VN-Index giảm mạnh cuối phiên

14:46 | 23/07/2013 Print
- Nếu như hôm qua, thị trường được nâng đỡ bởi sự nỗ lực kéo giá từ các cổ phiếu lớn thì hôm nay bất ngờ lại đến từ những mã vừa và nhỏ. Nhóm blue-chips giao dịch khá tẻ nhạt, VN-Index giảm mạnh cuối phiên chiều và đóng cửa ở mức điểm thấp nhất trong phiên.

Đà tăng của thị trường tiếp tục được duy trì khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay (23/7). Tuy nhiên, mức tăng rất khiêm tốn khi các cổ phiếu có sự phân hóa cùng với kết quả kinh doanh được công bố.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,43 điểm (+0,09%), lên 506,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,64 triệu đơn vị, tương đương giá trị 34,1 tỷ đồng.

Ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đã quay đầu giảm nhẹ khi số mã giảm giá nhiều thêm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của một số bluechip có kết quả kinh doanh khả quan như VNM, HPG, PPC… VN-Index không giảm quá sâu, thậm chí lại đảo ngược tình thế tăng trở lại.

Việc VN-Index giằng co mạnh trong phiên sáng nay do sự phân hóa rõ nét giữa các mã cổ phiếu. Ngay trong nhóm VN30 cũng có sự phân hóa, tuy nhiên, mức biến động giá của các cổ phiếu là không lớn, chỉ xoay quanh mốc tham chiếu một hai bước giá.

Đến 9h40, VN-Index đang đứng ở mức 506,64 điểm, tăng 0,48 (+0,09%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 7 triệu đơn vị, tương đương giá trị 136 tỷ đồng.

Thời gian còn lại của phiên sáng, thị trường vẫn diễn ra trong thế giằng co, dù có thời điểm tưởng chừng VN-Index có thể bứt phá, nhưng lực bán mạnh mỗi lúc khiến VN-Index bị níu quanh mốc 508 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 1,5 điểm (+0,30%), lên 507,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,86 triệu đơn vị, tương đương giá trị 734,2 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, trị giá 71,3 tỷ đồng.

Sang phiên giao dịch buổi chiều, áp lực bán bắt đầu gia tăng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,87 điểm (-0,37%), xuống 504,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.250,24 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 5,95 triệu đơn vị, trị giá 175,6 tỷ đồng.

Trong 307 mã niêm yết trên sàn, có 75 mã tăng, 123 mã giảm, 79 mã đứng giá và 30 mã không có giao dịch. Trong nhóm VN30, số mã giảm giá là 13 mã, trong khi có 8 mã tăng và 9 mã đứng giá. Kết thúc phiên, VN30-Index giảm 1,18 điểm (-0,21%), xuống 556,79 điểm.

VIC vẫn là mã được khớp nhiều nhất với hơn 4,46 triệu đơn vị, bỏ xa 3 mã ở vị trí kế tiếp là PVT (2,31 triệu đơn vị), SSI (2,25 triệu đơn vị) và ITA (2,17 triệu đơn vị).

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào khá mạnh trên HOSE với tổng khối lượng 3.760.910 đơn vị. Trong đó, HAG được họ mua vào nhiều nhất với 538.050 đơn vị, tiếp theo là các mã HPG 333.420 đơn vị, PPC 293.480 đơn vị và CTG 256.900 đơn vị.

Trái ngược với sự giảm điểm của VN-Index, HNX-Index phản ứng tích cực hơn khi tăng nhẹ lúc đóng cửa phiên giao dịch, tuy nhiên thanh khoản vẫn gặp khó khăn.

Sau 45 phút giao dịch đầu tiên, trên sàn này chỉ mới khớp được 2,4 triệu đơn vị, trị giá chỉ hơn 17 tỷ đồng. Dù có sự hỗ trợ của ACB, LAS, NTP…, nhưng nhiều mã penny giảm giá khiến HNX-Index không thể tăng điểm.

Mặc dù dao động ở dưới mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên sáng, nhưng HNX-Index bất ngờ đảo chiều đi lên khá mạnh vào cuối phiên, dù lực mua vẫn không lớn và thanh khoản đứng ở mức rất thấp.

Kết thúc phiên, HNX-Index tăng 0,33 điểm (+0,53%), lên 63,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 9,95 triệu đơn vị, trị giá 75,98 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 0,72 điểm (+0,61%), lên 119,6 điểm với 9 mã tăng, 9 mã giảm và 11 mã đứng giá.

Sang phiên chiều, dù lực mua rất thấp, nhưng sự hồi phục vào cuối phiên của một số bluechip có tác động lớn tới chỉ số chung đã giúp HNX-Index thoát hiểm, tránh được phiên giảm điểm.

Kết thúc phiên chiều lúc 2h15, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,30%), lên 62,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 134,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể khi chỉ đóng góp hơn 0,5 triệu đơn vị, trị giá gần 3 tỷ đồng.

Toàn sàn HNX có 59 mã tăng, 98 mã giảm, 61 mã đứng giá và có tới 168 mã không có giao dịch.

Trong nhóm HNX30, số mã tăng giá cũng chỉ bằng phân nửa số mã giảm. Cụ thể, 7 mã tăng 14 mã giảm, 7 mã đứng giá và 2 mã không có giao dịch.

Dù số mã giảm giá nhiều gấp đôi so với số mã tăng, nhưng do các mã tăng có ảnh hưởng lớn tới chỉ số, nên HNX30-Index vẫn tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,04%), lên 118,93 điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào tổng cộng 1.233.400 đơn vị, trong khi bán ra 360.900 đơn vị. Các mã được mua vào nhiều là APS với 354.500 đơn vị, STL 276.700 đơn vị và PVS 192.000 đơn vị, trong khi họ bán mạnh PVS với 205.500 đơn vị./.

(Tổng hợp từ: tinnhanhchungkhoan.vn; cafef.vn; fpts.com.vn)

Anh Đức

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư