Mua sắm công trong TPP: Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là tính minh bạch

15:56 | 24/06/2016 Print
- Cam kết TPP trong mua sắm Chính phủ đang tạo cơ hội rất lớn cho nhà thầu trong nước và sự minh bạch trong mua sắm công tại Việt Nam. Song, đây cũng là điểm yếu kém trong lĩnh vực mua sắm công của Việt Nam.

TPP yêu cầu phải minh bạch hóa trong mua sắm công

TPP quy định, 12 nước thành viên đều phải cam kết minh bạch hóa trong mua sắm công (mua sắm chính phủ). Các nước không được phân biệt đối xử, không ưu đãi hàng hóa và dịch vụ của nhà thầu nội. Trong trường hợp mua sắm Chính phủ áp dụng chỉ định thầu, hình thức này chỉ được áp dụng đối với các trường hợp đặc biệt, có báo cáo giải trình lý do chỉ định, đơn vị chỉ định thầu phải có số lượng từ 2-3 đơn vị... TPP cũng khuyến khích hình thức đấu thầu qua mạng để tạo sự công bằng, minh bạch thông tin và kết quả đấu thầu.

Cụ thể, theo quy định của Chương mua sắm chính phủ trong TPP, phạm vi điều chỉnh được chia ngưỡng trong bản chào mở cửa thị trường của mỗi nước. Phần trên ngưỡng phải tuân thủ theo quy định mua sắm Chính phủ của TPP, còn phần dưới ngưỡng vẫn tuân thủ theo Luật Đấu thầu. Chương mua sắm chính phủ của TPP cũng chỉ rõ một số nội dung không thuộc phạm vi điều chỉnh như: mua/thuê đất, bất động sản; thỏa thuận không mang tính hợp đồng (hỗ trợ, khoản vay, bảo lãnh…); gói thầu sử dụng vốn ODA mà nhà tài trợ có quy định về đấu thầu và các ngoại lệ khác (an ninh quốc phòng, quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm an ninh trật tự).

Để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh và minh bạch trong hoạt động mua sắm chính phủ trong TPP, Chương này cũng đưa ra các nguyên tắc cơ bản, chặt chẽ mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ, gồm: đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử; không được ưu đãi hàng hóa, dịch vụ hay nhà thầu nội; khuyến khích đấu thầu qua mạng. Ba hình thức lựa chọn nhà thầu được khuyến khích áp dụng trong mua sắm Chính phủ là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu. Mua sắm Chính phủ trong TPP khuyến khích, đề cao hình thức lựa chọn nhà thầu đấu thầu rộng rãi. Còn hình thức lựa chọn nhà thầu chỉ định thầu chỉ được phép áp dụng trong những trường hợp rất đặc biệt theo quy định và luôn phải báo cáo, giải trình lý do áp dụng.


Tính minh bạch lại là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam

Không thể phủ nhận rằng, việc thực hiện cam kết mua sắm Chính phủ trong TPP sẽ có tác động tích cực đến thị trường mua sắm Chính phủ tại Việt Nam. Trong đó, Việt Nam đã đàm phán được lộ trình tương đối dài, mở cửa từ từ, có thời gian quá độ để ưu tiên hàng hóa, nhà thầu trong nước. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ giúp nhà thầu “thích nghi” với bối cảnh mới.

Phát biểu tại Hội thảo “Cam kết về mua sắm Chính phủ trong TPP” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết: Điều khó khăn nhất khi triển khai các cam kết về mua sắm Chính phủ trong TPP của Việt Nam không phải là vấn đề kỹ thuật để hiểu quy định của TPP, mà là các cơ quan quản lý nhà nước phải vượt qua chính mình để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động mua sắm Chính phủ. Đáng buồn là hiện vẫn còn thực tế nhiều cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu lại chưa muốn minh bạch, công khai thông tin (Trung Hiếu, 2016).

Thực tế quá trình tổ chức đấu thầu tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: chưa đăng tải đầy đủ thông tin trong đấu thầu theo quy định; hồ sơ mời thầu còn có những quy định chưa chính xác, không tuân thủ pháp luật, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu…

Đặc biệt, tình trạng chỉ định thầu, một hình thức không có tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đạt thấp, nhưng lại vẫn còn phổ biến tại Việt nam. Qua báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2015 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TCT) cho thấy, hình thức này vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, áp đảo so với các hình thức đấu thầu khác.

Cần có chính sách phù hợp

TPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Việt Nam có cam kết về mua sắm Chính phủ, do đó cơ quan mua sắm sẽ có những khó khăn trong tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu phải tuân thủ quy định TPP, việc tiếp cận thị trường mua sắm Chính phủ các nước TPP của nhà thầu Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức do năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế.

Để khắc phục được hạn chế này, vấn đề đặt ra là cần cải cách thể chế. Theo ông Jean Heilman Grier, chuyên gia tư vấn quốc tế về mua sắm công, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những yêu cầu và nguyên tắc chung nhất, hướng dẫn cụ thể thông qua các văn bản dưới luật, đồng thời, cần chi tiết hóa các yêu cầu về đấu thầu, đơn cử như các cam kết quốc tế về đấu thầu và thông tin rộng rãi đến công chúng (Trung Hiếu, 2016).

Đồng thời, Việt Nam cần có thêm các quy định về mở cửa thị trường cũng như minh bạch trong hoạt động đấu thầu quốc tế. Bởi thực tế hiện nay có khá nhiều điểm khác biệt giữa cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) so với pháp luật đấu thầu Việt Nam, như: các cam kết về sử dụng phương tiện điện tử; lý do lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu, thời hạn tối thiểu để nộp hồ sơ thầu, điều kiện tham dự thầu… Vì vậy, Việt Nam cần phải xây dựng những văn bản riêng cho các cam kết đặc thù nhưng phải tuân thủ (theo quy định của hiệp định, hoặc cho các cam kết chưa thể thực thi trên diện rộng). Ngoài ra, nước ta cần sửa đổi pháp luật đấu thầu nói chung cho phù hợp với thực tiễn hội nhập và vì lợi ích của doanh nghiệp./.

Tài liệu tham khảo

Trung Hiếu (2016). Cam kết về mua sắm công trong TPP: sẽ có nhiều bỡ ngỡ, truy cập từ http://baodauthau.vn/phap-luat/cam-ket-ve-mua-sam-cong-trong-tpp-se-co-nhieu-bo-ngo-23517.html

Phạm Tuyên (2016). Mở cửa thị trường mua sắm công: Ngân sách hết bị rút ruột, truy cập từ .tienphong.vn/kinh-te/mo-cua-thi-truong-mua-sam-cong-ngan-sach-het-bi-rut-ruot-964571.tpo#ref-

Thanh Hà (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư