Liên kết vùng - giải pháp tối ưu để thu hút FDI

10:36 | 18/04/2013 Print
- Nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài là một yêu cầu mới đang đặt ra ở nước ta hiện nay. Đối với tỉnh Bình Định thực hiện liên kết vùng 7 tỉnh/thành Duyên hải miền Trung (DHMT) được coi là giải pháp mới và quan trọng.

Liên kết kinh tế vùng Duyên hải miền Trung

Liên kết kinh tế được hiểu là sự thiết lập các mối quan hệ giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh, có thể giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động hoặc có tính chất bổ sung cho nhau, hoặc giữa các đối tác cạnh tranh trên các lĩnh vực lao động, vốn, công nghệ, chính sách, thị trường... nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian và đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.

Đối với vùng DHMT, muốn phát triển kinh tế nhanh hơn, đặc biệt muốn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì biện pháp rất quan trọng cần thực hiện là liên kết kinh tế. Đây là một giải pháp khá mới mẻ, thiết thực và phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế ở nước ta hiện nay.

Liên kết phát triển 7 tỉnh, thành DHMT, bao gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là một biện pháp quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung hiện nay. Hiện toàn DHMT, có hơn 38.000 km2, chiếm 11,5% diện tích cả nước; dân số hơn 8 triệu người, chiến 9,5% dân số cả nước. Bờ biển dài hơn 1100 km chiếm 1/3 bờ biển cả nước. Đến nay, toàn DHMT có 6 sân bay, 8 cảng biển nước sâu, 6 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao, 9 tuyến đường quốc lộ, đường sắt Bắc-Nam chạy qua, phân bố đều khắp và nối liền các địa phương, các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trong DHMT. Đến hết năm 2012, DHMT đã thu hút được 511 dự án, với số vốn đăng ký là 23,4 tỷ USD, trong đó vốn pháp định là 3,6 tỷ USD, vốn thực hiện 1,7 tỷ USD. Với sự nỗ lực của các địa phương, GDP toàn vùng đạt hơn 60.500 tỷ đồng chiếm 11% so với cả nước, thu nhập bình quân đầu người 1.250 USD, mức tăng trưởng GDP hằng năm hơn 10%, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước 7,26%. Nhưng, dù các địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng hiệu quả còn thấp, số dự án và số vốn thực hiện so với vốn đăng ký còn rất thấp, chưa đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, để từng địa phương nói riêng, cũng như DHMT nói chung phát triển nhanh hơn cần phải có nhiều giải pháp, trong đó liên kết vùng DHMT đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong thời kỳ tái cấu trúc lại nền kinh tế hiện nay.

Hoạt động thu hút FDI tại Bình Định

Bình Định là một tỉnh thuộc vùng DHMT, nên có những ưu thế nổi trội so với các tỉnh khác như: ưu điểm của thiên nhiên, truyền thống văn hóa của nhân dân, đặc biệt là vị trí địa lý thuận lợi trong kết nối với các tỉnh trong vùng, Tây Nguyên, cả nước và các nước lân cận…

Trong giai đoạn 2006-2012 với việc thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, thu hút FDI của Bình Định đã đạt những kết quả khả quan. Tính đến hết năm 2012, Bình Định đã thu hút được 37 dự án, số vốn đăng ký đạt 692,974 triệu USD. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy:

Bảng 1: Tình hình thu hút FDI tại Bình Định giai đoạn 2006 – 2012

STT

Năm

Số dự án

Vốn đăng ký

(Triệu USD)

1

2006

3

257,000

2

2007

10

75,501

3

2008

2

33,800

4

2009

5

63,185

5

2010

6

150,042

6

2011

5

61,01

7

2012

6

62,432

Tổng

37

692,974

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định

Bảng 2: Vốn FDI trên địa bàn tỉnh Bình Định phân theo ngành

STT

Ngành

Số
dự án

Vốn đăng ký

(USD)

Tỷ lệ %
vốn

1

Công nghiệp và xây dựng

28

271.131.500

37,14

2

Nông - lâm - thủy sản

6

34.950.000

4,78

3

Dịch vụ

16

423.839.500

58,06

Tổng cộng

50

729.921.000

100,00

Ghi chú: Chỉ tính các dự án còn hiệu lực đến 31/12/2012

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định

Bảng 3: FDI trên địa bàn tỉnh Bình Định phân theo đối tác đầu tư

STT

Quốc gia

Số dự án

Tổng vốn (USD)

1

Mỹ (USA)

3

273.860.000

2

Nga

1

125.000.000

3

Trung Quốc

9

99.830.000

4

Thái Lan

6

44.520.000

5

Hồng Kông

4

42.000.000

6

Đài Loan

1

30.000.000

7

Đức

5

29.968.000

8

Nhật Bản

4

24.325.000

9

Các nước khác

17

60.418.000

Tổng

50

729.921.000

Ghi chú: Chỉ tính các dự án còn hiệu lực đến 31/12/2012

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định

Số liệu cho thấy, Bình Định đã thu hút một lượng đáng kể FDI vào tất cả các ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, phân bổ khắp địa bàn Tỉnh, trong đó tập trung cao nhất là thành phố Quy Nhơn. Hiện đã có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia đầu tư tại Bình Định, với các đối tác chủ yếu là: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư có tiềm lực lớn như: Đức có 5 dự án với 30 triệu USD, Hoa Kỳ có 4 dự án với 275 triệu USD; một số dự án FDI có quy mô khá lớn có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, như: Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội của Hoa Kỳ (vốn đăng ký 250 triệu USD) và Hòn ngọc Việt Nam - Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế 5 sao của Nga (vốn đăng ký 125 triệu USD).

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như: số dự án và vốn đăng ký FDI chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của Tỉnh; phần lớn là các dự án nhỏ; các điều kiện về kết cấu cơ sở hạ tầng, nhân lực, thủ tục hành chính chưa chuẩn bị thật tốt để hấp dẫn nhà đầu tư; công tác xúc tiến đầu tư chưa thật sự hiệu quả cao, đặc biệt chưa thực hiện liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng về mọi mặt để tạo ra môi trường, điều kiện hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh thu hút FDI dưới góc độ liên kết Vùng

Việc đẩy mạnh thu hút FDI vào Bình Định, dưới góc độ liên kết vùng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, liên kết phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút FDI.

Có thể nói hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng của các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đều đang trong giai đoạn quy hoạch và nâng cấp, chưa đáp ứng nhu cầu đối với các nhà đầu tư. Vì vậy, để đẩy nhanh thu hút FDI, Chính phủ và các địa phương trong vùng DHMT, trong đó có tỉnh Bình Định, phải thực hiện liên kết để đẩy mạnh đầu tư một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng yếu, nhất là hệ thống giao thông nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, trung tâm du lịch; đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển lưu thông giữa các tỉnh trong khu vực; xây dựng các trục đường chính, đường ngang tạo mạng lưới giao thông thông suốt kết nối với miền Trung, Tây Nguyên, các vùng kinh tế trên cả nước và ngoài nước.

Đồng thời, tiếp tục nâng cấp kỹ thuật và hiệu quả sử dụng hệ thống cảng biển, cảng hàng không. Đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế, trung tâm du lịch, cần phải nâng cấp hơn nữa cơ sở hạ tầng theo hướng phát huy hiệu quả sử dụng và phát triển bền vững, thực hiện kết nối giao thông vận tải toàn vùng và cả nước theo nguyên tắc của logistics để tối ưu hóa vận tải, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư FDI.

Trong quá trình liên kết phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh Bình Định phải thực sự thể hiện vai trò động lực phía nam của vùng DHMT và điểm quan trọng kết nối với Tây Nguyên và các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan.

Hai là, liên kết trong phát triển các ngành kinh tế biển gắn với thu hút FDI.

Có thể nói rằng, tiềm năng và thế mạnh đặc biệt của các tỉnh trong vùng DHMT là gắn liền với biển, do đó phát triển các ngành kinh tế biển cần được coi là hướng ưu tiên hàng đầu. Trong phát triển các ngành kinh tế gắn với biển toàn Vùng nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng, cần phải thực hiện liên kết, hợp tác cả tầm vĩ mô và vi mô giữa các địa phương, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh về nhân lực, công nghệ, vốn, thị trường và chính sách ưu đãi… đối với các ngành, như: thủy sản, vận tải biển, du lịch biển, dịch vụ ven biển, đảo…

Ngoài ra, vận tải biển cũng là một thế mạnh của vùng DHMT. Với hệ thống cảng biển, hệ thống nhà kho, bến bãi, tàu thuyền trọng tải lớn đã làm cho vận tải của vùng DHMT phát triển nhanh. Các ngành du lịch biển, dịch vụ ven biển, đảo cũng phát triển, các địa phương đều chú trọng phát triển các lĩnh vực này. Các dịch vụ ven biển, như: nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí… mang lại doanh thu cao cho các địa phương và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng DHMT.

Ba là, liên kết trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học phục vụ thu hút FDI của vùng DHMT.

Tốc độ và yêu cầu phát triển như hiện nay đã đặt ra yêu cầu lớn đối với đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thu hút FDI của vùng DHMT. Khi các khu công nghiệp, khu kinh tế, trung tâm du lịch, dịch vụ ngày càng phát triển, thì nhu cầu về nhân lực có trình độ chuyên môn cao, trình độ quản lý và lao động lành nghề càng được chú trọng hơn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật lành nghề vẫn đang còn rất phổ biến, nhất là các khu kinh tế, như: Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong… Nguồn nhân lực cho ngành du lịch sinh thái biển; nhân lực phục vụ nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, trong đó quan tâm đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho gần 50.000 động làm việc trên 8.000 tàu đánh cá; nhân lực phục vụ ngành dịch vụ cảnh biển và các ngành liên quan cũng đang là nhu cầu cấp bách đối với Tỉnh. Vì vậy, chủ trương của Tỉnh đến năm 2015 là là 55% lao động được đào tạo tương ứng với 502.100 người, đến năm 2020 con số tương đương là 70%, 703.500 nghìn người.

Bốn là, liên kết trong ban hành các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng.

Dưới góc độ vĩ mô, việc liên kết trong ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào vùng DHMT là rất quan trọng và cấp bách. Thực tế cho thấy, các tỉnh trong vùng DHMT có sự phát triển kinh tế khá giống nhau. Vậy, nên tỉnh nào cũng ra sức tiếp thị, ưu đãi với cơ chế chính sách riêng của mình. Chính điều này đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư, thậm chí nếu không điều phối tốt sẽ dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các địa phương trong Vùng.

Qua kinh nghiệm thực tế của nhiều nước, nhiều vùng, nhiều địa phương cho thấy, muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài toàn vùng nói chung, các địa phương nói riêng, trong đó có tỉnh Bình Định, cần phải thực hiện liên kết trong hoàn thiện môi trường, chính sách thu hút đầu tư, như: (1) Hoàn thiện công tác quy hoạch để khai thác những tiềm năng lợi thế trong thu hút đầu tư, FDI; (2) Hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư trên cơ sở xem xét, tính chất, quy mô và hiệu quả đầu tư; (3) Cần có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn hơn trên cơ sở đó tiếp tục rà soát, bổ sung địa bàn các ngành và danh mục dự án đầu tư; (4) Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng của vùng DHMT, các địa phương của tỉnh Bình Định theo tinh thần Quyết định số 109/2007/QĐ-TTg, ngày 17/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.

Trong xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng của vùng DHMT, địa phương cần đảm bảo các bước sau: Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức tư tưởng về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, như: đa dạng hóa các phương thức xúc tiến đầu tư, chăm sóc tốt các dự án đầu tư hiện có; Đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị hình ảnh vùng DHMT và tỉnh Bình Định nhằm khắc phục những điều nhà đầu tư lo ngại do họ không biết về Bình Định như: nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, kết cấu cơ sở hạ tầng; chính sách ưu đãi… Đặc biệt, cần xây dựng cổng thông tin điện tử liên kết vùng DHMT, và của các địa phương để quảng bá về hình ảnh tỉnh Bình Định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Thanh Việt (2011). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Bình Định trong giai đoạn hiện nay, Đề tài cấp Bộ, Bình Định, Việt Nam.
  2. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (12/2011). Liên kết phát triển du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung, Phú Yên.
  3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (4/2012). Liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh Duyên hải miền Trung, Thừa Thiên – Huế.
  4. UBND tỉnh Bình Định (2010). Bình Định: 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành (1975 - 2010), Nxb Lao động.

TS. Nguyễn Đình Hiền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư