Hải quan không được gây khó cho doanh nghiệp

17:08 | 05/02/2021 Print
- Để hoàn thành mục tiêu thu 331.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2021, một trong những giải pháp được Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện là không tùy tiện lấy mẫu phân tích, kiểm định, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước 315.000 tỷ đồng, nhưng chỉ tiêu mà Bộ Tài chính giao cho ngành là 331.000 tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán. Dự toán này được xây dựng trên cơ sở GDP tăng trưởng 6%, giá dầu thô 45 USD/thùng.

Chỉ tiêu thu trên được nhìn nhận là thách thức với ngành Hải quan trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do tiếp tục trong giai đoạn cắt giảm sâu các dòng thuế, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhiều chính sách miễn, giảm, hoàn thuế đang được áp dụng gây ảnh hưởng đến số thu ngân sách của ngành Hải quan.

Để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm nay, theo Tổng cục Hải quan, bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp ở tất các khâu từ thủ tục, thu thuế, kiểm tra giám sát, quản lý rủi ro, các giải pháp trọng tâm được xoay quanh hai nhóm nhiệm vụ chính là: Tạo thuận lợi thương mại và chống thất thu ngân sách qua công tác kiểm tra, giám sát, chống buôn lậu.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu như: Hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng thương mại mở rộng triển khai chương trình phối hợp thu thuế và thông quan 24/7, chương trình Doanh nghiệp nhờ thu; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa…, nhằm rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan để hỗ trợ tích cực cho thu ngân sách nhà nước (ảnh: Internet)

Ngành Hải quan còn chú trọng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm công tác hải quan – doanh nghiệp.

Liên quan đến hoạt động phân tích, phân loại, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền; không tùy tiện lấy mẫu phân tích, kiểm định, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường chống thất thu thông qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống thất thu do gian lận về số lượng, mã số, trị giá, xuất xứ, chính sách mặt hàng; miễn, giảm, hoàn thuế…

Các cục hải quan được yêu cầu tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu; đôn đốc các đơn vị và đưa ra các giải pháp thu hồi nợ phù hợp với tình hình thực tế. Công tác miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế được đẩy mạnh theo hướng phát hiện các sai phạm, trong đó tập trung vào các dự án, các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế có sự khác biệt giữa Luật thuế xuất nhập khẩu 45/2005/QH11 và Luật thuế xuất nhập khẩu 107/2016/QH13; các trường hợp miễn thuế theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế đã được tiếp nhận và trừ lùi trên hệ thống nhằm đảm bảo đúng đối tượng./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư