Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng mới ở bước rất sơ khai, đề xuất ban đầu

21:23 | 05/05/2016 Print
- Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 05/05/2016.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng. Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup đề xuất tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.

Theo nội dung dự án, chủ đầu tư sẽ xây dựng sáu đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng sáu nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II) kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW (mỗi nhà máy thủy điện khoảng hơn 30 MW); xây dựng bảy cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Nguồn thu chính của dự án gồm phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì – Yên Bái thu từ 10.000 đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000-45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên 3.560 đồng/kWh)… Dự án dự kiến hoàn vốn trong 25 năm.

Cần đánh giá tác động môi trường của dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án. Bởi vì, hiện nay, lòng sông Hồng đã tụt xuống 1 m so với trước đây. Nếu làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ còn tụt xuống, khi đó, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì cả vùng Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định sẽ bị xâm nhập mặn tác động, hậu quả là khôn lường. Cùng với đó, Hà Nội sẽ đối mặt với nguy cơ bị dòng chảy khoét, dòng sông sẽ ăn sâu vào đất liền và việc phải di chuyển dân là khó tránh khỏi. Ngoài ra, khi ngăn đập làm thủy điện sẽ khiến mực nước giảm khu vực hạ lưu khiến khả năng tự làm sạch dòng sông sẽ giảm điều này dẫn đến ô nhiễm.

Liên quan đến dự án này, tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 05/05/2016, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, trước hết đây là dự án mới ở bước rất sơ khai, mới đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.

“Chúng tôi nhận thấy dự án chắc chắn có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu… thì phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này. Chúng tôi đã bước đầu báo cáo Chính phủ. Dự án này kéo dài từ Lào Cai suốt dọc sông như vậy, ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Và đặc biệt cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ. Tất cả những vấn đề như vậy hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu”, ông Tự cho biết thêm.

Việc xây dựng đập nước, địa chất, mua bán điện mà Tập đoàn này đề xuất vẫn đang là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng./

Thanh Hà

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư