Về phát triển một số mô hình khu công nghiệp mới tại Việt Nam trong thời gian tới

08:22 | 01/02/2017 Print
Mô hình KCN cũ đa ngành, chưa phát triển chuyên sâu và quan tâm đến nâng cao hiệu quả hoạt động đang bộc lộ những hạn chế, bởi vậy trong thời gian tới, đòi hỏi cần có những đổi mới.

Qua hơn 25 năm kể từ khi khu công nghiệp (KCN) đầu tiên được thành lập năm 1991 (khu chế xuất Tân Thuận), các KCN đã có bước phát triển đáng kể về cả số lượng, chất lượng, ngày càng có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, mô hình KCN cũ đa ngành, chưa phát triển chuyên sâu và quan tâm đến nâng cao hiệu quả hoạt động đang bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng vai trò là động lực phát triển công nghiệp, kinh tế, xã hội, bởi vậy trong thời gian tới, đòi hỏi cần có những đổi mới.

Sự cần thiết phải đổi mới

KCN, khu chế xuất (KCX) hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế được khởi xướng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) và được định hướng tại các văn kiện, chính sách của Đảng. Các Nghị quyết của Đảng tại các kỳ Đại hội từ năm 1986 đến nay đã hình thành hệ thống các quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển KCN, KCX; khẳng định vai trò của KCN, KCX là một trong những nền tảng để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI (năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã định hướng phát triển KCN, KCX bền vững và theo chiều sâu: “Bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm, tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao”.

Khái niệm về KCN đã được các văn bản quy phạm pháp luật về KCN quy định[1]. Theo đó, KCN là khu vực có ranh giới địa lý xác định chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, không có dân cư sinh sống. Mô hình KCN này đã được phát triển trên 25 năm tại Việt Nam và đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tại một số địa phương, như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương…, các doanh nghiệp trong KCN là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Bắt đầu với KCN đầu tiên của cả nước là KCX Tân Thuận được thành lập năm 1991, thì đến nay (tính đến tháng 12/2016) theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã có 325 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 95 nghìn ha. Trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 61 nghìn ha và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha.

Về kết quả hoạt động, các KCN đã phát huy được lợi thế kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nhờ đó thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn cả trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hàng năm, số lượng vốn FDI đầu tư vào KCN chiếm khoảng từ 60%-70% tổng vốn đầu tư FDI thu hút được của cả nước. Trung bình trong giai đoạn 2011-2015, các KCN thu hút được khoảng 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước. Năm 2016, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 31,8 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, cao hơn 2% so với cuối năm 2015; riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%, cao hơn 6% so với cuối năm 2015.

Lực lượng doanh nghiệp trong các KCN dần được hình thành và phát triển mạnh, trong đó, có cả những doanh nghiệp được đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia lớn, như: Hyosung, Samsung, LG (Hàn Quốc), Robert Bosch (Đức)..., tạo cơ hội để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp trong KCN tạo ra doanh thu lớn, đóng góp khoảng 30% vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tạo việc làm cho khoảng trên 2 triệu lao động, có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nêu trên, nhưng hiệu quả hoạt động của các KCN chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vai trò là nền tảng phát triển công nghiệp của Việt Nam. Mô hình phát triển KCN cũ đã triển khai trên 25 năm, nhưng chưa được đổi mới là một trong những nguyên nhân của sự hạn chế này. Hiện nay, các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình KCN đa ngành, chú ý nhiều đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh việc lấp đầy diện tích đất cho thuê, nhưng chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, xã hội nảy sinh khi phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của các KCN qua việc hợp tác, liên kết. Cụ thể là: giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh KCN; sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng xã hội để đảm bảo cuộc sống người lao động; liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN và liên kết giữa các KCN với nhau để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng còn yếu. Để giải quyết tốt các vấn đề này, mô hình phát triển các KCN tại Việt Nam cần phải có sự thay đổi theo hướng chuyên ngành, phát triển bền vững và có tính liên kết cao giữa doanh nghiệp thứ cấp trong KCN.

Bên cạnh việc đổi mới mô hình để giải quyết các yếu tố nội tại trong phát triển KCN thời gian qua, còn xuất phát từ những đòi hỏi của thực tế khách quan bên ngoài và yêu cầu từ sự thay đổi về môi trường kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới, cụ thể ở các điểm chính sau:

Thứ nhất, hiện nay, trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra với xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, dự báo sẽ tạo ra sự thay đổi về phương thức sản xuất cũng như chuỗi giá trị toàn cầu hiện hữu. Việc phát triển các KCN cần tập trung hơn nữa để có cơ hội tham gia đổi mới từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ hai, với mô hình KCN đa ngành trong thời gian vừa qua, hiệu quả sử dụng đất chưa cao và việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp của KCN chưa nhiều, lao động ít kỹ năng còn chiếm tỷ trọng lớn và yếu tố trình độ công nghệ của các nhà đầu tư thứ cấp chưa được quan tâm. Trong khi đó, điều kiện các nguồn lực của Việt Nam còn có những hạn chế, nhất là đất đai và vốn. Diện tích đất dành cho phát triển KCN có giới hạn nhất định để cân bằng với diện tích đất cho các hoạt động kinh tế-xã hội khác và đảm bảo vấn đề môi trường. Việc tiếp tục phát triển các KCN theo mô hình cũ sẽ không đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó coi tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với mục tiêu là trong giai đoạn 2011-2020, giảm khí phát thải nhà kính 8%-10% so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1%-1,5% mỗi năm, định hướng đến năm 2030, giảm khí phát thải nhà kính ít nhất 1,5%-2%. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 879/QĐ-TTg, ngày 09/06/2014) định hướng là phát triển công nghiệp trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, việc phát triển mô hình KCN cần được nghiên cứu để có sự điều chỉnh theo hướng giải quyết tốt hơn vấn đề môi trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và Chiến lược phát triển công nghiệp.

Lựa chọn mô hình KCN nào tại Việt Nam?

Việc phát triển mô hình KCN tại một quốc gia phải đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp của đất nước theo từng thời kỳ. Thực tế, trên thế giới, mỗi quốc gia đều phát triển mô hình KCN phù hợp với mục tiêu theo từng thời kỳ. Cụ thể trường hợp của Hàn Quốc, trong những năm 1960, Hàn Quốc xây dựng các KCN định hướng xuất khẩu nhằm hỗ trợ chiến lược tăng trưởng xuất khẩu và phát triển các KCN nặng quy mô lớn nhằm tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp cơ bản. Trong những năm 1970, Hàn Quốc xây dựng các KCN quy mô lớn tại một số khu vực được lựa chọn nhằm hỗ trợ chiến lược công nghiệp hóa dưới hình thức tập trung phát triển các cực tăng trưởng. Từ những năm 1980 trở đi, Hàn Quốc phát triển các KCN trên phạm vi cả nước nhằm thực hiện chiến lược phát triển cân đối của quốc gia và giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng. Từ những năm 1990, các KCN công nghệ cao được xây dựng để hỗ trợ cho cơ cấu công nghiệp phát triển. Kể từ những năm 2000, các loại KCN khác nhau được xây dựng để hỗ trợ cho cơ cấu công nghiệp đa dạng đồng thời chuyển đổi dần các KCN thông thường sang các KCN sinh thái để ứng phó với vấn đề ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên (Cho, Hyeyoung, 2012).

Đối với Việt Nam, việc phát triển theo mô hình KCN cũ chưa đảm bảo sức cạnh tranh, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các KCN. Bên cạnh đó, mô hình KCN cũ chưa giải quyết tốt các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo đời sống của người lao động. Việc phát triển các mô hình KCN mới trong thời gian tới là cần thiết. Tuy nhiên, việc lựa chọn các mô hình KCN mới phải dựa trên sự phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp, chiến lược tăng trưởng xanh và điều kiện thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như các nguồn lực khác của Việt Nam. Đồng thời, việc phát triển các mô hình KCN mới cần có lộ trình để đảm bảo sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế khách quan khi cần thiết.

Mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ và KCN hỗ trợ là mô hình đã chứng tỏ được sự hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường tại một số quốc gia áp dụng. Thực tiễn triển khai các mô hình KCN này trên thế giới và một số tiền đề phát triển tại Việt Nam có thể thấy ở các điểm chính, như sau:

- Mô hình KCN sinh thái xuất phát từ khái niệm "sinh thái công nghiệp", theo đó, nghiên cứu một cách hệ thống các tác động và mối quan hệ tương hỗ về mặt vật lý, hóa học, sinh học và kinh tế - xã hội học giữa các tổ chức công nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên. Mô hình được nghiên cứu từ đầu thập niên 90 và phát triển mạnh mẽ tại các nước phát triển, như: Mỹ, Canada, Đan Mạch và sau này là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Mô hình này được đánh giá là đã mang lại các lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cho các quốc gia áp dụng. Cụ thể, về lợi ích kinh tế, đối với Hàn Quốc, trong giai đoạn 2005-2014 đã thực hiện chuyển đổi 51 KCN sang hoạt động theo mô hình KCN sinh thái tạo ra lợi ích kinh tế quy đổi khoảng 1,3 tỷ USD. Đối với việc phát triển KCN tại Việt Nam hiện nay và qua thực tiễn đang thí điểm tại 03 KCN (tại các địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ) cho thấy, việc áp dụng mô hình KCN sinh thái bước đầu có kết quả tích cực về sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, nâng cao tính cạnh tranh của các KCN.

- Mô hình KCN đô thị dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN. Trong mô hình này, ngoài khu chức năng là khu sản xuất công nghiệp còn có các khu chức năng khác, như: trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí... để tạo một môi trường sống và làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình này, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức… Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo thành tổng thể một KCN, đô thị, dịch vụ, như: KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi. Việc phát triển mô hình này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.

- Mô hình KCN hỗ trợ là mô hình có tính chuyên sâu, tập trung thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Mô hình này sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để phát triển mô hình này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập KCN chuyên sâu để phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, 03 phân KCN hỗ trợ tại tỉnh Đồng Nai. Về cơ chế, chính sách, tại Văn bản số 2865/VPCP-QHQT, ngày 25/04/2014 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép áp dụng một số chính sách cho KCN chuyên sâu, phân KCN hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất...

Với thực tiễn áp dụng các mô hình KCN này trên thế giới và các tiền đề bước đầu tại Việt Nam, việc phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ, KCN hỗ trợ phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển công nghiệp, giải quyết được các hạn chế trong việc phát triển theo mô hình KCN cũ thời gian qua. Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, vai trò của KCN trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.


KCN VSIP Bình Dương được phát triển theo mô hình KCN đô thị dịch vụ

Một số giải pháp phát triển

Từ nhu cầu thực tiễn phải phát triển các mô hình KCN mới tại Việt Nam, chúng ta cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, xây dựng cơ sở pháp lý về các mô hình KCN mới. Pháp luật về KCN mới chỉ có quy định về quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển cho KCN, chưa có quy định về mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ, KCN sinh thái. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý tạo tiền đề hình thành và phát triển các mô hình KCN mới này, cần bổ sung pháp luật hiện hành. Hiện nay, tại Văn bản số 9461/VPCP-KTN, ngày 02/11/2016 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, soạn thảo Nghị định thay thế các Nghị định: số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14/03/2008; số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và số 114/2015/NĐ-CP, ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định về KCN, khu chế xuất và khu kinh tế. Dự thảo Nghị định thay thế (lần 1) được gửi đi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan đã bổ sung các quy định về các mô hình KCN mới. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành theo quy định pháp luật, sau đó, khẩn trương tổ chức thực hiện và xây dựng các văn bản hướng dẫn Nghị định.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Việc phát triển các mô hình KCN mới đặt ra yêu cầu cải cách hành chính mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KCN để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhất là việc áp dụng thủ tục hành chính thông thoáng theo cơ chế “một cửa tại chỗ” tại các Ban Quản lý KCN, cơ quan đầu mối quản lý về KCN trên địa bàn tỉnh/thành phố. Hiện nay, theo quy định pháp luật chuyên ngành, Ban Quản lý KCN được ủy quyền thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành, như: xây dựng, lao động, môi trường, thương mại. Tuy nhiên, việc ủy quyền tại các địa phương là chưa thống nhất và nhất quán nên gây khó khăn trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với KCN cũng như việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư trong KCN. Trường hợp tiếp tục thực hiện theo cơ chế ủy quyền như hiện nay và áp dụng thủ tục hành chính như đối với mô hình KCN cũ, việc phát triển các mô hình KCN mới sẽ gặp khó khăn, khó thu hút được các nhà đầu tư. Việc thực hiện cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về KCN cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, thì mới đảm bảo có kết quả.

Ba là, đổi mới thu hút đầu tư. Đặc điểm của các mô hình KCN mới là có sự liên kết, hợp tác giữa các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN và phát triển chuyên sâu một số lĩnh vực công nghiệp. Theo đó, việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào mô hình KCN mới cần có sự lựa chọn hơn so với thu hút đầu tư vào mô hình KCN cũ phát triển đa ngành. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của mô hình KCN mới cũng sẽ có yêu cầu cao hơn về quy hoạch, chất lượng xây dựng nên có vốn đầu tư cao hơn, đòi hòi nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN có năng lực tài chính tốt và kinh nghiệm trong phát triển KCN.

Với các yêu cầu nêu trên, công tác thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư phải có sự đổi mới, như: xúc tiến đầu tư có trọng điểm để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược cho các mô hình KCN mới; có giải pháp thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ nguồn.../.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (1994). Nghị định số 192-CP, ngày 28/12/1994 về ban hành quy chế khu công nghiệp

2. Chính phủ (2008). Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế

3. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh

4. Cho, Hyeyoung (2012). Industrial Park Development Strategy and Management Practices, Ministry of Strategy and Finance, Korea


[1] Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 192-CP của Chính phủ, ngày 28/12/1994 về ban hành quy chế KCN, “KCN là khu công nghiệp tập trung do Chính phủ quyết định thành lập, có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, không có dân cư sinh sống”.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14/03/2008 của Chính phủ, “KCN là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này”.

ThS. Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư