Đề xuất sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm, trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp

12:10 | 05/02/2021 Print
- Thị trường bảo hiểm, theo đánh giá của Bộ Tài chính, đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó nội dung đáng chú ý là trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Bảo hiểm còn tranh giành khách

Theo Bộ Tài chính, hiện thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Năm 2020, tổng tài sản của toàn thị trường đạt 552.403 tỷ đồng, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 460.457 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 113.523 tỷ đồng trong năm 2020. Bên cạnh những bước phát triển tích cực, thị trường bảo hiểm đang bộc lộ không ít bất cập.

Liên quan đến những hạn chế của thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đánh giá, vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau... Có tình trạng phí bảo hiểm chưa tương xứng với rủi ro được bảo hiểm, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có thể có hợp đồng bảo hiểm được giao kết với phí bảo hiểm thấp hơn rủi ro nhận bảo hiểm do hạ phí để cạnh tranh lấy khách hàng... Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp. Vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, còn xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm. Một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có năng lực cạnh tranh thấp do vốn nhỏ, quản trị doanh nghiệp yếu. Khả năng kiểm soát rủi ro của một số doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế...

Vẫn còn tình trạng ép buộc tham gia bảo hiểm (ảnh: Internet)

Một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện không thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi tại Bộ Luật Dân sự (không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm), dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm như: Quyền thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm để xây dựng hợp đồng bảo hiểm; xử lý các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm...

Quy định hiện hành thiếu khung pháp lý đối với các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm. Các chính sách đối với doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa theo kịp với thông lệ quốc tế.

Quy định pháp lý về danh mục đầu tư hiện chưa đa dạng, trong khi nguồn vốn đầu tư ngày càng lớn, nhu cầu đầu tư với chi phí hợp lý và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Vì vậy, cần thiết phải mở rộng cho các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào các công cụ đầu tư như trái phiếu chính quyền địa phương, đầu tư vào cơ sở hạ tầng... để đáp ứng nhu cầu đối với nền kinh tế và gia tăng quyền lợi khách hàng.

Trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp

Để khắc phục những bất cập trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang đề xuất phương án sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm với nhiều điểm mới. Trong đó nội dung đáng chú ý là trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp. Cụ thể, nhà quản lý đề xuất bổ sung nguyên tắc doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của mình đối với bên mua bảo hiểm; các bên tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải trung thực tuyệt đối, được tự nguyện thỏa thuận...

Liên quan đến phòng chống gian lận bảo hiểm, nhà quản lý muốn bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xây dựng quy trình khai thác, thẩm định, bồi thường để xác định, đánh giá đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về người được bảo hiểm, chi trả tiền/bồi thường bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố...

Liên quan đến cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động theo hướng đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bỏ tài liệu về quy tắc, điều khoản, biểu phí tại hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động; bỏ yêu cầu phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi,..

Cùng với bổ sung yêu cầu công khai thông tin bất thường khi phát hiện gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến toàn ngành bảo hiểm, nhà quản lý còn muốn bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiêm công khai thông tin định kỳ như: Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, Báo cáo khả năng thanh toán và quản trị rủi ro doanh nghiệp, nghị quyết đại hội đồng cổ đông... Để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, nhà quản lý đề xuất bổ sung quy định yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm đối với Báo cáo tài chính, Báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm, Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và rủi ro. Tổ chức kiểm toán độc lập có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm có sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật, có gian lận bảo hiểm hoặc có giao dịch bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài chính hoặc quyền lợi của người tham gia bảo hiểm...

Để kiểm soát sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm tốt hơn, trong lần sửa đổi này, Bộ Tài chính đề xuất phân loại rõ ràng từng loại vốn của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, nhất là bổ sung khái niệm về vốn thực có. Cơ quan soạn thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi còn muốn bổ sung quy định: Bộ Tài chính có quyền yêu cầu các cổ đông, thành viên góp vốn của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan trong thời hạn nhất định; nếu cổ đông, thành viên góp vốn có giao dịch gây thiệt hại nghiêm trọng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu khắc phục.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, chuyên gia, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi tới đây sẽ được Bộ Tài chính hoàn tất trước khi trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét ban hành./.

Tân Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư