Cần xây dựng nền tảng thể chế tốt để lành mạnh hóa hệ thống tài chính

11:11 | 18/12/2013 Print
- Sáng nay (18/12), Hội thảo về Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NSFC) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo Phó Thủ tướng, trong hơn 2 năm qua, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm và vẫn chưa thực sự phục hồi một cách vững chắc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thực hiện tái cấu trúc thị trường tài chính để ứng phó với khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như khắc phục những khó khăn trong nước. Trong đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực quản lý, giám sát và góp phần minh bạch, lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Nhờ vậy mà các hoạt động tín dụng ngân hàng của Việt Nam từng bước ổn định, thanh khoản được cải thiện, thị trường chứng khoán từng bước hồi phục và trở thành 1 trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2013.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng cho biết, hệ thống tài chính của Việt Nam còn tồn tại những bất cập, như: chính sách tài chính trong một số lĩnh vực còn chậm được ban hành và triển khai một cách đồng bộ, cơ chế phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia còn thiên về chiều rộng…, nên hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Để khắc phục những điểm yếu này, đồng thời thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Việt Nam cần thiết phải thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính, trong đó gồm: các giải pháp nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính, đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, hay đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính…

Chủ tịch NSFC, ông Vũ Viết Ngoạn cho biết, tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hậu quả như nợ xấu, thanh khoản… mà phải có sự thay đổi về thể chế, cấu trúc thị trường và tư duy chính sách. Ông đặt ra những câu hỏi, như: hệ thống quy chuẩn an toàn tài chính hiện nay đã đặt các định chế tài chính vào hành lang hoạt động an toàn hay chưa? Chính sách gì để tăng cường tính minh bạch vì một nền tài chính hiệu quả? Ông cũng cho rằng, vấn đề sở hữu chéo giữa 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và doanh nghiệp làm lệch lạch dòng chảy tiền tệ và là một trong những nguyên nhân gây ra những bất cập của hệ thống tài chính.

Bài phát biểu của ông Roberto Rocha, chuyên gia cao cấp của WB tập trung phân tích các sự cần thiết của việc chuyển đổi cơ cấu và khả năng phục hồi hệ thống tài chính như là nền tảng của sự lành mạnh hóa và phát triển hệ thống tài chính ở Việt Nam, với mục tiêu cuối cùng của nhà hoạch định chính sách là ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao GDP, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo đói và bất bình đẳng. Ông cho rằng, hệ thống tài chính của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng toàn cầu và cần thiết phải có sự tăng cường lành mạnh hóa. Hệ thống tài chính của Việt Nam khá lớn, nhưng dường như dựa quá nhiều vào ngân hàng (200% GDP và 92% tài sản). ROA đã giảm từ 1,8% vào năm 2007 xuống còn 0,5% vào năm 2012; tỷ lệ nợ xấu ước tính nằm trong khoảng 5%-20% cho thấy có sự thiếu niềm tin vào các báo cáo ngành ngân hàng trong khi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng hiện nay cũng ở mức thấp, gần như bằng 0 nếu tính theo giá thực tế.

Tập trung vào phân tích chính sách giám sát an toàn tài chính ở Việt Nam, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright trình bày kinh nghiệm về 04 cách tiếp cận phối hợp điều tiết và giám sát tài chính, bao gồm: tiếp cận định chế (Trung Quốc), tiếp cận chức năng (Brazil), tiếp cận tích hợp (Nhật Bản) và tiếp cận song trùng (Úc). Liên hệ trường hợp của Việt Nam, ông rút ra kết luận là Việt Nam sử dụng cách tiếp cận định chế, song có xu hướng chuyển sang mô thức tích hợp. Tuy nhiên, dù là mô thức nào thì điều quan trọng hơn là việc xây dựng nền tảng thể chế cho giám sát và phối hợp chính sách. Ở Việt Nam, trách nhiệm giám sát tài chính thường được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, do đó cần phải có sự phối hợp của các cơ quan này để giám sát chung hệ thống tài chính, cũng như phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách giám sát an toàn tài chính.

Về các giải pháp tăng cường nền tảng giám sát tài chính, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC, đã nêu ra 07 giải pháp, nhấn mạnh vào xây dựng chính sách vĩ mô ổn định và bền vững thông qua thực thi hài hòa các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Các giải pháp khác bao gồm: thiết lập khuôn khổ xử lý rủi ro hệ thống, duy trì ổn định tài chính; kiện toàn công tác giám sát tài chính; xác lập khuôn khổ xử lý bất ổn tài chính; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính; bảo đảm hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn tài chính và tăng cường minh bạch thông tin./.

Chu Hội

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư