Giá dầu tăng, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng

14:55 | 25/03/2021 Print
- Giá dầu Brent đã leo lên mức 68 USD/thùng trong tháng 3 kể từ đầu năm 2021, tăng 31,2% so với đầu năm và 58,1% so với giá dầu trung bình năm 2020. Đà tăng của giá dầu mang lại cơ hội việc làm tiềm năng cho các công ty phía thượng nguồn, như PVDrilling (PVD), PTSC (PVS), đồng thời thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Dự báo trên được đưa ra bởi Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS). VNDS cho rằng, đà tăng của giá dầu chủ yếu được hỗ trợ bởi các yếu tố từ phía nguồn cung, trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu vẫn chưa phục hồi do nhiều quốc gia tiếp tục chính sách hạn chế đi lại để kiềm chế sự lây lan của các biến chủng mới. Những yếu tố hỗ trợ bao gồm: OPEC+ nhiều lần gia hạn cắt giảm sản lượng và Ả Rập Xê Út tình nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 01/2021 và nguồn cung bị gián đoạn do đợt lạnh kỷ lục tại Mỹ.

VNDS nâng giả định giá dầu trung bình năm 2021 lên 60 USD/thùng, tăng 13,2% so với giả định trước đó (53 USD/thùng) và kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ phục hồi nhanh hơn trong nửa cuối 2021.

Giá dầu cao hơn sẽ tác động lớn đến các cổ phiếu dầu khí, do có khả năng thúc đẩy các hoạt động thăm dò & khai thác (E&P) dầu khí tại Việt Nam, mang lại những cơ hội việc làm tiềm năng cho các công ty phía thượng nguồn, như PVDrilling (PVD), PTSC (PVS). Bên cạnh đó, một số công ty trung nguồn cũng có thể hưởng lợi từ giá dầu cao hơn như PVGas (GAS) vì giá bán sản phẩm của công ty được tính theo giá dầu thế giới. Ngược lại, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn (nhà máy điện, đạm) có thể bị thu hẹp lại do áp lực tăng giá dầu.

VNDS dự báo, việc tiêm phòng trên diện rộng là chìa khóa cho sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu cũng như sự phục hồi của nhu cầu dầu thế giới

Liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu, chuyên gia VNDS đánh giá, việc tiêm phòng trên diện rộng là chìa khóa cho sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu cũng như sự phục hồi của nhu cầu dầu thế giới. Theo dữ liệu do Bloomberg thu thập, hơn 400 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng tại 132 quốc gia tính đến ngày 18/03/2021, chủ yếu là ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tại châu Á và châu Phi cũng đã nhận được hơn 20 triệu liều vắc xin từ chương trình COVAX - một trong ba trụ cột của cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19 do WHO dẫn đầu. Điều này cho thấy nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm đẩy lùi đại dịch trên phạm vi toàn cầu.

Cùng với đó, việc Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích tài khóa 1.900 tỷ USD ngày 10/03 có thể thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, góp phần vào sự hồi phục chung của nền kinh tế toàn cầu. “Chúng tôi tin rằng gói kích thích này, kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai vắc xin, sẽ giúp nhu cầu đối với các sản phẩm dầu khí hồi phục trở lại, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2021. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 5,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình năm là 97,5 triệu thùng/ngày và sẽ đạt mức gần tương đương trước dịch là 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021”, VNDS chia sẻ./.

HL

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư