Thanh toán thẻ chỉ phát triển về số lượng

17:37 | 22/11/2016 Print
- Đó là nhận định của TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại khi nói về sự phát triển của thị trường thanh toán thẻ hiện nay ở Việt Nam tại Hội thảo Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử diễn ra sáng 22/11 tại Hà Nội.

Mỗi cá nhân có khoảng 5 thẻ

Thông tin từ Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA), tính đến hết năm 2015, toàn thị trường có 40/51 ngân hàng phát hành thẻ nội địa, với số lượng thẻ đạt hơn 81,85 triệu thẻ, trong đó chủ yếu là thẻ ghi nợ. Đối với thẻ trả trước nội địa, có 14/51 ngân hàng phát hành loại thẻ này với tổng số thẻ phát hành đạt hơn 2 triệu thẻ. Thẻ tín dụng nội địa có 8/51 ngân hàng phát hành với hơn 256.000 thẻ trên toàn thị trường.

Bên cạnh đó, cũng có 40/51 ngân hàng phát hành thẻ quốc tế. Tổng số thẻ quốc tế tích lũy toàn thị trường đến cuối 2015 đạt trên 9,24 triệu thẻ, tăng 16,23% so với năm 2014, trong đó nhóm ngân hàng nước ngoài phát hành hơn 645.000 thẻ.

Toàn cảnh Hội thảo

Không chỉ gia tăng số lượng thẻ mà doanh số sử dụng và doanh số thanh toán thẻ cũng tăng trưởng không ngừng. Nếu như năm 2011, doanh số sử dụng đạt hơn 724.000 tỷ đồng và doanh số thanh toán hơn 895.000 tỷ đồng thì đến năm 2015, các con số này lần lượt là hơn 1.637.000 tỷ đồng và hơn 1.685.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 126% và 88%. Chưa kể, kênh giao dịch tự động ATM cũng tăng trưởng nhẹ do các ngân hàng chuyển hướng tập trung phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ POS.

Song, theo TS. Lê Huy Khôi, việc phát triển thẻ tín dụng những năm vừa qua chủ yếu thiên về số lượng chưa đi kèm với sự thay đổi căn bản về chất lượng, cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi thẻ được phát hành. Cụ thể, số lượng thẻ đã tăng khoảng trên 30 lần từ năm 2010 đến 2015, tuy nhiên, số lượng thẻ hoạt động thực tế chỉ vào khoảng gần 70 triệu thẻ. Trong khi, hiện chỉ có khoảng trên 20 triệu người có tài khoản ngân hàng (chỉ chiếm khoảng trên 20% dân số Việt Nam). Ước tính, mỗi một tài khoản cá nhân sẽ có từ 4 đến 5 thẻ. Cao hơn nhiều so với bình quân thế giới, điều đó cho thấy hiệu quả phát hành thẻ còn thấp.

85% doanh thu thanh toán thẻ là từ rút tiền mặt

Thực tế, thanh toán điện tử bằng thẻ và ví điện tử ở Việt Nam được dự báo là có tiềm năng rất lớn và sẽ phát triển nhanh thời gian tới. Và “miếng bánh thị trường” ngày càng to, nhưng tăng trưởng vẫn chưa thực sự xứng tầm.

Cũng theo TS. Lê Huy Khôi, đó là một thực trạng rất đáng tiếc. Đáng tiếc hơn nữa là doanh thu thanh toán thẻ hiện nay chủ yếu vẫn đến từ giao dịch rút tiền từ các cây ATM. Doanh thu này chiếm đến 85%, và chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Điều này rất lãng phí khi đầu tư vốn lớn vào cơ sở hạ tầng ATM.

Thông thường việc phát hành thẻ phải song hành phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp mà không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ hay thực hiện mục đích rút tiền mặt. Đầu tư vốn lớn vào cơ sở hạ tầng nhưng doanh thu thu về lại chủ yếu đến từ giao dịch rút tiền mặt là một điều rất lãng phí, TS. Lê Huy Khôi nhấn mạnh.

Hiện tại, tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng, hiện chỉ rơi vào khoảng từ 60%-70%. Tổng mức dư nợ cho vay qua thẻ mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng. Ngoài ra, sử dụng thanh toán qua thẻ ở các đối tượng là doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất một hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới phát triển; đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, dù đã có khá nhiều các chính sách hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng vẫn thiếu các chính sách mang tính đột phá để tạo một đòn bẩy cho công cụ thanh toán thẻ và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngoài nguyên nhân cốt lõi trên, việc thanh toán thẻ còn gặp khó phần nhiều đến từ thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam, chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán. Thói quen của người Việt vẫn thích chi tiêu bằng tiền mặt hơn là sử dụng một công cụ bị cho là “cao siêu” khó dùng.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng do dự về vấn đề an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán xảy ra gần đây. Chưa kể, khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, cơ sở hạ tầng gồm hệ thống máy ATM và POS chưa phát triển đồng đều.

Đặc biệt, nước ta còn thiếu chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng cho điểm bán hàng; hoặc giảm thuế cho phần doanh thu mà doanh nghiệp được giao dịch qua thẻ; giảm thuế nhập khẩu các thiết bị công nghệ thẻ như máy ATM, POS, máy sản xuất thẻ...

Một trong những cách góp phần khắc phục thực trạng này, TS. Lê Huy Khôi cho rằng, Chính phủ cũng nên có quy định bắt buộc các cơ sở bán hàng, dịch vụ có số vốn lớn, như các siêu thị, phải trang bị thiết bị thanh toán thẻ. Xét trên khía cạnh quản lý, cách này cũng sẽ chống được việc thất thu thuế một cách hiệu quả, đồng thời, cần có hình thức hỗ trợ đơn giản thủ tục thanh toán hóa đơn thuế đối với các trường hợp chấp nhận thanh toán qua thẻ./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư