Mỗi ngày, lực lượng quản lý thị trường xử lý gần 300 vụ vi phạm

09:02 | 03/08/2018 Print
- Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện và xử lý 52.147 vụ vi phạm. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 290 vụ bị phát hiện xử lý.

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tổng kiểm tra gần 79.284 vụ, phát hiện xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách hơn 282 tỷ đồng.

Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên không còn công khai như trước đây, tập trung tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang…), biên giới miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…), biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…).

Hàng hóa vi phạm tập trung chủ yếu các mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực…

Lực lượng chức năng xử lý hàng hoá nhập lậu

Tình hình gian lận thương mại cũng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các hành vi gian lận chủ yếu là quay vòng hoá đơn để hợp thức hoá hàng lậu; kê khai giá trên hoá đơn bán hàng để giảm thuế GTGT; gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu, phân bón, sang chiết gas trái phép; sản xuất hàng hoá chưa được phép lưu hành…

Hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử - điện máy, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện...

Đối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó gia công thường được đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; hàng hóa có mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với một bộ phận dân số thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề được trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.

Bên cạnh đó, một số hàng hóa có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng bày bán công khai nhưng khó xử lý vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không tích cực hợp tác. Hoạt động buôn bán hàng qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…

Trong bối cảnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng đã triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm, bước đầu tạo được uy tín trong dư luận xã hội, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Điển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS đã chuyển cơ quan công an để điều tra hình sự. Kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hóa tại Kiên Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mỹ phẩm - thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương; kiểm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm đối với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG…

Những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng công an, hải quan, biên phòng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả./.

Liên Trang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư