Đã hoàn tất các thủ tục sáp nhập MHB vào BIDV

06:00 | 26/05/2015 Print
- Thủ tục cuối cùng để Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) chính thức sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được thực hiện ngày 25/5/2015, khi lãnh đạo hai ngân hàng ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV.


Theo đó, từ ngày 25/5, toàn bộ các chi nhánh của MHB trước đây nay hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV. BIDV đã chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo nhận diện của BIDV. Việc tiến hành các thủ tục sáp nhập MHB vào BIDV được tiến hành ở cả hai cấp, cấp chi nhánh và cấp hệ thống.
Với nguyên tắc xuyên suốt trong giao dịch sáp nhập MHB vào BIDV là kế thừa và đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cổ đông và người lao động của hai ngân hàng. Việc sáp nhập được thực hiện theo phương thức bàn giao nguyên trạng, đầy đủ toàn bộ hoạt động của MHB và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1. Đăng ký kinh doanh của ngân hàng sau sáp nhập cũng đã hoàn tất.
Sau khi sáp nhập, tổng tài sản BIDV đạt trên 700.000 tỷ đồng, đứng thứ tư trong hệ thống ngân hàng thương mại nội địa về quy mô tài sản. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên trên 34.000 tỷ đồng. Mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm trên cả nước với tổng số lao động là gần 24.000 người.
Trước đó, nhiều thương vụ hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng đã hoàn tất như: Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Tín Nghĩa sáp nhập với Ngân hàng Sài Gòn thành SCB, Ngân hàng Nhà Hà Nội sáp nhập với Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội thành SHB, Ngân hàng Phương Tây sáp nhập với Tổng Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam - PVFC thành PVcombank, Ngân hàng Đại Á sáp nhập với Ngân hàng Phát triển TP.Hồ Chí Minh và Công ty Tài chính SGVF thành HDBank…
Việc sáp nhập MHB và BIDV là theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 năm 2015 của Chính phủ./.

Thanh Hà

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư