FDI Nhật Bản vào Việt Nam còn dưới tiềm năng

00:00 | 14/09/2014 Print
- Mặc dù Nhật Bản vẫn đứng đầu trong FDI vào Việt Nam, nhưng so với các quốc gia thứ hai và thứ ba thì khoảng cách không đáng kể, trong khi tiềm lực lớn hơn nhiều. Đây là đánh giá của Bộ Kê hoạch và Đầu tư trong công văn Hướng dẫn chương trình xúc tiến đầu tư năm 2015 gửi đến các Bộ, ngành, địa phương mới đây.

Kết quả khiêm tốn do môi trường đầu tư?

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến hết tháng 5/2014, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 35,57 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 15% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Tiếp sau Nhật Bản là Hàn Quốc và Singapore với tổng vốn đầu tư tương ứng là 31,01 tỷ USD và 30,33 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nếu so sánh tổng vốn FDI vào Việt Nam của Nhật Bản với Singapore và Hàn Quốc, thì khoảng cách chênh lệch cũng chưa phải nhiều, trong khi tiềm lực nền kinh tế Nhật Bản và của các doanh nghiệp Nhật Bản lớn hơn nhiều so với Singapore và Hàn Quốc. Điều này cho thấy FDI của Nhật Bản vào Việt Nam còn khiêm tốn.

Theo một kết quả khảo sát của Jetro đối với khoảng 10.000 doanh nghiệp Nhật Bản được công bố đầu năm 2014, điểm yếu chính của thị trường Việt Nam là hạ tầng chưa đồng bộ; hệ thống pháp luật chưa phát triển và có những vấn đề trong việc áp dụng luật pháp; các ngành công nghiệp hỗ trợ có liên quan chưa hội tụ đủ hoặc chưa được phát triển. Những tồn tại này về môi trường đâu tư tại Việt Nam là những vấn đề lớn mà Việt Nam cần phải tiếp tục khắc phục để nâng cao hiệu quả thu hút FDI từ các nước nói chung và Nhật Bản nói riêng.

Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một số lĩnh vực đầu tư mà các nhà đầu tư Nhật sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam thời gian tới là ngành dược phẩm và hóa chất, sản xuất thép và kim loại, máy móc chung và máy móc điện tử, thiết bị trong ngành giao thông, bán buôn và bán lẻ…

Đầu tư của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp. Xu hướng này cũng nhất quán với FDI của Nhật Bản tại Việt Nam. Công nghiệp là ngành thu hút được phần lớn vốn FDI, trong đó các ngành công nghiệp nặng thu hút lượng vốn lớn hơn nhiều so với các ngành công nghiệp nhẹ. Ngành xây dựng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong vốn FDI của Nhật Bản. Đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ còn nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chưa được chú trọng nhiều.

Trong công nghiệp thì sản xuất thực phẩm và đồ uống, sản xuất các sản phẩm kim loại, sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất chiếm lượng vốn đầu tư cao hơn so với các ngành dệt, may mặc, giầy da. Vốn FDI của Nhật Bản vào những ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật là tương đối cao nhưng khối lượng còn có thể đạt mức cao hơn nếu ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển hơn.

Về ngành dịch vụ, FDI của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào các ngành, như: vận tải kho bãi, thông tin liên lạc, thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ và các hoạt động kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn. Hiện nay, FDI của Nhật Bản tại Việt Nam mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ như: Tập đoàn Japan Logistic Systems Corp đã đầu tư xây dựng các kho chứa ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; tập đoàn Nissin đã hợp tác với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam điều hành một tàu chở hàng chuyên dùng cho các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc vận chuyển ôtô và xe máy...

Nhật Bản sẽ tăng đầu tư thời gian tới

Có 3 lý do khiến vốn Nhật Bản vào Việt Nam có thể tăng nhanh giai đoạn tới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, đó là:

Thứ nhất, sau khi gánh chịu những thiên tai như động đất, sóng thần thì doanh nghiệp Nhật Bản nhận thức sự tập trung quá nhiều cơ sở sản xuất ở một quốc gia có thể gây những rủi ro. Do đó cần phải phân tán rủi ro, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng đi tìm địa chỉ đầu tư mới.

Thứ hai, Trung Quốc là một trong những quốc gia thu hút được số lượng vốn FDI từ Nhật Bản lớn, nhưng sự tăng cao của tiền lương cùng với việc giảm ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc đối với nhà đầu tư nước ngoài, những mâu thuẫn về chính trị giữa Trung Quốc với Nhật Bản đã làm cho mức độ hấp dẫn đầu tư của Trung Quốc giảm bớt. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với lợi thế gần Trung Quốc và chính trị ổn định, có mối quan hệ thân thiết với Nhật Bản, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản hơn.

Theo kết quả điều tra hàng năm của Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản đối với các công ty sản xuất của Nhật Bản hiện đang hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ, với phương án mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang một nước khác, thì Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao nhất với 20,5%, cao gần gấp 2,8 lần so với nước tiếp theo là Thái Lan.

Thứ ba, cam kết đối tác chiến lược và việc thực thi chính sách thu hút đầu tư từ Nhật Bản như xây dựng và phát triển khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp phụ trợ ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Hải Phòng sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới.

Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để có thể thu hút mạnh hơn vốn FDI của Nhật Bản thời gian tới, cần phải làm một số việc sau:

Một là, Việt Nam cần triển khai nhanh những chính sách và kế hoạch cụ thể đã được đề ra trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó đặt trọng tâm ưu tiên vào 6 lĩnh vực: điện tử, máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất oto và phụ tùng oto.

Hai là, có kế hoạch và chính sách cụ thể để phát triển nhanh các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt nghiên cứu, sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư nhằm tạo bước đột phá trong thu hút FDI giai đoạn tới; chính sách thu hút đầu tư phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Bốn là, đẩy nhanh việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng như giao thông, điện, nước... đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Năm là, có kế hoạch triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn, ngoại ngữ (tiếng Nhật) cho các cán bộ và công nhân để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Sáu là, xem xét hiệu quả việc triển khai đầu tư các khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản để nhân rộng mô hình này, nhằm tạo thuận lợi cho việc thu hút FDI từ Nhật Bản.

Bảy là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới và hoàn thiện cách thức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài để đảm bảo hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực quốc gia.

Tám là, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để hỗ trợ cung cấp thông tin cho các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như các yêu cầu của nhà đầu tư.

Chín là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đi xúc tiến đầu tư tại các địa phương của Nhật thông qua các chuyến công tác của lãnh đạo Đại sứ quán, nhằm cung cấp thông tin và thu hút hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đầu tư sang Việt Nam... Đồng thời phối hợp tạo điều kiện để tổ chức các đoàn lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm và khảo sát môi trường đầu tư của Việt Nam.

Mười là, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư của Nhật vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, đặc biệt theo hình thức đối tác công- tư (PPP)./.

Anh Đức

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư