EVFTA - Hòn đá tảng trong chính sách giữa Việt Nam – EU

18:32 | 14/02/2020 Print
- Đó là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại tọa đàm “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” diễn ra chiều nay (14/2).

Cơ hội lớn mở ra cho Việt Nam

Ngay sau khi các văn kiện thương mại quan trọng giữa Việt Nam và EU được Nghị viện châu Âu thông qua hôm 12/2, chiều nay, Cổng Thông tin điện tử chính phủ đã tổ chức toạ đàm để cung cấp thông tin liên quan đến sự kiện này.

Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, EVFTA và IPA đóng vai trò như hòn đá tảng trong chính sách giữa Việt Nam – EU, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận thương mại với thị trường hàng đầu thế giới.

Đây cũng là thị trường yêu cầu cao, ngoài mở ra không gian thị trường, còn thúc đẩy cải cách, thể chế ở Việt Nam. Mặt khác, nhờ thúc đẩy tự do thương mại với EU, mà cơ cấu xuất nhập khẩu, đầu tư của Việt Nam tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào thị trường truyền thống xung quanh.

Toàn cảnh tọa đàm

Là một trong những người trực tiếp tham gia vào tiến trình đàm phán hiệp định, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA đánh dấu thành công của nền kinh tế trong hội nhập; thể hiện bản lĩnh và quyết tâm mở rộng quan hệ thương mại với EU, tạo thời cơ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển...

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ghi nhận, EVFTA có ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Tuấn, EU là thị trường lớn thứ tư thế giới, hàng năm có nhu cầu nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD giá trị nông sản và dư địa cho hàng nông sản Việt đang còn nhiều.

Liên quan đến cơ hội cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, chắc chắn người lao động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi có thêm việc làm, theo hướng cạnh tranh và bền vững hơn; có thu nhập cao hơn. Đồng thời, sẽ xuất hiện sự dịch chuyển về lao động và yêu cầu về điều kiện, chất lượng lao động cao hơn.

Song hành với những khó khăn

Bên cạnh những cơ hội, thì việc tham gia vào EVFTA cũng đặt ra những thách thức cho phía Việt Nam. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định, EU là thị trường có khả năng chi trả cao nhưng cũng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nhất là yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ...

Từ đó, mỗi đơn vị cần tập trung cho đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo đảm sản xuất sạch và yêu cầu về sản lượng và tiêu chuẩn của đối tác. Tuy nhiên, trong tình hình đó thì doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất sẽ phải chịu áp lực lớn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì lưu ý, mặc dù hàng hóa của Việt Nam và EU có tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, song vẫn còn những lĩnh vực, ngành nghề của Việt Nam có thể gặp nhiều bất lợi với EVFTA như hóa chất, phương tiện vận tải hay lĩnh vực sản xuất sắt, thép, dược phẩm…

“Những lĩnh vực không có lợi thế đã lường trước được sức ép cạnh tranh nên EVFTA đã đưa ra lộ trình hoàn thiện từ 3-7 năm, thậm chí cao hơn để phù hợp với sức vươn lên của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận đương đầu với sự cạnh tranh để từ đó có những nỗ lực, cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh, có thể đương đầu với cạnh tranh mới mà không còn trồng chờ vào sự bảo hộ”, ông Lộc chỉ rõ.

Chủ tịch VCCI cũng phân tích, lịch sử giai đoạn mở cửa của Việt Nam đã cho thấy, với những lĩnh vực nào Việt Nam sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, mở cửa và từ bỏ sự bảo hộ từ sớm, đến nay đang có năng lực cạnh tranh rất cao. Còn những lĩnh vực bảo hộ bởi nhà nước thì phát triển chậm.

“Đây cũng chính là bài học trong hành trình mở cửa từ những năm vừa qua để cộng đồng doanh nghiệp rút kinh nghiệm, xác định và tạo ra tinh thần mới trong giai đoạn hội nhập”, Chủ tịch VCCI nói.

Không quá lạc quan với những lợi thế từ EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc lưu ý, hiện nay, ngay cả đối với một số lĩnh vực lợi thế như dệt may, giày dép…, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ rất cần được coi trọng và phải được xác định là vấn đề cấp bách hàng đầu. Bởi nếu khi không phát triển công nghiệp hỗ trợ, thì các ngành hàng của Việt Nam cũng sẽ không thể tận dụng được những ưu đãi về thuế quan từ EVFTA.

Vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, khi Việt Nam chính thức tham gia vào EVFTA cũng chính là thời điểm cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chủ tịch VCCI chỉ rõ, chỉ khi Việt Nam chú trọng đến công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo đà phát triển lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như siêu nhỏ.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, tạo cơ hội cho các loại hình doanh nghiệp chính là vấn đề rất quan trọng. Đó là vấn đề nền tảng và cốt yêu bởi khi đất nước hội nhập, cơ hội mang đến sẽ không phải chỉ dành cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà sẽ có sự vào cuộc của cả cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả cả doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như không loại trừ các hộ nông dân và các hộ kinh doanh cá thể.

Nhận thức đúng đắn về điều này, hiện nay Chính phủ đang có đề xuất rất quan trọng là đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, từ đó minh bạch hóa, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này, tác động cơ bản đưa khu vực này có thể tham gia vào quá trình hội nhập.

“Quá trình hội nhập luôn phải đảm bảo tính bao trùm và phải mang lại lợi ích cho người lao động, mang lại lợi ích cho các hộ nông dân, mang lại lợi ích cho các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ thì hội nhập mới thành công. Chính vì vậy, ngay lúc này, rất cần một nền tảng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa và siêu nhỏ để các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội. Khi có chính sách nền tảng sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong hội nhập EVFTA cũng như các hiệp định tự do thế hệ mới", Chủ tịch VCCI nói.

Đứng về góc độ người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu cũng gợi ý, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nghề và đổi mới giáo dục để người lao động có những kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới, nhất là cơ hội luân chuyển lao động sang EU./.

Chiều ngày 12/2 (theo giờ Việt Nam), với 401 phiếu thuận (đạt tỉ lệ 63,33%); 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua.

Với Hiệp định này, cả EU và Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài. Nếu tính từ khi hai bên nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10/2010 cho tới khi Hiệp định này chính thức được EU phê chuẩn vào đầu năm 2020, thời gian đã kéo dài gần tròn 10 năm.

EVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay của Việt Nam.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư