e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Chống lạm phát hay chấp nhận lạm phát?

21:21 | 24/05/2013 Print
- Tuy CPI tháng 5 chỉ giảm chưa đến 0,1%, song con số này đã tăng thêm bằng chứng thuyết phục khi gần đây, các chuyên gia kinh tế cũng như nhiều đại biểu Quốc hội liên tục hô hào “cứu” nền kinh tế bởi những biểu hiện suy kiệt đã xuất hiện quá rõ.

CPI tháng 5 giảm 0,06%

Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) vừa công bố tháng 5 năm 2013, CPI cả nước giảm 0,06% so với tháng 4 năm 2013 và tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2012. So với tháng 5 năm 2012, chỉ số giá tăng 6,36%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số giá giảm so với tháng trước. Trước đó, 2 “đầu tàu” kinh tế của cả nước đều công bố CPI âm với mức: Hà Nội là -0,22%, thành phố Hồ Chí Minh -0,16%.

Sự sụt giảm của chỉ số giá tháng 5 đến từ 4 nhóm hàng hoá là:

-Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,35% do nhóm hàng lương thực giảm 0,69% và nhóm thực phẩm giảm 0,45%. Nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng 0,32%

-Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,53%

-Nhóm giao thông giảm 0,57%. Nguyên nhân sụt giảm có thể do giá xăng dầu điều chỉnh giảm thời gian qua

-Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%

7 nhóm hàng hoá còn lại trong rổ tính chỉ số giá đều tăng trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh 1,58%.

Không quá bất ngờ với con số “âm” này của CPI tháng 5, bởi các thành viên Tổ Điều hành Thị trường trong nước, Tổng cục Thống kê trước đó cho rằng, trong tháng 5 có nhiều nhân tố làm giảm CPI. Đó là sức mua hàng hóa chưa cải thiện nhiều cùng với xu hướng giảm giá của nhiều mặt hàng quan trọng như xăng dầu, gas, một số thực phẩm do bị tác động bởi dịch bệnh, giá lương thực ít biến động... Vì vậy, mặt bằng giá chung sẽ không có biến động tăng.

Chống lạm phát – coi chừng quá tay

Mức giảm của 3 tháng liên tiếp của CPI cho thấy, những biểu hiện của một nền kinh tế đình trệ đang xuất hiện khá rõ.

Điều này có lẽ không có gì phải bàn cãi. Nhưng CPI khiến cho việc phân tích, đề xuất điều hành kinh tế ngày càng rối hơn. Bởi theo TS. Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, “Chỗ này thì bảo cần ổn định và chấp nhận tăng trưởng thấp để cơ cấu lại nền kinh tế, rồi chỗ kia lại bảo DN đang khó khăn quá, nên cứu...”

Vậy nên ưu tiên chống lạm phát hay chấp nhận lạm phát tăng lên để cứu nền kinh tế?

Phát biểu trong cuộc Hội thảo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, đã cảnh bảo sự “quá tay” trong việc chống lạm phát: “Chúng ta ăn lạm phát ngủ lạm phát, khiến cho cứ tập trung vào chống lạm phát mà quên đi nhiều việc khác...”

Theo TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: "Trong thời gian vừa qua cũng như sắp tới, chúng ta cũng không nên kì vọng mức lạm phát quá thấp với nền kinh tế đang phát triển. Chúng tôi cho rằng, xác định lạm phát của Việt Nam thời gian tới cần tính đến các yếu tố về tăng trưởng làm sao cho hài hòa, cũng không nên để lạm phát quá thấp để giá phải trả là tỷ lệ tăng trưởng thấp”.

Thực tế, trước khi thành công trong kiềm chế lạm phát, nền kinh tế đã rơi vào suy kiệt kéo dài, dẫn đến nhiều hệ lụy mà nền kinh tế đang chứng kiến. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát còn không đáng sợ bằng doanh nghiệp “chết”, kinh tế suy kiệt.

Thậm chí, trong bối cảnh hiện tại, từ nay đến cuối năm, nếu không linh hoạt hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô, thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,5%. nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng đã cảnh báo, coi chừng “quá tay” trong kiềm chế lạm phát.

Vậy là quyết tâm ưu tiên kiềm chế lạm phát đã có sự “lung lay” bởi khi thuyết phục Chính phủ điều hành nền kinh tế gắn với mục tiêu ổn định là hàng đầu mấy năm về trước, nhiều chuyên gia kinh tế đã không lường trước được về “sức chịu đựng” của kinh tế Việt Nam đến đâu để đánh đổi tăng trưởng thấp lấy ổn định.

Như vậy, muốn tăng trưởng cao tất yếu phải chấp nhận lạm phát ở mức độ nhất định nào đó. “Để tạo sinh khí mới cho nền kinh tế, nên xem xét kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 8% trong năm nay, thay vì 6 - 6,5% như kế hoạch”, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khuyến nghị./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư