Giao dịch T+0: Chờ hệ thống công nghệ mới

13:52 | 09/02/2021 Print
- Kể từ ngày 15/02/2021, văn bản pháp lý quy định cụ thể về việc thực hiện các giao dịch trong ngày (T+0) trên TTCK Việt Nam, nhưng để chính thức thực thi được T+0, điều kiện tiên quyết là TTCK Việt Nam phải được vận hành theo hệ thống công nghệ mới, kết nối toàn thị trường.

Pháp lý hướng dẫn cụ thể về giao dịch T+0

Hiện nay, TTCK Việt Nam áp dụng thời gian giao dịch và thanh toán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là T+2 - tức là khi nhà đầu tư mua cổ phiếu thì 2 ngày sau mới có thể bán cổ phiếu đó. Thông tư 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021 đã hướng dẫn cụ thể hoạt động giao dịch trong ngày với các chủ thể. Theo quy định mới, nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán.

Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà nhà đầu tư phải thanh toán.

TTCK thanh khoản tăng mạnh trong 1 năm qua

Nguồn: HOSE

Bên cạnh những quy định về giao dịch T+0, Thông tư 120/2020 cũng quy định về giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm. Theo đó, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (hiện là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)). Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Giao dịch bán khống sẽ được thực hiện dựa trên hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại VSD. Để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.

Chờ hệ thống công nghệ mới để thực thi T+0, bán khống

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Thông tư 120 đã cụ thể hóa các nghiệp vụ nhà đầu tư mong đợi, nhưng để áp dụng được, cần chờ hệ thống công nghệ thông tin mới, kết nối toàn TTCK Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hệ thống giao dịch mới kết nối toàn TTCK có thể đã được hoàn thiện năm 2020 nếu đại dịch Covid-19 không xảy ra. Vì đại dịch, các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) đã phải mất một thời gian rất dài không thể sang Việt Nam để xử lý tiếp các yêu cầu của hệ thống mới. Trong bối cảnh bình thường mới, lãnh đạo Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thuyết phục KRX và họ mới đồng ý cử chuyên gia đến Việt Nam để xử lý tiếp việc xây dựng hệ thống. Theo đó, kế hoạch chạy thử nghiệm hệ thống mới kết nối các sở với các công ty chứng khoán được chốt ngay sau Tết nguyên đán 2021.

Nhà quản lý khẳng định sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thiện hệ thống công nghệ mới, nhưng vẫn khó chắc về ngày chính thức vận hành. Nếu dịch phát triển phức tạp hơn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ khớp hệ thống, nhất là trong bối cảnh chuyên gia của KRX không thể ở hẳn Việt Nam để xử lý riêng phần việc này.

Do phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định nên nhà quản lý dự phòng thêm 1 năm cho phương án có hệ thống giao dịch mới. Theo dự kiến, sớm nhất là đến tháng 6 hoặc cuối năm 2021, hệ thống công nghệ mới mới có thể vận hành. Khi đó, giải pháp T+0 hay bán khống mới đủ điều kiện để thực thi trên TTCK Việt Nam.

Cái kết đẹp cho TTCK năm Canh Tý

Cũng liên quan đến TTCK Việt Nam, phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý diễn ra trong sự hào hứng của người có tiền. . Ngay từ đầu phiên giao dịch, bên mua cổ phiếu đã vào lệnh rất tích cực. VN-Index tăng 30 điểm, chốt năm Canh Tý tại 1.112 điểm. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng bật tăng gần 4 điểm, chốt năm ở 224,4 điểm.

Khép lại năm cũ với những dấu ấn đẹp, TTCK bước sang năm Tân Sửu với nhiều kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá. Chia sẻ với Kinh tế và Dự báo, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, BVSC dự báo kết quả kinh doanh năm 2021 của 70 doanh nghiệp trong rổ BVS -70 của BVSC (chiếm trên 70% vốn hóa thị trường) sẽ tăng trưởng về lợi nhuận lên tới 27,3% so với mặt bằng năm 2020 và cao hơn 4,7% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch. Sự hồi phục trên diện rộng của các nhóm ngành trong năm 2021 dự kiến sẽ giúp cho mặt bằng P/E toàn thị trường quay về mức hợp lý - quanh 15,5 lần, qua đó tiếp tục tạo được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong năm 2021.

Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây có một thống kê đáng chú ý. Theo đó, tổng lợi nhuận của 750 doanh nghiệp trên 3 sàn quý IV/2020 tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019. Đây là quý đầu tiên lợi nhuận khối doanh nghiệp trên sàn tăng trưởng dương kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Thực tế này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua được thách thức đại dịch, lấy lại nhịp tăng trưởng của chính mình./.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư