có thời hạn 2 năm như đề án đã được duyệt thì người nuôi cá sẽ yên tâm xây dựng kế hoạch vùng nuôi đạt tiêu chuẩn theo quy định. Thành công của Chuỗi liên kết đã chỉ ra những thế mạnh, điểm yếu… cần được đánh giá, thảo luận một cách khoa học làm chuẩn mực cho mô hình trong tương lai, ông Sơn nói.

Cụ thể và thiết thực hơn, ông Tấn, người trực tiếp nuôi cá nói: Việc điều chỉnh số hộ nông dân tham gia liên kết chỉ cần nhà sản xuất và ngân hàng kết hợp xét các hộ đủ tiêu chuẩn là đủ. Bởi theo ông, đây không còn là mô hình điểm mà đã thành mô hình chính thức rất hợp với Nghị định 36/CP. Ông cũng thẳng thắn nêu ý kiến: Đề nghị tất cả các cơ quan hữu quan phối hợp thật chặt, kiên quyết không thông quan nếu lô hàng nào không đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản của Việt Nam. Ông đưa ra thắc mắc, với mức 7% lãi suất vốn vay với người nông dân là hợp lý nhưng với doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, ngân hàng nên hạ thấp thêm, vì thời gian chế biến và tiêu thụ khá dài.

Trung Trường

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư