e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Tổng nhu cầu vốn kế hoạch năm 2021 vùng TD&MNPB tăng 1,49 lần năm 2020

10:02 | 27/08/2020 Print
- Ngược lại, các địa phương có nhu cầu vốn ODA thấp hơn Kế hoạch 2020 do một dự án đã hoàn thành; chỉ tập trung bố trí cho các dự án chuyển tiếp và các dự án đã ký hiệp định.

Dự kiến ước giải ngân năm 2020 của Vùng đạt 100%

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số vốn kế hoạch 2020 của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 là 46.443,767 tỷ đồng. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương là 20.349,86 tỷ đồng; Vốn ngân sách trung ương thực hiện các Chương trình là 17.157,407 tỷ đồng (Vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia là 9.653,192 tỷ đồng; Vốn các Chương trình mục tiêu là 7.504,215 tỷ đồng; Vốn ngoài nước (ODA): 8.936,50 tỷ đồng).

Tính đến nay, có 11/14 địa phương đã giao hết kế hoạch năm 2020, còn 3 tỉnh chưa giao hết vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW với tổng số vốn là 134,817 tỷ đồng, trong đó: Lai Châu 119,817 tỷ đồng, Lào Cai 10 tỷ đồng, Bắc Cạn 5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/8/2020 tỷ lệ giải ngân chung của vùng đạt khá cao (55,8%) so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng (57,4%), cao hơn bình quân cả nước (47%).

Trong đó, có 04 địa phương có mức giải ngân cao trên 60% kế hoạch đã giao, gồm: Phú Thọ (87,7%), Bắc Giang (70,5%), Sơn La (63,7%), Bắc Cạn (60,8%). Còn lại (10 địa phương) có mức giải ngân đạt khá từ 41,7% đến 58%. Tuy nhiên, nguồn vốn ODA giải ngân còn thấp (25,8%), gồm các tỉnh Bắc Giang (0,3%), Thái Nguyên (3,2), Lạng Sơn (6,6%).

Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân là do công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch; Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA do nhiều dự án đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Do chịu tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài từ nhiều khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều chậm lại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tỷ lệ giải ngân năm 2020 của các tỉnh trong vùng mặc dù cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng nguồn vốn ODA vẫn ở mức thấp, trong đó vướng mắc nhiều nhất là khâu thực hiện trình tự, thủ tục kéo dài hiệp định, điều chỉnh vốn, ký kết thỏa thuận vay lại vốn ODA.

Ngoài ra, do chịu tác động của đại dịch Covid-19, nên hầu hết các kế hoạch thực hiện giải ngân các dự án đều chậm lại”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.

Theo báo cáo của các địa phương, phấn đấu đến hết năm 2020 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND các địa phương trong Vùng tập trung chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân hết số vốn đã được giao trong kế hoạch 2020 đảm bảo các công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Tổng nhu cầu vốn kế hoạch năm 2021 của vùng là 69.192,430 tỷ đồng

Về lập kế hoạch đầu tư công năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá công tác triển khai của các địa phương theo tiến độ quy định. Cụ thể, tính đến ngày 24/8/2020, có 14/14 địa phương có gửi báo cáo, hiện này các địa phương đang nhập số liệu lên Hệ thống đầu tư công theo quy định.

Dự kiến nhu cầu nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng nhu cầu kế hoạch năm 2021 của vùng TD&MNBB là 69.192,430 tỷ đồng, tăng 1,49 lần so với kế hoạch năm 2020 (năm 2020 là 46.443,767 tỷ đồng).

Trong đó: Vốn ngân sách địa phương là 21.723,396 tỷ đồng tăng 1,06 lần so với kế hoạch năm 2020 (là 20.349,86 tỷ đồng) (Nguồn cân đối ngân sách địa phương theo điểm, tiêu chí: 11.480,317 tỷ đồng; Dự kiến nguồn vay bội chi: 764,279 tỷ đồng; Vốn ngân sách trung ương trong nước là 40.755,897 tỷ đồng tăng 2,37 lần so với kế hoạch năm 2020 (là 17.157,407 tỷ đồng); Vốn ngoài nước (ODA): 8.184,248 bằng 91,6% so với kế hoạch 2020 (8.936,50 tỷ đồng)).

Lý giải vì sao nhu cầu vốn trong kế hoạch năm 2021 tăng cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do đó, các địa phương trong Vùng đề nghị bố trí đủ số vốn còn lại của kế hoạch trung hạn 2016-2020 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, hoàn trả ứng trước, bố trí để hoàn thành các dự án chuyển tiếp và các dự án quan trọng, cấp bách nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương giai đoạn 2021-2025.

Ngược lại, các địa phương có nhu cầu vốn ODA thấp hơn Kế hoạch 2020 do một dự án đã hoàn thành; chỉ tập trung bố trí cho các dự án chuyển tiếp và các dự án đã ký hiệp định.

Những lưu ý trong xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vùng TD&MNPB được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, bao gồm (dự phòng chung, dự phòng 10% ngân sách trung ương tại địa phương) với tổng số vốn là 161.855,580 tỷ đồng. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương là 52.182,538 tỷ đồng; Vốn ngân sách trung ương trong nước là 84.062,256; Vốn ODA là 25.610,786 tỷ đồng.

Dự kiến nhu cầu nguồn vốn đầu tư công 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng nhu cầu kế hoạch vốn toàn Vùng là 394.707,976 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 của vùng TD&MNBB là 394.707,976 tỷ đồng tăng 2,44 lần so với giai đoạn 2016-2020 (161.855,580 tỷ đồng).

Về vốn ngân sách trung ương trong nước, Bộ chỉ rõ, tổng nhu cầu là 235.150,789 tỷ đồng bố trí cho 2.717 dự án.

Tổng nhu cầu bố trí vốn ODA là 41.037,289 tỷ đồng bố trí cho 201 dự án, trong đó: 59 dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 là 10.284,283 tỷ đồng, 142 dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 là 30.753,007 tỷ đồng./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư