e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Vốn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giảm còn 15,8 tỷ USD

17:24 | 26/02/2015 Print
- Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn, Bộ Giao thông vận tải đã giảm giá trị khái toán đầu tư xây dựng sân bay Long Thành từ 18,7 tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Sáng ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong giai đoạn lập Báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao. Giá trị khái toán tại thời điểm báo cáo Quốc hội cho cả dự án là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng).

Tuy nhiên, sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng).

Về diện tích đất sử dụng cho dự án, sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư, nhu cầu sử dụng đất cho dự án là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của cảng hàng không, sân bay thay vì sử dụng đến 5.000 ha như ban đầu khái toán), không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050 ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không (khoảng 1.200 ha).

Trong đó, diện tích đất cần thiết cho giai đoạn 1 là 1.165 ha với kinh phí giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 4.042 tỷ đồng; đến giai đoạn 2, kinh phí giải phóng mặt bằng cho diện tích còn lại 1.585 ha cần khoảng 7.209 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm kinh phí, đề nghị giải phóng mặt bằng một lần cho 2.750 ha với kinh phí ước tính khoảng 9.540 tỷ đồng.

Đối với phần diện tích chưa xây dựng trong giai đoạn 1, Chủ đầu tư sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cho phép người dân địa phương tiếp tục khai thác canh tác ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình, tránh để trống đất gây lãng phí.

Đối với định hướng sử dụng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau khi có Cảng HKQT Long Thành, báo cáo đầu tư cho rằng phương án 5 (Cảng hàng không quốc tế Long Thành : 90% quốc tế + 20% nội địa; Tân Sơn Nhất: 10% quốc tế + 80% nội địa) được xem là có tính khả thi cao bởi vừa tiếp tục khai thác cơ sở vật chất hiện có tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đồng thời, trong giai đoạn đầu, khi giao thông tiếp cận bằng đường sắt tới Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa được đầu tư hoàn thiện, nếu chuyển toàn bộ sang khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ gây áp lực lớn lên nhu cầu vận tải từ Long Thành về trung tâm TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với Tân Sơn Nhất sẽ khắc phục được tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu tăng cao về giao thông hàng không của khu vực.

Đồng thời, với 20% các chuyến bay nội địa được phục vụ tại sân bay Long Thành sẽ chủ yếu là các chuyến bay chuyển tiếp để tạo thuận lợi cho hành khách.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết thêm, đối với sân bay Long Thành, cơ chế tài chính nêu rất rõ, theo đó, tổng số khoảng 30% vốn đầu tư ngân sách.

“Tuy nhiên, đây chỉ là báo cáo tiền khả thi, tất cả những con số trong này nêu sẽ được nêu rõ trong báo cáo khả thi, lúc đó sẽ chính xác hơn” – Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Cũng cho ý kiến về báo cáo đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm: “Qua thảo luận, tôi thấy đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư xây dựng cảng HKQT Long Thành, vì vậy, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Kinh tế sớm trình nghị quyết dự thảo theo đúng quy trình…”

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về việc hoàn thiện phương án thu hồi đất đai, phải có một đề án môi trường riêng, trong đó không chỉ quan tâm tới vấn đề rác thải, mà còn chú trọng tới môi trường tiếng ồn khi cất cánh, hạ cánh máy bay, việc này đề nghị phải có sự thẩm định của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư