Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2016-2020

14:48 | 31/05/2016 Print
- Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 06/1967. Những năm qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ ba và đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia.

Những kết quả tích cực

Là hai nước láng giềng, có chung 1.137 km đường biên giới, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, quan hệ thương mại hai nước đã có truyền thống từ lâu đời. Với phương châm“Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hàng năm, hai nước đã thông qua các cơ chế phối hợp thường xuyên, luân phiên của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật; Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, thương mại; Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới... từ đó đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Về thương mại, trong những năm qua, việc thông thương qua các cửa khẩu đã có nhiều thuận tiện, số phương tiện, người và hàng hoá qua lại tăng theo từng năm, tác động tích cực tới thương mại hai nước. Campuchia đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam. Nhóm các mặt hàng công nghiệp (sản phẩm từ sắt thép, phân bón, dệt may, máy móc thiết bị phụ tùng, chất dẻo…) là nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia.

Từ năm 2001 đến năm 2005, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 32%/năm. Nếu năm 2001, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia mới chỉ đạt 184 triệu USD, thì năm 2005 đã tăng lên 693 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Campuchia đã tăng hơn 5 lần.

Giai đoạn 2006-2010, mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, năm 2009 kim ngạch thương mại hai nước có giảm, song đã phục hồi vào năm 2010 với tốc độ bình quân tăng 31,4% năm. Từ mốc xấp xỉ 1 tỷ USD năm 2006 (935 triệu USD), kim ngạch hai chiều đã đạt gần 2 tỷ USD vào năm 2010.

Giai đoạn 2011-2015, sau khi đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay 55% vào năm 2011 với kim ngạch thương mại hai nước đạt sấp xỉ 3 tỷ USD (2,836 tỷ USD). Từ đó đến nay, con số này liên tục tăng và đến năm 2015 đạt 3,05 tỷ USD. Hiện, Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn thứ 3 trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Campuchia.

Về đầu tư, Việt Nam đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia. Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đã liên tục tăng theo hàng năm, trải rộng trên 16/25 khu vực tỉnh/thành phố của Campuchia trong thời gian qua. Tính đến nay đã có 182 dự án đầu tư sang Campuchia được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam và Việt Nam đứng vị trí thứ năm tại Campuchia (sau Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Bảng: Tình hình đầu tư của Việt Nam vào Campuchia giai đoạn 1999-2015

Giai đoạn

Số dự án

Vốn đăng ký

(triệu USD)

Quy mô bình quân/dự án

(triệu USD)

1999-2006

15

21,1

1,4

2007-2009

43

904,1

21

2010-2015

114

2.680

23,5

Nguồn: Báo cáo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hoạt động đầu tư của Việt Nam trải khắp trên 15 ngành lĩnh vực của Campuchia. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chiếm 54% tổng vốn đầu tư); năng lượng (27,05%); tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm (8,7%); bưu chính, viễn thông (5,1%); các lĩnh vực còn lại, như: chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng… chiếm khoảng 2%.

Trồng cao su là một trong lĩnh vực Việt Nam đầu tư vào Campuchia

Về tài chính ngân hàng, sự gia tăng trong lĩnh vực đầu tư thương mại trong thời gian qua đã thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng giữa hai nước. Trong tổng số vốn đầu tư của Việt Nam sang Campuchia, các dự án hợp tác tài chính - ngân hàng - bảo hiểm chiếm tới 8,7%. Từ năm 2002 đến nay, ngành ngân hàng hai nước đã ký kết một số biên bản ghi nhớ, thỏa thuận về tăng cường hợp tác song phương, trao đổi thông tin tư liệu, thanh toán biên mậu bằng đồng nội tệ của mỗi nước...

Hiện nay có 5 ngân hàng của Việt Nam hoạt động tại Campuchia là BIDC (công ty con của BIDV), Sacombank, Agribank, MB và SHB với 15 chi nhánh và doanh số khoảng 1 tỷ USD. Hoạt động hợp tác tài chính - ngân hàng giữa hai nước phát triển nhanh về quy mô, phạm vi, sản phẩm, dịch vụ và ngày càng được hiện đại hoá, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Tại thị trường Campuchia, đối tượng khách hàng mà ngân hàng Việt Nam hướng tới là các doanh nghiệp Việt kiều, nhân viên Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tầng lớp dân cư của hai nước.

Nhìn chung hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư trong 15 năm trở lại đây (1999-2015) không ngừng phát triển, đạt được những kết quả đáng kể. Campuchia luôn là thị trường được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm và là thị trường thương mại tiềm năng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giai đoạn 2016-2020

Đối với Chính phủ Campuchia:

Hoàn thiện hệ thống luật pháp về thuế, đầu tư, bảo hộ đầu tư nước ngoài, các chính sách liên quan đến giao đất… Hiện nay, hệ thống pháp luật tại Campuchia chưa hoàn thiện, giữa Trung ương với các địa phương còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Đó là những khó khăn không nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.

Đối với Việt Nam:

- Bổ sung các quy định về kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư ra nước nói chung, đặc biệt là đầu tư có sử dụng nguồn vốn nhà nước vào Campuchia.

- Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư thích đáng đối với doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, thương mại vào Campuchia. Đặc biệt là một số dự án đầu tư thực hiện mục tiêu quan trọng, có tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế của Việt Nam như: sản xuất điện nhập khẩu về Việt Nam; khai thác một số khoáng sản thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất, chế biến trong nước…

- Xây dựng cơ chế, chính sách mở cửa thông thoáng cho các hoạt động xuất nhập - khẩu hàng hoá, du lịch liên quốc gia, hợp tác lao động, thủ tục hải quan, thủ tục xuất - nhập cảnh và các quy chế về thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, thương mại vào Campuchia. Đặc biệt là người dân các tỉnh giáp danh với Campuchia sang canh tác, làm ăn trên lãnh thổ Campuchia.

- Triển khai có hiệu quả Hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư giữa hai nước đã được ký kết. Thúc đẩy việc thực hiện các quy định về bảo hộ đầu tư, các quy định về bảo đảm quyền lợi và tài sản của nhà đầu tư, hạn chế thiệt hại trong các trường hợp rủi ro, đặc biệt là các trường hợp rủi ro về an ninh, chính trị và thiên tai.

- Có chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Campuchia đối với các hộ nông dân, tiểu thương các tỉnh khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia.

- Phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ, là lĩnh vực cần nguồn đầu tư tài chính lớn, đây là điều kiện thuận lợi để hai nước thực hiện kế hoạch kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng của mình./.

Lê Minh Điển - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư