Cách thu cổ tức vào ngân sách nhà nước: VCCI chỉ ra vài điểm chưa ổn

16:20 | 08/02/2021 Print
- Khi góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về thu lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trên cơ sở tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng còn một số điểm chưa hợp lý.

Theo quy định tại Điều 4a dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về thu lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp mà Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đang xây dựng, thì cổ tức và lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước gồm số cổ tức được chia trong năm tài chính (bao gồm cả số cổ tức của năm tài chính tạm chia trong năm và số cổ tức các năm trước được chia trong năm tài chính) cho phần vốn nhà nước theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị của công ty cổ phần...

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ phía doanh nghiệp, trong công văn góp ý cho dự thảo Thông tư vừa gửi Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định như dự thảo có thể chưa thực sự phù hợp trong trường hợp cổ tức được chia bằng cổ phiếu. Theo nội dung dự thảo, có cách hiểu là khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, để nộp vào ngân sách nhà nước, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải thực hiện bán số cổ phiếu này để thu về tiền mặt, rồi mới nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thất thoát cho ngân sách nhà nước, khi số tiền thu về từ việc bán cổ phiếu bắt buộc và được thực hiện trong một thời gian ngắn nhất định có thể ít hơn giá trị thực của số cổ phiếu. Thêm vào đó, việc bán cổ phiếu được nhận từ cổ tức có thể dẫn đến tình trạng giảm dần tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại các công ty. Từ phân tích này, để tránh gây bất lợi cho chính nhà nước, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng trong trường hợp cổ tức được chia bằng cổ phiếu, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền quyết định giữ hay bán cổ phần. Nếu cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định bán cổ phần này, thì số tiền thu về được nộp vào ngân sách nhà nước.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam là một trong những doanh nghiệp sau cổ phần hóa nộp cổ tức nhiều vào ngân sách nhà nước (ảnh: Internet)

Dự thảo Thông tư còn một điểm chưa hợp lý nữa. Đó là Điều 3.2.2.b dự thảo quy định: Đối với cổ tức, lợi nhuận được chia của các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì công ty mẹ có vốn góp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có trách nhiệm biểu quyết chi trả cổ tức khi có đủ các điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, đồng thời đề nghị, đôn đốc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp phần cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn góp của công ty mẹ về công ty mẹ... Góp ý cho dự thảo Thông tư, qua ghi nhận kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp, VCCI cho rằng, quy định này dường như chưa phù hợp, vì can thiệp trực tiếp vào việc quản lý, điều hành và kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

Trên thực tế, Điều 5.4 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp... Bởi vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư