Nhiều thông tin khách hàng ở ngân hàng sẽ vào diện bí mật

22:57 | 22/01/2017 Print
- Thông tin khách hàng là thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước trong ngành ngân hàng thì phải được quản lý, sử dụng, lưu trữ và bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP, ngày 21/11/2000 của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng.

Nhiều quy định không còn phù hợp

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Nghị định 70 là một trong những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin về tiền gửi và tài sản của khách hàng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các cơ quan chức năng đã gặp khó khăn, vướng mắc khi cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng liên quan đến một số quy định tại Nghị định 70 và Thông tư số 02/2001/TT-NHNN, ngày 04/04/2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 70 (Thông tư 02).

Nhiều thông tin khách hàng ở ngân hàng sẽ vào diện bí mật

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau hơn 15 năm áp dụng kể từ ngày có hiệu lực thi hành (ngày 06/12/2000), Nghị định 70 và Thông tư 02 không còn phù hợp với tình hình thực tế và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Cụ thể: Thứ nhất, phạm vi quy định tại Nghị định 70 đang hẹp hơn và chưa bao quát đầy đủ phạm vi và đối tượng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Thứ hai, việc liệt kê các trường hợp cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền được quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng chưa phù hợp với thực tế và chưa đầy đủ.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 70 thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung cấp cho nhau các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. Như vậy, quy định này trái với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Thứ tư, một số yêu cầu khi cung cấp thông tin tại Nghị định 70 và Thông tư 02 đã gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc đảm bảo việc cung cấp thông tin hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí. Chẳng hạn, quy định việc cung cấp thông tin phải được lập thành “Biên bản cung cấp thông tin”, quy định về tài liệu chứng minh lý do yêu cầu cung cấp thông tin phải bao gồm quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can… đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng của Bộ Công an và làm chậm trễ việc phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Thông tin khách hàng là bí mật

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 70 đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan là rất cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Về giải pháp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất xây dựng, ban hành Nghị định 70 theo hướng gộp các nội dung quy định tại Thông tư 02 vào Nghị định thay thế Nghị định 70 nhằm tạo dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thống nhất quy định về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các bộ, ngành liên quan và bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo nghị định mới trong đó đề xuất nguyên tắc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng: Thông tin khách hàng là thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước trong ngành ngân hàng thì phải được quản lý, sử dụng, lưu trữ và bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp, tiết lộ thông tin khách hàng cho tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quy định của Nghị định này; Tổ chức, cá nhân được cung cấp thông tin khách hàng chỉ được sử dụng thông tin khách hàng cho mục đích hoạt động của mình trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng, đảm bảo các thông tin được giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp theo đúng các quy định của pháp luật.

Khách hàng có quyền kiện ngân hàng nếu lộ thông tin trái luật

Cũng theo dự thảo nghị định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức, cá nhân khi đó là thông tin của chính khách hàng yêu cầu; Người đại diện theo pháp luật, người giám hộ hoặc người thừa kế của khách hàng trong trường hợp khách hàng mất năng lực hành vi dân sự, mất tích, chết; Người được thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự; Cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát, kiểm toán nhà nước; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phục vụ cho hoạt động thu thập xử lý thông tin, kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thuế thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan;

Đồng thời, đó là một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác xác minh. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể đơn vị nghiệp vụ được quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng;

Và tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi; Các tổ chức quốc tế mà Chính phủ Việt Nam hoặc Ngân hàng Nhà nước có cam kết cung cấp thông tin, Chính phủ các nước theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia và không tiết lộ cho bên thứ ba;

Đơn vị, cá nhân thuộc bộ máy tổ chức, nhân sự của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phục vụ hoạt động nội bộ (quản lý, điều hành, hoạt động; báo cáo cho ngân hàng mẹ và báo cáo cho cơ quan giám sát, thanh tra có thẩm quyền của nước ngoài) và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Tổ chức, cá nhân khác có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Nghị định, Pháp lệnh và Luật.

Dự thảo Nghị định cũng quy định khách hàng có quyền: Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước cung cấp thông tin khách hàng của mình; Khiếu nại, khởi kiện tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng vi phạm thỏa thuận với khách hàng hoặc trái với quy định của pháp luật; Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bồi thường thiệt hại do việc cung cấp thông tin khách hàng của mình không đúng đối tượng, không chính xác, không trung thực gây ra./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư