Mỹ thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, TTCK có khả quan hơn?

18:34 | 11/03/2021 Print
- 1 ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD thì Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua gói cứu trợ này. Đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng động thái này không tạo thêm kỳ vọng tích cực nào cho Việt Nam trong bối cảnh tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chưa có giải pháp.

Sau quyết sách của Mỹ, trong tuần tới, Ngân hàng trung ương (NHTW) châu Âu (ECB), NHTW Nhật, Anh và Canada… cũng sẽ phải ra các quyết sách mới cho nền kinh tế. Dòng tiền rẻ trên thị trường quốc tế dự báo sẽ tiếp tục dồi dào để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn đại dịch, nhưng TTCK Việt Nam có được những ảnh hưởng tích cực hay không thì không ai dám chắc, khi tự thân thị trường Việt Nam chưa có động lực cụ thể và tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE chưa thể xử lý ngày một, ngày hai. Trong khi đó, nếu không có giải pháp xử lý nhanh chóng việc nghẽn lệnh, thì có thể làm nản lòng giới đầu tư quốc tế. Họ không thể tính đến việc rót vốn vào Việt Nam, chưa nói đến việc sẽ có những nhà đầu tư từ từ rút vốn ra khỏi thị trường.

Diễn biến một số chỉ số chính trên TTCK Việt Nam và quốc tế (Nguồn BVSC)

Dự thảo được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 220-211 và không có phiếu ủng hộ nào từ Đảng Cộng hòa vì đảng này cho rằng, thị trường lao động đã phục hồi đủ và chỉ cần có gói kích thích quy mô nhỏ hoặc thậm chí là không cần. Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, tỷ lệ phiếu thuận/phiếu chống cũng sát sao 50-49 và không có thành viên đảng Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ dự thảo. Tuy vậy, với kết quả được thông qua của dự thảo này, Tổng thống Joe Biden ghi nhận chiến thắng pháp lý đầu tiên kể từ khi đắc cử Tổng thống và cho biết ý định ký dự luật này vào ngày 12/03, sau khi Quốc hội chính thức gửi đề xuất tới Nhà Trắng.

Với 1.900 tỉ USD, đây là một trong những gói kích thích/cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Giới phân tích kỳ vọng gói cứu trợ sẽ kích thích chi tiêu, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế. Theo Reuters, gói cứu trợ cuối sẽ bao gồm 400 tỷ USD dùng để hỗ trợ trực tiếp người dân Mỹ (1.400 USD/người), trừ những người có thu nhập hằng năm trên 75.000 USD. Trợ cấp thất nghiệp dành cho 9,5 triệu người Mỹ cũng sẽ được cộng thêm 300 USD/tuần. Đảng Dân chủ đã đồng ý giảm mức trợ cấp từ 400 USD/tuần còn 300 USD/tuần để đảm bảo dự luật được Thượng viện thông qua. Họ muốn gói cứu trợ trở thành luật trước khi các khoản trợ cấp thất nghiệp hiện tại hết hạn vào ngày 15/03. Ngoài ra, khoảng 350 tỷ USD trong gói này cũng sẽ được chi cho các chính quyền bang và địa phương để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách của họ và khoảng 63 tỉ USD sẽ được dùng cho việc nghiên cứu, phân phối và tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index hiện nay (nguồn BVSC)

Tại Việt Nam, nhà đầu tư dường như không quan tâm nhiều đến chuyển động trên các thị trường tài chính lớn, bởi câu chuyện nan giải nhất hiện nay là dòng tiền có nhiều lên chăng nữa thì cũng khó chảy thêm vào cổ phiếu, do tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE chưa xử lý được. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, diễn biến của thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Theo đó, chuyên gia của Công ty này gợi ý nhà đầu tư chọn chiến lược đầu tư duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50% cổ phiếu.

Cũng theo BVSC, VN-Index kết thúc phiên 11/3 tăng điểm với thanh khoản tăng và độ rộng thị trường tích cực. Nhà đầu tư đã đẩy mạnh hoạt động mua trading khi chỉ số kiểm định thành công vùng hỗ trợ 1150-1155 điểm trong phiên trước đó. Dù vậy, tương quan cung cầu có thể sớm cân bằng khi lực cung có thể sẽ gia tăng trở lại khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự 1185-1200 điểm trong phiên kế tiếp. Chỉ số vẫn đang dao động trong kênh giá đi ngang được giới hạn bởi cận trên 1185-1200 điểm và cận dưới 1150-1155 điểm. VN-Index dự báo sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1185-1200 điểm trong phiên cuối tuần. Đây vẫn là vùng kháng cự mạnh về cả mặt tâm lý và kỹ thuật đối với chỉ số.

Liên quan đến giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE, chiều ngày 10/3/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có cuộc làm việc với các công ty chứng khoán có cổ phiếu niêm yết tại HOSE, nhằm thúc đẩy khả năng doanh nghiệp nhóm này tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu sang sàn HNX. Tuy nhiên, việc chuyển giao dịch của các doanh nghiệp cần sự đồng thuận của Hội đồng quản trị và sau đó là đại hội đồng cổ đông các doanh nghiệp, nên phương án này chưa thể triển khai nhanh.

Trong phương án trung hạn, việc FPT đề xuất xây hệ thống thay thế cho hệ thống giao dịch hiện nay tại HOSE đang chờ Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định. Phương án này, FPT cho rằng có thể làm trong 3-4 tháng, nhưng thăm dò từ những người hiểu công nghệ trên TTCK Việt Nam cho thấy, thời gian cần thiết để xây mới hay “đại phẫu” công nghệ tại sàn HOSE chưa thể chốt 6 tháng hay 1 năm.

Bối cảnh nghẽn lệnh tại Việt Nam làm đảo lộn những dự báo về triển vọng đón dòng vốn ngoại, TTCK tăng mạnh năm 2021 của nhiều chuyên gia chứng khoán. Khi hệ thống giao dịch ở sàn HOSE chưa có giải pháp dứt điểm thì những kỳ vọng tăng trưởng, nâng hạng của TTCK Việt Nam trở nên thiếu tính thực tế. Nhà đầu tư sẽ phải tự bảo vệ mình bằng cách ưu tiên cho các giao dịch ngắn hạn, lướt sàn/.

Tường Vi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư