Từ “kỳ tích sông Hàn”… liệu có “kỳ tích sông Hồng”?

23:10 | 02/10/2013 Print
- Câu hỏi này đã được chia sẻ tại Hội thảo Phát triển kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc: Chia sẻ kinh nghiệm, các cơ hội mới do Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Kinh tế Samsung – Hàn Quốc tổ chức, ngày 30/9/2013.

Toàn cảnh Hội thảo/ Ảnh: Đức Trung

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam ông Dae Joo Jun, , PGS, TS. Bùi Tất Thắng- Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Viện trưởng kiêm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung TS. Chung, Ki – Young.

Từ “Kỳ tích sông Hàn”

Nếu như kinh tế Nhật Bản làm nên “sự thần kỳ Nhật Bản” đưa nền kinh tế bị kiệt quệ sau chiến tranh trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào đầu thập niên 1970 của thế kỷ trước, thì Hàn Quốc cũng làm nên “Kỳ tích sông Hàn”, trở thành một trong bốn “con rồng kinh tế châu Á” vào đầu thập niên 1990.

Những năm 1950 và đầu những năm 1960, Hàn Quốc là một trong các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, từ xuất phát điểm cực thấp sau chiến tranh, Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ về kinh tế để rồi dùng chính lĩnh vực này làm động lực phát triển toàn diện.

Hàn Quốc bắt đầu được thế giới nhắc đến khi quốc gia này tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 7,6%, liên tục trong 40 năm. Đến cuối năm 2011, xét về thu nhập bình quân, Hàn Quốc còn giàu hơn cả mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU). Thu nhập bình quân tại Hàn Quốc đạt 31.750 USD, trong khi đó con số này tại EU ở mức 31.550USD/người (tính theo ngang giá sức mua).

Cũng trong năm 2011, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc đạt mức 1.080 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới về xuất khẩu. Với sự thay đổi chóng mặt đó, Hàn Quốc là nước duy nhất vươn lên thành công từ nước chủ yếu nhận viện trợ nước ngoài sang nước giàu chỉ trong vài chục năm. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 13 trên thế giới. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đứng thứ 6 thế giới về dự trữ ngoại hối, và đứng thứ hai về ngành công nghiệp đóng tàu. Hai nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc là Samsung Electronics và Hynix chiếm gần 50% thị trường toàn cầu.

Chiến lược phát triển công nghiệp của Hàn Quốc bắt đầu từ thập niên 60. Chính phủ chuyển đổi chiến lược kinh tế từ chính sách sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu sang chiến lược sản xuất hàng hóa xuất khẩu: tận dụng tối đa nguồn lao động rẽ, duy trì lãi suất cao để khuyến khích người dân tiết kiệm tái đầu tư, đề ra Luật Khuyến khích tư bản nước ngoài.

Vào năm 1962, có tới 83% vốn nước ngoài trong nền công nghiệp Hàn Quốc. Do kế hoạch kinh tế hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu thị trường kinh tế thế giới, nên chỉ trong vòng không quá 10 năm, Hàn Quốc đã đạt được lượng xuất khẩu hàng hóa đủ để trả nợ nước ngoài.

Hơn thế nữa, do triển vọng thị trường thế giới, năm 1973 Chính phủ tuyên bố kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng. Bao gồm các máy móc kỹ thuật phức tạp, máy phát điện, máy móc hạng nặng, máy diesel, công nghệ đóng tàu, kỹ nghệ xe hơi. Kết quả là giai đoạn năm 1973-1996, tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,2%.

Chính vào thời điểm huy hoàng đó, kinh tế Hàn Quốc bị rơi vào vòng xoáy của của cuộc khủng hoảng châu Á những năm 1997-1998 phải nhờ sự trợ giúp của các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) với khoản vay 57 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khủng hoảng, Hang Quốc thực hiện một cuộc cải cách cơ cấu triệt để, giảm bớt vai trò của các tập đoàn kinh tế (Chaebol), phát triền đa dạng các thành phân kinh tế và quy mô doanh nghiệp, con rồng kinh tế châu Á này lại cất cánh.

Từ bệ phóng kinh tế, văn hóa Hàn Quốc nhanh chóng được quảng bá ra thế giới và thâm nhập vào nhiều nước một cách mạnh mẽ. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong top 10 nước xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới.

Ở lĩnh vực thể thao, Hàn Quốc là một cường quốc ở châu Á và có vị trí đáng kể trên thế giới. Đội tuyển quốc gia Hàn Quốc từng xếp hạng 4 tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá World Cup 2002. Tại Thế vận hội mùa hè 2012 ở London, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc thể thao đứng thứ 5 trên thế giới.

Năm 2012, Hàn Quốc đã chính thức là nước thứ 7 gia nhập vào trong "20-50 Club" (Câu lạc bộ 20-50) (Thu nhập quốc dân theo đầu người là 20.000 USD, dân số trên 50 triệu người) sau: Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý.

Liệu Việt Nam có làm nên “Kỳ tích sông Hồng”?

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho rằng, với sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Hàn Quốc là hình mẫu cho nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang xây dựng mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trải qua nhiều năm, quan hệ hai nước đã được nâng lên. Năm 2009, quan hệ giữa hai nước đã nâng lên tầm “đối tác hợp tác chiến lược”. Và gần đây nhất, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 7-11/9.

Về đầu tư, Hàn Quốc luôn là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong suốt 25 năm qua. Tính đến nay, Hàn Quốc đã có gần 3.400 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 25,7 tỷ USD, đứng thứ 4 trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh FDI, Hàn Quốc cũng là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho Việt Nam với khoảng 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi cam kết cho giai đoạn 2012-2015.

Về thương mại, kim ngạch hai chiều giữa 2 nước đã tăng từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên tới 20 tỷ USD năm 2012 (sớm hơn 3 năm so với mục tiêu) và hai nước cũng đã khởi động đàm phán FTA với các mục tiêu chính là tăng trưởng về chất, quy mô trong quan hệ thương mại và cân bằng cán cân xuất nhập khẩu giữa hai nước. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đứng thứ tư trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Dae Joo Jun cho biết, năm 2011 Hàn Quốc đã tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA, và chọn Việt Nam là 1 trong 26 nước thuộc Đối tác chiến lược hợp tác ODA với 3 trọng tâm là tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thành tựu gần 30 năm Đổi mới ở Việt Nam đã thực sự làm “thay da đổi thịt” đất nước, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Đất nước đang tiếp tục hành trình để trở thành một đất nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Mỗi người Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để tạo ra một “kỳ tích sông Hồng”. Thành tựu mà Việt Nam giành được trong thời gian qua có sự trợ giúp của các nước bạn bè và đối tác quốc tế. Kinh nghiệm của nước ngoài được áp dụng một cách sáng tạo và phù hợp tới tình hình đất nước. Kinh nghiệm mà Hàn Quốc chia sẻ với Việt Nam cũng giữ vai trò không kém phần quan trọng.

Ông Chung Ki - Young, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung cho rằng: Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện nhiều gói đầu tư, cải cách phát triển trên nhiều lĩnh vực. Những kinh nghiệm trong chính sách phát triển kinh tế của Hàn Quốc có thể trở thành bài học quý trong mắt xích phát triển của Việt Nam.

"Việt Nam có thể làm Kỳ tích sông Hồng với những phát triển mạnh mẽ hơn cả Kỳ tích sông Hàn” – ông Chung Ki - Yong khẳng định.

Tại Diễn đàn, PGS,TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, hội thảo này là một trong rất nhiều hội nghị chia sẻ kinh nghiệm giữa hai nước thời gian qua.

“Nhiều chuyên gia Hàn Quốc đã hỏi tôi là sao kinh nghiệm bên tôi chia sẻ không được ứng dụng? Sao Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong nền kinh tế thị trường? và rất nhiều câu hỏi khác. Tôi chỉ có thể trả lời rằng, nhìn bề ngoài Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều đặc điểm tương đồng, nhưng thực tế là những điểm chính yếu giữa hai nước hoàn toàn khác nhau”, ông Thắng chia sẻ.

Thế nhưng, “những bài học trong quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc cùng với các cơ hội trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, tìm kiếm nguồn lực phát triển 3 đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng), các chính sách cụ thể thực thi tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cần phát triển công nghiệp

Trên cơ sở thành công của Hàn Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh, với tầm nhìn dài hạn, Chính phủ nên đặt ra các kế hoạch phát triển vùng và tăng trưởng kinh tế, cũng như phát triển các ngành công nghiệp chiến lược; Nên thành lập các tổ chức quản lý đặc biệt.

Theo TS. Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), để Việt Nam có thể phát triển công nghiệp, Chính phủ cần xác định đúng lợi thế so sánh của công nghiệp trong quá trình hội nhập, từ đó tập trung phát triển những ngành có lợi thế để tạo sức cạnh tranh, thu hút ngoại tế cho công nghiệp hóa. Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, lựa chọn các ngành công nghiệp sử dụng ít vốn, thu hút nhiều lao động, sau đó tiến dần phát triển những ngành đòi hỏi vốn lớn, hàm lượng công nghệ cao.

Thứ nữa, cần đặt chiến lược phát triển công nghiệp ở trạng thái động để đổi mới phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước, lựa chọn các mô hình tổ chức quản lý công nghiệp phù hợp với từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn bước đi phù hợp khi thực hiện chiến lược công nghiệp hóa để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Không nhất thiết phải đi theo trình tự như các nước đi trước. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi quốc gia có thể lựa chọn cho mình một con đường riêng, dựa trên những nguyên tắc thị trường.

“Trong bối cảnh mới, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt nhằm rút ngắn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, TS. Giám khẳng định.

Phương Anh

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư