e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Việt Nam đạt 90 triệu dân: Mừng ít, lo nhiều

21:02 | 01/11/2013 Print
- Ngày hôm nay (1/11), Việt Nam “cán” mốc 90 triệu dân. Hiện tại, Việt Nam đang có được một cơ cấu dân số “vàng”, nhưng con số 90 triệu dân cũng sẽ tạo một áp lực lớn cho sự phát triển đất nước về mọi mặt, như: môi trường, kinh tế, xã hội…

Cơ cấu dân số vàng

Theo Tổng cục Thống kê, với việc đạt 90 triệu người vào 1/11/2013, dân số thành thị sẽ chiếm 32,3% và dân số nam là 49,5% tổng dân số. Theo đó, đến năm 2015, dân số trung bình sẽ vào khoảng dưới 91,5 triệu người. Như vậy chúng ta đã xuất sắc đạt mục tiêu đề ra với việc giảm được gần 1,5 triệu người sinh thêm.

Vùng có quy mô dân số lớn nhất nước là Đồng bằng sông Hồng, chiếm tỷ lệ 22,8% trong tổng số dân, trong đó diện tích đất chỉ có 6,9%. Tiếp đến là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 21,8%, diện tích đất chiếm lớn nhất với 29,0%. Tây Nguyên là vùng có số dân ít nhất với tỷ lệ 6,0%, nhưng diện tích đất chiếm 16,5%.

Dân số là bài toán tổng thể của phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, dân số là bài toán tổng thể, “bài toán mẹ” của tất cả các bài toán chi tiết, của tất cả “bài toán con”. Xét chung về nội dung dân số, đây là vấn đề chi phối toàn bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại của một đất nước.

Từ năm 1993, với việc thực hiện chính sách dân số của Nghị quyết TW 4 khóa 7, tỷ lệ phát triển dân số Việt Nam giảm nhiều và mức độ tăng quy mô dân số cũng được cải thiện rõ rệt, số năm dân số tăng gấp đôi là khoảng 50 năm. Đặc biệt hiện nay khoảng 70 năm dân số mới tăng gấp đôi, góp phần cải thiện tình hình phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê về biến động Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hiện tại Việt Nam đang có được một cơ cấu dân số “vàng” với ít nhất hai người trong độ tuổi lao động “nuôi” một người trong độ tuổi phụ thuộc. Giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 30 - 35 năm.

Trả lời phóng viên báo Gia đình và Xã hội mới đây, theo PGS, TS. Nguyễn Văn Thọ, Trường đại học Văn Hiến, cơ cấu dân số “vàng” là cơ hội lịch sử có một không hai, là điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, xã hội. Với lực lượng lao động dồi dào, trình độ ngày một nâng cao, Việt Nam đang dần trở thành một địa điểm lý tưởng thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đà cho sự phát triển kinh tế.

Song song với đó, các nhu cầu về y tế, giáo dục cũng được quan tâm hơn, biểu thị qua việc cải thiện sức khỏe, nâng cao tuổi thọ trung bình… Nếu năm 1960, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 40 tuổi - bằng mức một số nước châu Phi, nơi đang chịu tác động mạnh của dịch HIV/AIDS, thì vào năm 2012 tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã là 73 tuổi. “Đây có thể coi là một thành tựu rất đặc biệt của nước ta trong bối cảnh chiến tranh và nghèo khó kéo dài”, PGS.TS Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Thách thức với 90 triệu dân

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo các chuyên gia, dân số với 90 triệu người đã mang đến không ít khó khăn thách thức cho sự phát triển của nước ta.

Việc số lượng người trong độ tuổi lao động quá cao đã đặt ra một áp lực rất lớn trong vấn đề tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội…

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm, thành phố tuyển dụng khoảng 270.000 lao động, trong đó có khoảng 1/2 là chỗ làm mới, còn lại là lao động thay thế. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người đổ về TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội việc làm hàng năm lại lớn hơn gấp vài lần. Chính điều này đã tạo nên một sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động, khiến không ít người “dở khóc dở cười” khi không tìm được việc làm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu dân số tăng 1%, kinh tế phải tăng thêm 3% - 4% mới có thể đảm bảo được sự phát triển xã hội một cách liên tục và bền vững. Với dân số 90 triệu người, nước ta cũng đang phải đối mặt với một thách thức không nhỏ trong vấn đề an ninh, lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Dân số đông cũng tạo một áp lực khá lớn lên lĩnh vực y tế, giáo dục của nước ta.

Mặc dù đã có nhiều biện pháp để tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhưng so với các nước trên thế giới và khu vực, chúng ta mới chỉ ở mức trung bình thấp. Điều này một phần đến từ việc dân số quá đông, trong khi ngân sách chi cho các hoạt động này thì có hạn. Điều tương tự cũng đang xảy ra đối với ngành giáo dục, khi tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp vẫn là điều làm đau đầu nhiều cấp lãnh đạo.

Một vấn đề cần được quan tâm nữa là sự mất cân bằng giới tính giữa trẻ sơ sinh nam và nữ. Theo thống kê, hiện tỷ lệ sinh của nước ta hiện nay là 112,3 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh nữ./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư