e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Ngành ngân hàng cam kết 4.700 tỷ đồng cho vùng Tây Bắc năm 2015

12:31 | 01/04/2015 Print
- Tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đến ngày 1/4, các ngân hàng thương mại đã đăng ký dành 4.700 tỷ đồng cho vay khu vực Tây Bắc trong năm 2015.

Theo đó, Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc sẽ diễn ra vào ngày 3-4/4/2015.

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; đầu tư cho vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội cũng như làm tốt công tác an sinh xã hội ở các tỉnh khu vực Tây Bắc.

Tăng trưởng GDP toàn Vùng Tây Bắc bình quân giai đoạn 2010-2014 đạt 9,54%, năm 2014 đạt 8,79%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 25.977 tỷ đồng (tăng 30% so với năm 2013).

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, riêng năm 2014, tổng dư nợ của ngành Ngân hàng đối với các tỉnh Tây Bắc đạt trên 149.000 tỷ đồng, tăng 17,1%, cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước là 14,1%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tổng dư nợ đã lên tới trên 60.000 tỷ đồng, tăng 7,49% và chiếm trên 40% tổng dư nợ toàn Vùng.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng của khu vực Tây Bắc những năm gần đây đã có mức tăng trưởng cao. Tổng dự nợ cho vay tại vùng Tây Bắc đến 31/12/2014 đạt 149.383 tỷ đồng, tăng 16,10% so với 31/12/2013, cao hơn mức tăng chung cả nước (mức tăng chung cả nước 14,16%) và chiếm tỷ trọng khoảng 3,76% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội khu vực Tây Bắc năm 2015 tổ chức tại Sơn La vào ngày 3-4/4 tới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng tiếp tục cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tại khu vực Tây Bắc với số tiền cam kết cho vay hơn 4.700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như thủy điện, khai khoáng, chế biến, vận tải, nông sản.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban Phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc cũng thông tin thêm, “dù có tiềm năng phát triển nhưng vùng Tây Bắc vẫn là một trong những khu vực phát triển chậm của cả nước. Vì vậy chuỗi sự kiện sắp tới cũng là dịp để Đảng, Nhà nước thể hiện sự đầu tư lâu dài và liên tục vào khu vực này. Đây là dịp để các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư lên tìm hiểu để tích cực tăng cường và mạnh dạn đầu tư vào Tây Bắc".

"Đây là dịp để Đảng, Nhà nước và Chính phủ vinh doanh các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đầu tư có hiệu quả và thực hiện công tác an sinh xã hội vào vùng Tây Bắc... Tất cả các khâu tổ chức cho chuỗi sự kiện này đã hoàn tất", ông Cừ nói.

Bên cạnh các chính sách đồng bộ của Đảng và Nhà nước, chính sách tín dụng ưu đãi cũng là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc.

Theo đó, hoạt động từ thiện và an sinh xã hội cũng được ngành Ngân hàng quan tâm, đẩy mạnh và được Quốc hội đánh giá là điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 1998-2013, tổng số tiền ngành Ngân hàng tài trợ cho vùng Tây Bắc đạt 1.300 tỷ đồng, năm 2013 là 494 tỷ đồng và năm 2014 là 381 tỷ đồng.

Tính đến hết quý I/2015, ngành Ngân hàng đã đăng ký tham gia tài trợ cho các tỉnh vùng Tây Bắc là 123 tỷ đồng và con số này sẽ tiếp tục tăng trong các tháng còn lại của năm 2015.

Riêng hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong 10 năm qua, đã có tới trên 466.000 hộ thoát nghèo; 1,7 triệu việc làm được tạo lập mới, trên 260.000 học sinh sinh viên được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đảm bảo việc học tập của mình, xây dựng trên 552.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường…

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc năm 2013 tổ chức tại Tuyên Quang, các ngân hàng thương mại đã ký kết 14 hợp đồng tín dụng cam kết tài trợ số vốn vay lên đến 20.116 tỷ đồng. Đến cuối tháng 12/2014, các ngân hàng đã bước đầu giải ngân được một số dự án với số tiền gần 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc, ông Trương Xuân Cừ cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, thì chính các tỉnh trong Vùng cần phát huy nội lực, nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào đây.

Theo đó, ông Trương Xuân Cừ nêu rõ, Vùng cần tập trung vào đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh bởi hiện nay vấn đề liên kết vùng còn khá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, cũng cần phải đổi mới công tác vận động quần chúng, theo đó, những lực lượng như: biên phòng, y tế, giáo viên cần vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, với 84% dân số làm nông nghiệp, nên Nhà nước cần thúc đẩy việc đưa khoa học, công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp cho đồng bào trong Vùng. Ngoài ra, để đảm bảo công tác an sinh xã hội được bền vững, cần thay đổi phương pháp hỗ trợ theo hướng hỗ trợ sản xuất cho người dân, chứ không thể theo hướng “cho không, biếu không”./.

Lê Huy

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư