e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Việt Nam muốn thu hút 1.000 Việt kiều góp sức cho phát triển Đất nước

13:17 | 18/11/2020 Print
- Ngày 19/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức triển lãm thành tựu mới nhất về đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (đặt tại Hòa Lạc). Chia sẻ trước thềm sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, tính đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 5 văn phòng tại Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức, nhằm tăng cường kết nối các nhà khoa học, tri thức, kiều bào trong đóng góp cho đổi mới sáng tạo cũng như đầu tư vào Việt Nam. Thứ trưởng cho biết, mong muốn sẽ thu hút được khoảng 1.000 tri thức Việt kiều đóng góp cụ thể hơn trong từng lĩnh vực Đất nước đang cần.

Thưa Thứ trưởng, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài có yêu cầu rà soát lại các cơ chế pháp lý để tạo điều kiện cho Việt kiều đầu tư vào Việt Nam, thu hút chuyển giao công nghệ. Xin Ông chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì, quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, bao gồm cả hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có cả hoạt động đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về cũng như doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Thứ nhất, cơ chế chính sách thu hút đầu tư của Việt kiều về nước rất thuận lợi nên hoạt động đầu tư của kiều bào về nước khá tốt. Rất mừng là các dự án của kiều bào tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Tiềm lực về khoa học công nghệ, tài chính, quản lý của người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng và xu hướng đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.

Làm sao để thu hút được kiều bào đầu tư vào nhiều hơn? Đây là điểm chúng tôi rất quan tâm. Trong pháp luật hiện nay về đầu tư, cụ thể là Nghị định 118 hướng dẫn Luật Đầu tư có quy định cho phép công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn, áp dụng hình thức đầu tư tại Việt Nam như nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Việt kiều có quốc tịch nước ngoài áp dụng hình thức như nhà đầu tư trong nước thì có rất nhiều thuận lợi, không phải áp dụng tỷ lệ về vốn điều lệ, không phải áp dụng một số quy định về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động và một số quy định khác, không hạn chế hình thức đầu tư theo Luật Doanh nghiệp (công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân). Cùng với đó, Nhà nước tạo điều kiện để kiều bào sinh sống lâu dài tại Việt Nam thông qua các văn bản pháp lý. Chẳng hạn, Luật Nhà ở cho phép công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài được mua nhà ở để họ yên tâm sinh sống lâu năm. Việt Nam cũng đã miễn visa cho Việt kiều, tạo điều kiện cho bà con về nước bất kỳ khi nào nhằm thu hút công dân Việt Nam đầu tư về nước.

Bên cạnh việc thu hút dòng vốn đầu tư từ kiều bào về nước, chúng ta cũng có các khuyến khích mạnh mẽ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của người Việt Nam thông qua Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn. Đến nay, chúng ta đầu tư ra nước ngoài khoảng 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư 21,3 tỷ USD vào 76 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xin Thứ trưởng chia sẻ đánh giá về vai trò của cộng đồng Việt kiều trong việc kết nối đầu tư vào Việt Nam cũng như từ Việt Nam ra nước ngoài?

Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc kết nối đầu tư vào Việt Nam cũng như từ Việt Nam ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, thu hút đông đảo bà con Việt kiều tham gia và đặc biệt là hỗ trợ các hoạt động xúc tiến hiệu quả hơn thông qua việc kết nối, hiểu địa phương, thúc đẩy người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trong nước, đồng thời cũng thúc đẩy bạn bè nước ngoài về Việt Nam. Kiều bào là đầu mối rất tốt cho công tác này.

Chúng tôi cũng đánh giá rất cao cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong các nỗ lực đóng góp để hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài làm sao thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật của nước sở tại…

Năm 2020 là năm nền kinh tế toàn cầu bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, chúng ta đã ứng phó như thế nào để biến được thách thức thành cơ hội, thưa Thứ trưởng?

Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng cả đầu vào lẫn đầu ra, dẫn đến các quốc gia đều tăng trưởng âm, thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã chủ động trong phòng chống dịch bệnh, nên GDP dự kiến năm nay tăng 2-3% (9 tháng tăng 2,12%) là quốc gia duy nhất trong ASEAN tăng trưởng dương và là nước thứ 2 cùng với Trung Quốc trong khu vực châu Á tăng trưởng dương trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm. Đạt được kết quả này là do chúng ta có những giải pháp chính sách phù hợp, kịp thời. Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết (Nghị định 42, Nghị quyết 41, Nghị định 84…) góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và nhiều doanh nghiệp đã dần hồi phục. Các biện pháp chính sách cũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút dòng vốn FDI, bao gồm cả Việt kiều.

Trong khó khăn chung của đại dịch Covid-19 , Việt Nam đã hỗ trợ trên 20.000 nhà đầu tư, doanh nghiệp, người thân quay trở lại Việt Nam một cách an toàn, nhanh chóng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như an ninh, y tế, giao thông, hải quan. Diễn biến này cho thấy, Chính phủ Việt Nam có các biện pháp, giải pháp kịp thời, hiệu quả trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối phó với Covid-19 rất gian nan. Trong định hướng thu hút vốn nước ngoài, Việt Nam đang xây dựng các ưu đãi, cùng với việc thực hiện nhiều biện pháp như xúc tiến đầu tư trực tuyến, kết nối thông qua nhiều kênh, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phù hợp với điều kiện bình thường mới như ưu tiên đầu tư vào y tế, dược phẩm, kinh tế số…

Tất nhiên, trong khó khăn chung ấy, nhiều nhà đầu tư không đến kịp thời, nhiều nhà đầu tư đã có kế hoạch đầu tư nhưng phải chậm lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đã thể hiện được là điểm đến an toàn và đã tận dụng được các cơ hội. Hiện nay, các địa phương và bộ ngành đã chuẩn bị sẵn sàng về đất đai, lao động và các điều kiện khác để sau khi dịch qua đi, chúng ta sẽ bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Xin ông chia sẻ cụ thể hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất, kiến nghị gì để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Việt kiều, phát huy sức mạnh của kiều bào vào phát triển kinh tế đất nước?

Quan trọng nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường cho kiều bào về đầu tư, nhưng phải bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế, không có sự phân biệt đối xử về đầu tư. Thứ hai là có các biện pháp cụ thể hơn để xác định người Việt Nam ở nước ngoài có thế mạnh gì. Hiện nay chúng ta có cơ chế rồi, nhưng vận hành chưa thật hiệu quả. Thứ ba là xây dựng dữ liệu của người Việt Nam ở nước ngoài như dữ liệu về các giáo sư, tiến sỹ, trí thức, nhà khoa học ở từng quốc gia, xem họ mạnh về điểm gì để chúng ta mời về Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam tăng cường kết nối với quá trình phát triển. Không chỉ kết nối về đầu tư mà Việt kiều là lực lượng rất mạnh trong nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, kinh tế, y tế, giáo dục… Chúng tôi mong muốn kết nối họ với các trường đại học, viện nghiên cứu để lan tỏa tri thức cho Việt Nam. Công nghệ 4.0 đã rút ngắn mọi khoảng cách và hy vọng, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là thành tố quan trọng góp phần cho đất nước phát triển trong cuộc Cách mạng 4.0.

Ngoài thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm thực hiện chiến lược chủ động thực thi Cách mạng 4.0 theo Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Dự kiến tháng 12 năm nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự lễ khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia này.

Một trong những nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quan tâm là xây dựng mạng lưới kết nối với trí thức Việt kiều để họ quay trở lại đóng góp cho đất nước tốt hơn vì hiện tại chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của họ. Chúng tôi đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, lần đầu tiên mời kiều bào về vào tháng 8/2018, thu hút được khoảng 100 trí thức ở nước ngoài trong rất nhiều lĩnh vực. Hiện nay thường xuyên kết nối thêm 300 trí thức Việt kiều để nhờ họ tham gia, góp ý cơ chế, chính sách đặc biệt về mảng khoa học công nghệ, mà trước mắt là cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó sẽ lan tỏa ra các bộ ngành, địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 5 văn phòng tại Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức và có hỗ trợ kể cả về tài chính cho các văn phòng hoạt động để góp ý các vấn đề cụ thể, đặc biệt là trong đổi mới sáng tạo. Mong muốn của chúng tôi là thu hút được khoảng 1.000 tri thức Việt kiều đóng góp cụ thể hơn trong từng lĩnh vực đất nước đang cần.

Hiện có những cách thức nào để chúng ta tạo môi trường cho các thanh niên trí thức, Việt kiều trẻ phát huy được thế mạnh của họ cho trong đổi mới, sáng tạo, thưa ông?

Nhiều trí thức Việt kiều khởi nghiệp ở nước ngoài rất thành công, nếu lực lượng này về nước, chắc chắn sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất. Chúng ta xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo ở Hòa Lạc chính là nơi cho các nhà khoa học, sinh viên, doanh nghiệp phát triển ý tưởng, trong đó có trí thức trẻ ở nước ngoài. Trung tâm sẽ có các phòng thí nghiệm để họ cụ thể hóa ý tưởng. Chúng ta liên kết họ với quỹ đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng.

Ngày 19/12 tới, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm thành tựu mới nhất về đổi mới sáng tạo của người Việt Nam tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (đặt tại Hòa Lạc). Ngày 25/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức Ngày hội quỹ đầu tư lần thứ 2 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, có sự tham gia của khoảng 130 quỹ, trong đó có nhiều quỹ nước ngoài. Sự kiện sẽ mời cả chuyên gia, trí thức, kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở nước ngoài và đây là cơ hội để hợp sức cùng nhau. Năm ngoái, tại Ngày hội, chúng tôi đã chứng kiến sự cam kết đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của các quỹ đầu tư là 425 triệu USD và hơn 50% đã được cụ thể hóa đầu tư cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Năm nay kỳ vọng số lượng cam kết sẽ cao hơn.

THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI PHÂN THEO NGÀNH

STT

Ngành

Số dự án

Vốn đăng ký

1

Công nghiệp chế biến, chế tạo

143

725,149,631

2

Hoạt động kinh doanh bất động sản

10

297,829,380

3

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

28

171,067,995

4

Xây dựng

16

145,273,927

5

Nông nghiêp, lâm nghiệp và thủy sản

17

59,506,957

6

Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội

7

54,837,500

7

Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ

55

50,728,741

8

Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy

23

42,435,726

9

Nghệ thuật, vui chơi và giải trí

5

16,407,429

10

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ

11

14,134,077

11

Thông tin và truyền thông

35

9,969,324

12

Giáo dục và đào tạo

6

5,441,363

13

Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa

1

4,055,000

14

Khai khoáng

1

3,665,924

15

Vận tải kho bãi

2

3,300,000

16

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

2

231,000

Tổng số

362

1,604,033,974

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, dữ liệu tính đến 20/10/2020.

HL

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư