Sau 9 năm hoạt động, vốn hóa thị trường UPCoM đạt 656.436 tỷ đồng

09:26 | 03/07/2018 Print
- trong năm 2017, UPCoM đã có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị giao dịch đạt 1.463 tỷ đồng/phiên, cao gấp 2,3 lần giá trị giao dịch bình quân phiên trên thị trường niêm yết HNX năm 2017.

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết tháng 5/2018, UPCoM có 738 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, vốn hóa thị trường đạt 656.436 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX cùng thời điểm.

Trong 9 năm qua, các doanh nghiệp trên UPCoM đã huy động hơn 12 nghìn tỷ đồng vốn

Cách đây 9 năm, vào ngày 24/6, thị trường giao dịch chứng khoán dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, giúp nhà đầu tư giao dịch chứng khoán an toàn và thuận lợi.

Năm 2016 và năm 2017 là 2 năm quy mô vốn hoá tăng trưởng cao nhất của UPCoM với mức tăng lần lượt 397%, 123,4%.

Quy mô giao dịch tuy không theo kịp quy mô vốn hóa, song cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Thanh khoản trên UPCoM 5 tháng đầu năm 2018 đã đạt mức 462 tỷ đồng/phiên, gần bằng 50% giá trị giao dịch trên thị trường niêm yết HNX. Thậm chí trong năm 2017, UPCoM đã có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị giao dịch đạt 1.463 tỷ đồng/phiên, cao gấp 2,3 lần giá trị giao dịch bình quân phiên trên thị trường niêm yết HNX năm 2017.

Cổ phiếu UPCoM ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 năm 2016, 2017, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài luôn chiếm khoảng 15,5% - 16,5% giá trị giao dịch UPCoM. Có nhiều thời điểm thị trường biến động, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu trên thị trường niêm yết, nhưng lại mua ròng trên UPCoM.

Đối với hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, trong 9 năm qua, các doanh nghiệp trên UPCoM đã huy động hơn 12 nghìn tỷ đồng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường này.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ban ngành, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các văn bản pháp lý thúc đẩy sự phát triển của thị trường UPCoM như Nghị định 60/2015/NĐ-CP, Thông tư 180/2015/TT-BTC, Thông tư 115/2016/TT-BTC... Những chính sách này đã góp phần đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời giảm thiểu thủ tục và thời gian đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Đối với các doanh nghiệp đấu giá cổ phần hóa, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xử lý hồ sơ đăng ký giao dịch của doanh nghiệp song song với quá trình đăng ký lưu ký tại VSD để ngay khi doanh nghiệp nhận được giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán thì cũng có thể được nhận ngay Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM. Nhờ đó, thời gian đưa cổ phiếu đấu giá lên sàn đã được rút ngắn rất nhiều. Trong những tháng đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM chỉ trong vòng 1 tháng sau đấu giá, ngay cả khi doanh nghiệp còn chưa hoàn tất quá trình chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty cổ phần, như: Sanest Khánh Hòa, Hapro, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power...

Để nâng cao tinh minh bạch cho thị trường, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã khuyến khích các doanh nghiệp UPCoM sử dụng hệ thống quản lý thông tin công ty (CIMS) (được sử dụng cho doanh nghiệp niêm yết) trong công bố thông tin để tăng cường tính chính xác, kịp thời của các thông tin công bố trên UPCoM. Hệ thống này sử dụng ứng dụng trên internet, cho phép doanh nghiệp công bố thông tin trực tuyến 24/7, giúp rút ngắn thời gian và giảm thiểu sai sót trong công bố thông tin của doanh nghiệp. Hiện có gần 55% doanh nghiệp UPCoM đang sử dụng hệ thống CIMS./.

Thanh Nga

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư