e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

9 tháng: Hơn 16 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam

10:31 | 26/09/2016 Print
- Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án FDI là 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất

Trong 9 tháng năm 2016, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ghi nhận cả nước có 1.820 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, đã có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với giá trị tăng thêm là 5,3 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 16,4 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ 2015. Đây là mức giảm hiếm hoi trong 9 tháng qua.

Cũng trong 9 tháng năm nay, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,58 tỷ USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Đứng thứ hai và ba là Singapore và Nhật Bản với tổng vốn đầu tư lần lượt là 1,84 tỷ USD và 1,7 tỷ USD.

Trong 54 tỉnh thành phố, Hải Phòng vẫn là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với 37 dự án cấp mới và 28 lượt dự án điều chỉnh vốn, tương ứng 2,74 tỷ USD. Tiếp theo là Hà Nội và Đồng Nai với tổng số vốn đầu tư lần lượt là 1,97 tỷ USD và 1,89 tỷ USD...

Samsung xây Trung tâm nghiên cứu và phát triển hơn 6.700 tỷ tại Hà Nội

Một số dự án lớn được cấp phép trong 9 tháng đầu năm 2016, như: dự án LG Display Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD, dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD, Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, Dự án Seoul Semiconductor Vina, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD...

Bất động sản thu hút FDI mạnh

Cụ thể, trong 9 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 767 dự án đầu tư đăng ký mới và 608 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,15 tỷ USD, chiếm 73,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng.

Đáng chú ý, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về tốc độ hút vốn với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp dòng vốn FDI vào bất động sản gia tăng.

Trước đó, trong quý I/2016, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ có 11 dự án với tổng vốn đăng ký 239 triệu USD. Tuy nhiên sang quý II, con số này tăng lên 25 dự án với tổng vốn 604,8 triệu USD (tăng gấp 2 lần).

Đến tháng 07/2016, số dự án tiếp tục tăng lên 30, tổng vốn đăng ký đạt 956,7 triệu USD. 8 tháng năm 2016, số dự án tăng lên 34, tổng vốn đạt 836,2 triệu USD. Và 9 tháng đã chạm mốc 1 tỷ USD.

Mặc dù có mức tăng liên tục như vậy, song nếu so với cùng kỳ 2015 (tổng vốn FDI đạt 1,81 tỷ USD), thì có thể thấy thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2016 đã “giảm nhiệt”, không còn sôi động như trước.

Tuy nhiên, tính trung bình, kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục là lĩnh vực thu hút vốn tốt khi chiếm khoảng 6% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư