Thấy gì qua "kỳ tích" 400 tỷ USD xuất – nhập khẩu của Việt Nam?

14:04 | 26/12/2017 Print
- Năm 2017, kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam đã cán mốc 400 tỷ USD. Đây được coi là kỳ tích của nước ta trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đằng sau kỳ tích này lại có sự đóng góp lớn từ doanh nghiệp FDI.

Nhiều thành tựu quan trọng

Theo Tổng cục Hải quan, bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Sau 6 năm (năm 2007) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Bốn năm sau (năm 2011) quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (năm 2015).

Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 2 năm tiếp theo (khoảng giữa tháng 12 năm 2017), tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đã cán mốc ở con số 400 tỷ USD.

Xuất - nhập khẩu của Việt Nam đã cán mốc kim ngạch 400 tỷ USD vào năm 2017

Dẫn lời ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trên Báo điện tử Công Thương cho biết, sau 2 năm Việt Nam liên tiếp ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Á- Âu, ASEAN, RCEP… có hiệu lực, kim ngạch xuất khập khẩu đã đạt bước tăng trưởng hết sức ngoạn mục, tăng thêm 100 tỷ USD, từ 300 lên 400 tỷ USD.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam liên tục mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đã vượt ngưỡng trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu; trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt.

Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu xuất siêu thương mại kể từ khi gia nhập WTO.

Đến thời điểm này, cả nước đã xuất siêu 2,5 tỷ USD và dự kiến cả năm nay sẽ là 3 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần giúp Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2017.

Phát biểu tại buổi lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD vào ngày 19/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam từ mức 30 tỷ USD tăng lên 400 tỷ USD “có thể coi là kỳ tích”.

Bởi lẽ vào những năm đầu thập kỷ 90, tổng kim nạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 2,5 tỷ USD. Lúc đó kim ngạch xuất nhập khẩu của cả châu Phi là 26 tỷ USD. Cho đến nay, cả châu Phi kim ngạch xuất nhập khẩu chưa qua 100 tỷ USD, mà Việt Nam đã đạt 400 tỷ. Nhờ đó, vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới trong giao thương quốc tế có sự cải tiến rõ rệt.

“Năm 2007 khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 50. Đến nay chúng ta đã tăng 24 bậc, lên vị trí 26. Còn nhập khẩu trước ở vị trí thứ 41, thì đến nay đã tăng 16 bậc, lên vị trí 25. Chắc chắn với thành tích kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt 410 tỷ USD cả năm nay, vị thế của chúng ta trên bản đồ thế giới sẽ thay đổi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất - nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2007-2015 hầu hết Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu (trừ năm 2012-2013) thì năm 2016 Việt Nam đã xuất siêu 1,78 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2017 xuất siêu 3 tỷ USD.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, điều này góp phần làm cán cân thanh toán cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Thành tích này cũng góp phần làm cho Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành và hoàn thành vượt định mức cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

FDI đang đóng góp lớn trong “kỳ tích”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh. Trong đó, nhóm hàng dệt may và điện thoại, linh kiện "áp đảo" các mặt hàng còn lại. Đáng lưu ý, nhóm hàng này phần lớn nằm trong tay các ông lớn FDI. Đặc biệt, xuất khẩu của Samsung Việt Nam chiếm tới 22,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2016.

Dưới góc độ nghiên cứu, theo TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), cơ cấu xuất khẩu theo thành phần kinh tế của Việt Nam có sự "chuyển biến rõ rệt", tuy nhiên, theo hướng đáng phải suy nghĩ. Nếu năm 2007, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 42,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến 2016 chỉ còn 28,5%. Tương ứng, tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 57,2% năm 2007 lên 71,5% năm 2016.

"Các chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất đem lại kết quả tốt nhưng cũng thể hiện việc xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khối DN này. Sự phụ thuộc này không chỉ khiến xuất khẩu - động lực chính của tăng trưởng - trở nên nhạy cảm và bấp bênh hơn trước những biến động của kinh tế thế giới mà giá trị gia tăng của sản xuất và xuất khẩu Việt Nam thu được rất thấp", TS. Thủy chỉ rõ.

Bên cạnh đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam lại không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế, hoạt động kinh doanh thường diễn ra theo các hợp đồng ngắn hạn, cạnh tranh lẫn nhau, thiếu tính liên kết và không có thương hiệu.

Trong khi đó, tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế quốc tế 2017 ngày 20/12 vừa qua, TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng nhận định, một nền kinh tế như Việt Nam không thể chối bỏ FDI, thậm chí còn phải kỳ vọng rất nhiều vào khu vực này. Một trong những thành quả và cũng là hệ lụy mà khối doanh nghiệp FDI đang in dấu rất rõ lên nền kinh tế Việt Nam chính là kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 400 tỷ USD khi chưa kết thúc năm 2017.

Khu vực FDI đóng góp tới 145 tỷ USD cho xuất khẩu và 120,6 tỷ USD cho nhập khẩu, chiếm hơn 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu chỉ tính riêng xuất khẩu, tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI đạt trên 71%.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, cần cố gắng cải thiện trình độ để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong mỗi sản phẩm, qua đó giúp nền kinh tế được hưởng lợi thực sự từ hoạt động giao thương. Trong đó, lưu ý nâng cao tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp bởi đây mới chính là lĩnh vực có giá trị với nền kinh tế và cải thiện thu nhập của nông dân.

Ngoài ra, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, Nhà nước cần tạo dựng môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp. Chính vì vậy, bằng nhiều cách, doanh nghiệp phải tiếp cận và làm chủ được kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại để áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, càng hội nhập sâu, hàng rào thuế quan ngày càng được dỡ bỏ, dần dần về 0%-5% nhưng ngược lại hàng rào phi thuế quan như biện pháp phòng vệ thương mại, quy định về giữ gìn môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… sẽ được dựng lên. Vì thế, doanh nghiệp cần hiểu rõ các rào cản này đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà doanh nghiệp hướng tới; chuẩn bị điều kiện về thông tin, hiểu biết về pháp lý… để đối mặt với những xung đột pháp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh trên thị trường./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-cua-viet-nam-kha-nang-vuot-212-ty-usd-trong-nam-2017/480601.vnp

http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau-diem-sang-trong-buc-tranh-kinh-te-2017.media

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/ky-luc-moi-cua-viet-nam-xuat-nhap-khau-dat-moc-400-ty-usd-418680.html

http://nld.com.vn/kinh-te/dang-sau-ky-tich-400-ti-usd-xuat-nhap-khau-20171223214540924.htm

Lê Vân (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư