e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

17:57 | 28/01/2021 Print
- TPDN thực sự là một kênh đầu tư hấp dẫn, các yêu cầu mới tại Luật Doanh nghiệp có thể khiến thị trường chững lại trong giai đoạn đầu, nhưng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển bền vững hơn.

Thị trường TPDN đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm, các doanh nghiệp (DN) có xu hướng mở rộng việc huy động vốn thông qua phát hành TPDN riêng lẻ để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng của thị trường TPDN đạt bình quân 48%/năm trong giai đoạn 2017-2020.

Còn theo Báo cáo Thị trường TPDN tháng 1/2021, thì trong tháng 12/2020, có 35 DN phát hành riêng lẻ 34.470 tỷ đồng trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành giảm 19,8% so với tháng 11 (số liệu điều chỉnh). Tỷ lệ phát hành thành công đạt 45,7%.

Những DN có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng 12 là ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (5.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông-OCB (3.900 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank (3.200 tỷ đồng).

Trong khi đó giá trị TPDN phát hành ra công chúng đạt 7.019 tỷ đồng, bao gồm 5 đợt phát hành từ Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - LienVietPostBank (701,1 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phát Triển nhà TP. Hồ Chí Minh - HDBank (200 tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank (4.618 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Tập Đoàn Masan (1.000 tỷ đồng), và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (500 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2020, tổng giá trị TPDN phát hành đạt mức 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với mức 315.441 tỷ đồng năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 403.468 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ) và phát hành ra công chúng đạt 34.221 tỷ đồng (tăng 82,7% so với cùng kỳ).

Điều này cho thấy, thị trường TPDN trong những năm gần đây đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các DN.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) cho hay, thị trường TPCP phát triển đã từng bước cho thấy sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu theo đúng định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực cung ứng vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.

Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thị trường TPCP hiện cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt là có hiện tượng một số DN quy mô vốn nhỏ, nhưng phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu; một số DN bất động sản đẩy mạnh quy mô phát hành và nhằm thu hút nhà đầu tư đã đẩy cao lãi suất phát hành.

Theo HNX, trong năm 2019, 28/217 doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, đặc biệt có tới 6 doanh nghiệp ghi nhận khối lượng phát hành vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu.

Tình trạng này cũng tiếp diễn trong năm 2020, cụ thể theo Bộ Tài chính, có những doanh nghiệp ghi nhận dư nợ trái phiếu phát hành cao hơn từ 30 - 47 lần vốn tự có.

Đáng nói là trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không công bố cụ thể mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Lo ngại thị trường TPDN phát triển nóng, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) chỉ rõ, do tại Việt Nam chưa tồn tại một tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm các DN, sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu DN không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.

Theo đó, trước mắt, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các DN phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ.

Đặc biệt, hiện các DN bất động sản đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cùng lúc đó các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân, khiến nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN. Từ đó gây nên việc thị trường TPDN tăng trưởng nóng, nguy cơ sụp đổ cao.

Mặc dù khẳng định TPDN là một phương thức tốt để giải quyết khó khăn về vốn của DN, nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo các nhà đầu tư TPDN phải cẩn thận, bởi hiện nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ nhìn vào lãi suất để mua trái phiếu mà không chú ý đến sức khỏe của các DN phát hành.

Về hiện tượng này, ông Nguyễn Hoàng Dương phân tích, đối với DN bất động sản, bên cạnh vay nợ trái phiếu, thì các DN này còn vay ngân hàng.

“Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động vốn thông qua phát hành TPDN với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân DN, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư do DN không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ”, ông Dương phân tích.

Những nỗ lực giảm rủi ro cho thị trường TPDN

Trước sự tăng trưởng và phát triển “nóng” của thị trường TPDN, các cơ quan quản lý đã cố gắng dùng các biện pháp giám sát để hạn chế, giảm thiểu những rủi ro cho thị trường.

Cụ thể, thời gian qua, khung pháp lý về phát hành TPDN cũng liên tục được đổi mới, hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Đáng chú ý, để tránh những rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường trong bối cảnh tình hình thị trường TPDN tăng trưởng quá nhanh, Luật Chứng khoán năm 2010 vẫn cho phép nhà đầu tư cá nhân được tham gia mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung ngay một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP theo hướng nâng cao điều kiện phát hành, hạn chế khối lượng phát hành, tần suất phát hành TPDN và tăng cường chế độ công bố thông tin, báo cáo để giảm thiểu rủi ro trên thị trường TPDN.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua các Luật mới nhằm quy định thống nhất về phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Chứng khoán 2019 (đối với công ty đại chúng) và Luật Doanh nghiệp 2020 theo hướng phân biệt giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ với phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch TPDN. Đối với TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được phép bán và giao dịch cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; đối với TPDN phát hành ra công chúng được bán, giao dịch cho mọi đối tượng nhà đầu tư...

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định là: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành TPDN ra công chúng) và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Trong đó, Nghị định 153 được đánh giá là giúp “cởi trói” cho thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sau khi Nghị định 81 có hiệu lực từ đầu tháng 9/2020, đã phần nào "siết" lại hoạt động của thị trường khi đó, khiến lượng phát hành giảm rõ rệt trong quí cuối năm.

Điều đáng lưu ý là theo Nghị định 153, sân chơi cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, ngoài các tổ chức còn bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân, nhưng phải có giá trị danh mục chứng khoán trên 2 tỷ đồng hoặc điều kiện khác.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 122/2020/TT-BTC, ngày 31/12/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo đối với TPDN. Trong đó, quy định cụ thể nội dung, biểu mẫu, cách thức công bố thông tin, báo cáo của DN phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ...

Năm 2021, thị trường TPDN thứ cấp sẽ ra đời

Bà Nguyễn Thị Thanh Tú – Chuyên viên phân tích cao cấp, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư – Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, sang năm 2021, theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, toàn bộ các lô phát hành TPDN riêng lẻ chỉ được phân phối cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng nghĩa với việc các trái phiếu muốn phân phối tới các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thì phải lựa chọn hình thức phát hành ra công chúng với các yêu cầu khắt khe hơn về công bố thông tin cả trước và sau khi phát hành.

Cùng với đó là sự ra đời của các tổ chức định hạng tín nhiệm trái phiếu, các yêu cầu về lộ trình niêm yết trái phiếu sẽ giúp nâng cao chất lượng và quy mô của thị trường TPDN thứ cấp, giảm thiểu các chi phí và rủi ro cho các nhà đầu tư.

“Chúng tôi cho rằng, TPDN thực sự là một kênh đầu tư hấp dẫn, các yêu cầu mới tại Luật Doanh nghiệp có thể khiến thị trường chững lại trong giai đoạn đầu, nhưng sẽ giúp thị trường TPDN phát triển bền vững hơn, bảo vệ lợi ích các nhà đầu tư cá nhân tốt hơn”, bà Tú nêu quan điểm.

Còn tại hội thảo phổ biến Nghị định 153/2020 của Chính phủ ban hành cuối năm 2020, quy định về chào bán giao dịch TPDN riêng lẻ, ông Nguyễn Hoàng Dương, cho biết Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện đang nghiên cứu xây dựng mô hình giao dịch TPDN riêng lẻ, có sự tham khảo từ các quốc gia khác.

Sau khi có mô hình giao dịch, Bộ Tài chính sẽ xem xét và ban hành văn bản cụ thể để hướng dẫn thị trường.

Ông Dương hy vọng trong năm nay thị trường TPDN thứ cấp sẽ ra đời.

Theo Bộ Tài chính, thiết lập thị trường giao dịch thứ cấp sẽ giúp tăng tính thanh khoản của TPDN phát hành riêng lẻ, đồng thời giúp thị trường có thông tin về giao dịch trái phiếu sau khi phát hành./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư