e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Bộ Công Thương giải đáp nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến xăng dầu, giá điện

21:18 | 12/03/2021 Print
- Chiều hôm nay (ngày 12/3), Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ. Tại cuộc họp, nhiều vấn đề liên quan đến kinh doanh xăng dầu, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt... đã được đại diện Bộ Công Thương giải đáp với báo chí.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương vào chiều ngày 12/3/2021

Dự thảo Nghị định số 83 sửa đổi đang chờ Chính phủ thông qua

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều cơ quan có thẩm quyền, như: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Hải quan, Cảnh sát biển và các quy định pháp luật liên quan, như: Luật Đầu tư, Luật Giá, Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 83) ….

Trong đó, theo Nghị định 83, Bộ Công Thương có chức năng chính là chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đồng thời, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối...

Việc quản lý liên quan đến xăng dầu trong thời gian vừa qua, theo ông Trần Duy Đông là cơ bản tốt, đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 83. Tuy nhiên, vẫn có một số thương nhân kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu vi phạm Nghị định số 83, như: liên quan đến việc duy trì điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng thông tin, Bộ Công Thương luôn chú trọng, quan tâm, đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu chấp hành, đảm bảo thực thi pháp luật đầy đủ trong việc kinh doanh xăng dầu; trong đó có vấn đề đầu tư kinh doanh, phục vụ cho tiêu dùng, sản xuất.

Đặc biệt, trong quá trình hậu kiểm thời gian vừa qua, sẽ báo cáo lãnh đạo bộ và các đơn vị có thẩm quyền trên tinh thần xử lý nghiêm những thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm Nghị định số 83, cũng như việc vi phạm pháp luật theo kiến nghị của cơ quan chuyên ngành.

Theo ông Đông, vừa qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã dự thảo Nghị định số 83 sửa đổi và đang trong quá trình xin ý kiến của các thành viên Chính phủ. Nghị định mới kỳ vọng sẽ sửa đổi những bất cập về kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua, như: quy định về phát triển nhà phân phối làm sao cho minh bạch hơn, rõ ràng hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào thực chất; hay vấn đề về an toàn, chất lượng xăng dầu; vấn đề hạn ngạch mức nhập khẩu tối thiểu cũng có những đề xuất hợp lý hơn...

Liên quan đến vấn đề tại sao phải đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu và hạn mức tối thiểu đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc đặt ra hạn mức đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trực tiếp là vấn đề xuất khẩu và nhập khẩu kinh doanh xăng dầu đã được đặt ra từ lâu (Nghị định 84, Nghị định 83) là để đảm bảo an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp được cấp phép trở thành doanh nghiệp đầu mối, hàng năm họ phải đăng ký hạn mức nhập khẩu, nếu không đăng ký hạn mức nhập khẩu thì sẽ thiếu xăng dầu để cung cấp trong nước.

Còn đối với doanh nghiệp phân phối, đại lý có quyền lấy xăng dầu từ các doanh nghiệp khác, nên số hạn mức họ lấy của 1 doanh nghiệp, của một đầu mối có thể ít, nhưng tổng số của họ để tiêu thụ và trực tiếp vận hành trên thị trường lại nhiều hơn.

Bộ Công Thương đã nghiên cứu xem xét đề án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện

Với câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện gây bức xúc cho người dân vào những mùa nắng nóng, tiền điện tăng cao bất thường, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, trong năm 2020, Bộ đã nghiên cứu xem xét đề án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và khách hàng sử dụng điện.

Trên cơ sở đánh giá, góp ý, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng giao Bộ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xem xét. Trong đó, Thủ tướng cũng đề nghị xem xét quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021 khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi.

Do vậy, hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu bán lẻ điện phục vụ cho các đối tượng một cách phù hợp nhất.

Sau khi hoàn thiện phương án này, Bộ Công Thương cũng sẽ một lần nữa lấy ý kiến rộng rãi của bộ ngành và đơn vị trước khi hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Với câu hỏi Bộ Công Thương có phương án tăng giá trong năm nay hay không, ông Tuấn chỉ khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện điều hành giá điện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cũng như định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư