Để ngành da giày có thể là một "mắt xích" trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu

14:03 | 11/10/2017 Print
- Mặc dù luôn ghi tên trong danh mục các ngành hàng đóng góp lớn cho xuất khẩu và duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số, nhưng để nâng tầm về “ lượng”, các doanh nghiệp da giày phải tìm cách tham gia vào "mắt xích" của chuỗi giá cung ứng toàn cầu.

Dự báo năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu da giày đạt 10,60 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với dệt may, da giày tiếp tục ghi tên trong danh mục các ngành hàng đóng góp lớn cho xuất khẩu và duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số. Dẫn lời bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) trên Thời báo kinh doanh nhấn mạnh, ngành da giày luôn đứng trong top đầu nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, với hàng chục tỷ USD mỗi năm. Đơn cử, xuất khẩu giày dép của Việt Nam năm 2016 đạt 13 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2015.

Dẫn lời ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) trên Báo Đầu tư điện tử, những năm qua, xuất khẩu da giày tăng trưởng hoàn toàn dựa trên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn ngành, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu của ngành gần như không có xáo trộn gì ngay cả khi thành viên lớn nhất của TPP là Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định này.

“Xét về dài hạn đến năm 2030, thậm chí đến năm 2035, so với Trung Quốc, ngành da giày Việt Nam vẫn có sức cạnh tranh cả về chi phí lao động, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu”, ông Kiệt cho biết.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) trả lời trên Báo Công Thương cho biết, trong năm 2017, thị trường da giày chủ lực của Việt Nam là Mỹ và EU có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, tại Trung Quốc, do chi phí sản xuất có xu hướng tăng, các doanh nghiệp da giày FDI có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có một số FTA đã, đang hoặc sắp có hiệu lực, xu hướng thu hút nhiều vốn ngoại đầu tư cho ngành da giày Việt Nam ngày càng tăng.

Nguyên nhân là do giá nhân công của Việt Nam vẫn rẻ hơn so với nhiều quốc gia, cụ thể là so với Trung Quốc, trở thành một trong những động lực để thu hút vốn của các nhà đầu tư ngoại vào ngành này.

Xuất khẩu da giày luôn tăng trưởng ở mức 2 con số

Ngoài ra, những chính sách cởi mở gần đây của Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp nguyên – phụ liệu da giày đã khuyến khích các nhãn hàng da giày lớn trên thế giới rót vốn đầu tư.

Căn cứ xu hướng thị trường thế giới và tại Việt Nam, Lefaso dự kiến sản xuất và xuất khẩu ngành da giày năm 2017 sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2016. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép trong năm nay được dự báo tăng 10% - 12%, túi xách các loại tăng 12% so với năm 2016, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, cả giày dép, túi xách đạt gần 18 tỷ USD.

Song, còn nhiều vấn đề bất cập

Mặc dù cơ hội là rất lớn lớn, song ngành da giày của Việt Nam cũng đối diện với những thách thức không hề nhỏ khi tham gia vào các sân chơi lớn.
Thực trạng của ngành da giày Việt hiện nay cho thấy phần lớn doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành này là các công ty FDI. Theo số liệu của Lefaso, năm 2016, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới trên 80% trong tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành (năm 2013 là 75%, năm 2015 tăng lên 78%). Nguyên nhân xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI liên tục tăng cao là do các doanh nghiệp này mở rộng công suất và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Trái ngược với sức tăng trưởng từ khối doanh nghiệp FDI, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng giảm, năm 2013 chiếm 25% tỷ trọng, năm 2015 giảm còn 21,4%, năm 2016 còn 19,2%. Nguyên nhân là do khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường khiến doanh nghiệp trong nước chậm chân hơn trong việc mở rộng sản xuất, yếu sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thuộc da trong nước vẫn đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu, môi trường, công nghệ sản xuất và nhân lực. Sản xuất giày dép vẫn chủ yếu ở hình thức gia công xuất khẩu cho nên giá trị xuất khẩu giày dép dù đạt giá trị cao nhưng giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm lại thấp.

Theo Lefaso, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp da giày khi đầu tư vào sản xuất nguyên – phụ liệu là nguồn vốn. Đây là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp vốn đã quen “tự thân vận động” khi chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên – phụ liệu vẫn còn hạn chế.

Trên thực tế, do ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, nên tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm da giày xuất khẩu chỉ đạt 40%. Nguyên, phụ liệu (gồm cả da thuộc, vải làm giày, đế giày) vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài hơn 60%, chủ yếu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Lefaso cũng nhìn nhận, ngành da giày trong nước vẫn đang có những điểm yếu cơ bản như: thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu năng lực quản trị và năng suất lao động thấp. Năng suất bình quân của lao động tại các nhà máy da giày Việt Nam hiện nay chỉ bằng 60%-70% năng suất của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Tận dụng cơ hội

Vì vậy, điều cần làm để phát triển bền vững nganh da giày là cần phải đầu tư tiếp vào chuỗi giá trị da giày dù có hay không có TPP. Để làm được điều này, dẫn lời GS,TS. Nguyễn Mại trên Thời báo kinh doanh lưu ý, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương thống nhất trong việc lựa chọn các dự án FDI và nên chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt. Đồng thời cần lắng nghe và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các FTA.

ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đúc kết trên Báo Hải quan: “Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thêm giá trị gia tăng, DN Việt Nam cần có khát vọng chơi với người lớn nhất, giỏi nhất, khó tính nhất. Chúng ta hãy biết chơi với những người khổng lồ, học hỏi họ và uy tín của họ sẽ trở thành uy tín của mình”. Song muốn chơi với người lớn nhất, ông Thành cho rằng, DN phải đảm bảo được các yếu tố có thể đáp ứng với họ về chất lượng, giá trị.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Mạnh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu da giày, điều cần thiết là phải khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án sản xuất nguyên – phụ liệu, các dự án sản xuất hàng thời trang trung – cao cấp nhằm góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu cho da giày.

Bên cạnh đó, với mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ đạt 54 tỷ USD, ngành da giày Việt Nam được khuyến cáo là phải biết tận dụng tối đa mọi lợi thế của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA).

Để làm được điều này, theo Lefaso, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam phải được nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA, giúp giảm các chi phí về logistics và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt.

Theo đó, các doanh nghiệp phải chủ động được nguồn nguyên liệu, có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các vấn đề về môi trường, lao động, nâng cao tự động hóa trong sản xuất và có những sản phẩm đặc trưng Cùng với đó, để tránh sự bị động, sản xuất theo chỉ định của đối tác khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, Việt Nam cần chủ động trong chuỗi liên kết nội địa, phát triển thị trường trong nước.../.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baodautu.vn/xua-tan-lo-ngai-ve-giam-sut-trong-xuat-khau-giay-dep-d70560.html

http://baocongthuong.com.vn/phat-trien-thi-truong-noi-dia-co-hoi-cho-doanh-nghiep-da-giay.html

http://thoibaokinhdoanh.vn/Thi-truong-17/Quy-hoach-nganh-da-giay-can-dieu-chinh-gi-39309.html

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Xuat-khau-hoc-cach-choi-voi-nguoi-khong-lo.aspx

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư