Quy hoạch phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020

11:59 | 29/12/2014 Print
- Bắc Ninh sẽ phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề bền vững, có giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, thị trường tốt cả trong và ngoài nước, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất của Tỉnh.

Căn cứ Nghị quyết số 160/2014/NQ-HĐND 17 ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa 17 kỳ họp thứ 13 về việc thông qua dự án Quy hoạch phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Bắc Ninh sẽ phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề bền vững, có giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, thị trường tốt cả trong và ngoài nước, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất của Tỉnh.

Mục tiêu phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề

Mục tiêu tổng quát là Bắc Ninh sẽ phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề phù hợp với tình hình và yêu cầu mới, những tiềm năng mới xuất hiện của các làng nghề. Tỉnh sẽ căn cứ vào quy hoạch phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề đang được xây dựng trên địa bàn thị xã Từ Sơn, làm cơ sở cho hoạt động quản lý, lập các kế hoạch đầu tư phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề bền vững trên địa bàn các huyện khác chưa có mô hình xây dựng trong bối cảnh phát triển mới, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị...

Về quan điểm phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề:

- Tỉnh sẽ tiến hành rà soát, phân loại xử lý các khu thương mại dịch vụ làng nghề. Xây dựng các khu thương mại, dịch vụ làng nghề đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường hấp dẫn để phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm làng nghề theo xu hướng bền vững và phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất.

- Tranh thủ tận dụng triệt để các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động được để phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề.

- Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh và quy hoạch của các ngành; gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

- Trên cơ sở phát triển hài hòa giữa sản xuất với bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng địa phương, phát huy sự tham gia của cộng đồng gắn với sự hỗ trợ của Nhà nước, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn; có vai trò như là một điểm đột phá tăng trưởng và thúc đẩy đô thị hóa chủ động ở nông thôn, nhất là khu vực có làng nghề.

- Lựa chọn để phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, mang những nét văn hoá độc đáo riêng của địa phương và sử dụng nguồn lao động tại chỗ. Do đó phải phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề có giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, có thị trường tốt cả trong và ngoài nước... Bên cạnh đó, phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề kết hợp với du lịch thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận các khu du lịch, các tuyến du lịch được quy hoạch và xây dựng.

- Phải xuất phát từ nhu cầu của nhân dân trong khu vực làng nghề, có sự đồng thuận của nhân dân và trực tiếp ưu tiên nhân dân có đất thuộc diện chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng khu thương mại và dịch vụ làng nghề.

- Phát triển các khu thương mại và dịch vụ làng nghề đi đôi với quản lý theo đúng mục đích phạm vi quy hoạch đã xác định theo từng khu, ngăn chặn và xử lý mọi hành vi làm sai quy hoạch, mục đích sử dụng theo quy định của Nhà nước.

- Các công trình được xây dựng trong khu thương mại, dịch vụ làng nghề có chức năng chính là phục vụ các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ như là nơi vừa sản xuất vừa trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề… không sử dụng cho mục đích nhà ở.

Định hướng quy hoạch phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng

Các nguyên tắc quy hoạch chính

Quy hoạch các khu thương mại, dịch vụ làng nghề theo khu vực, địa bàn: Tiếp tục hỗ trợ phát triển các khu vực, địa phương đã có các khu dịch vụ làng nghề những năm qua; Quan tâm hỗ trợ các địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề; Quan tâm hỗ trợ các địa phương phát triển làng nghề mới; Phát triển theo khu vực chuyên canh theo chuỗi giá trị sản xuất trên địa bàn Tỉnh. Quy hoạch rõ không gian giành cho việc phát triển các vùng nguyên liệu, khu vực sản xuất, gia công tinh, vùng cung cấp các dịch vụ vận chuyển...

Quy hoạch các khu thương mại, dịch vụ làng nghề theo ngành nghề: Ưu tiên phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề sản xuất hàng mang tính thủ công, mỹ nghệ có thu nhập cao cho người lao động và các làng nghề sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Yêu cầu về quy hoạch phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề

Chỉ phát triển những khu thương mại dịch vụ làng nghề mới đáp ứng được các quan điểm, mục tiêu phát triển, đáp ứng được đầy đủ các chức năng quy hoạch theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và đúng các quy định của pháp luật như Luật đất đai năm 2013...

Phải được bố trí hợp lý trong mối quan hệ hạ tầng đồng bộ với các khu dân cư, khu sản xuất và đô thị khác, phù hợp với quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất;

Phục vụ cho các công ty, hợp tác xã, hộ gia đình của Tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới. Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Những đề xuất quy hoạch

Giai đoạn từ nay đến 2020: Rà soát, phân loại và xem xét khả năng triển khai thực hiện đối với các khu thương mại dịch vụ làng nghề đã xây dựng trên địa bàn thị xã Từ Sơn. Chỉ cho phép tiếp tục triển khai thực hiện đối với các khu thương mại dịch vụ làng nghề đáp ứng được các quan điểm, mục tiêu phát triển, đáp ứng được đầy đủ các chức năng quy hoạch cũng như yêu cầu về quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và đúng các quy định của pháp luật như Luật đất đai năm 2013... Nghiên cứu cho chuyển đổi một số cụm công nghiệp làng nghề hoạt động không còn phù hợp được chuyển đổi hình thức thành các khu thương mại dịch vụ làng nghề cho phù hợp với thực trạng hiện nay, hạn chế bổ sung thêm dự án mới để đảm bảo phù hợp với nhu cầu, thị trường và quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch sử dụng đất.

Đối với các khu thương mại dịch vụ làng nghề dự kiến quy hoạch phát triển mới. Các khu, cụm công nghiệp làng nghề đã có các làng nghề đang hoạt động sản xuất, quy hoạch phát triển thành khu thương mại dịch vụ làng nghề giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhưng phải bảo đảm các khu được quy hoạch mới đáp ứng được các quan điểm, mục tiêu phát triển, đáp ứng được đầy đủ các chức năng quy hoạch cũng như yêu cầu về quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và đúng các quy định của pháp luật như Luật đất đai năm 2013.

Các dự án quy hoạch giai đoạn 2020-2030: Quy hoạch thêm 16 khu trên địa bàn Tỉnh, các dự án trong giai đoạn này phải phù hợp và đưa vào quy hoạch sử dụng đất với tên gọi loại hình khu thương mại và dịch vụ làng nghề theo chủ trương của UBND tỉnh, cụ thể hóa trong quy hoạch đô thị trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã theo chương trình phát triển đô thị của Tỉnh đến năm 2030, bảo đảm các khu được quy hoạch mới này phải đáp ứng được các quan điểm, mục tiêu phát triển, đáp ứng được đầy đủ các chức năng quy hoạch cũng như yêu cầu về quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và đúng các quy định của pháp luật như Luật đất đai năm 2013...

Quản lý các khu thương mại, dịch vụ làng nghề

Vai trò của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan quản lý Nhà nước các khu thương mại và dịch vụ làng nghề. Tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của các khu thương mại, dịch vụ làng nghề và các dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu thương mại, dịch vụ làng nghề; Xây dựng cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến phát triển các khu thương mại dịch vụ làng nghề trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành; Phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, phân loại các khu thương mại dịch vụ làng nghề trên địa bàn Tỉnh trong việc thực hiện quy hoạch, các quy định, chính sách của nhà nước về phát triển khu thương mại, dịch vụ làng nghề, đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu thương mại, dịch vụ làng nghề; phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quy hoạch, xây dựng và thực hiện các quy định, chính sách phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề.

Vai trò của sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tham mưu trình Chủ tịch UBND Tỉnh cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND Tỉnh; Hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh trong các khu thương mại, dịch vụ làng nghề.

Vai trò của sở Xây dựng: Nghiên cứu trình UBND Tỉnh Quy định về quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật và đấu nối hạ tầng khu thương mại và dịch vụ làng nghề; Thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện theo quy hoạch, kiểm tra trật tự xây dựng, kiểm định chất lượng công trình và giải quyết sự cố các công trình xây dựng trong các khu thương mại, dịch vụ làng nghề theo quy định của pháp luật.

Vai trò của sở Tài nguyên và Môi trường: Là cơ quan đầu mối quản lý môi trường làng nghề trong các khu thương mại và dịch vụ làng nghề; Chủ trì, hướng dẫn UBND cấp huyện lập kế hoạch sử dụng đất trong các khu thương mại dịch vụ làng nghề; hướng dẫn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu thương mại dịch vụ làng nghề thực hiện đúng quy định, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất đã giao.

Vai trò của sở Công Thương: Quản lý các ngành, nghề đăng ký kinh doanh thương mại, dịch vụ; Rà soát quy hoạch điện lực đáp ứng yêu cầu phát triển khu thương mại dịch vụ làng nghề.

Vai trò của Cục thuế: Hướng dẫn chủ đầu tư các khu thương mại, dịch vụ làng nghề và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong các khu làm thủ tục để hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thu nộp thuế theo quy định.

Vai trò của UBND cấp huyện: Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn; thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tổ chức triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu thương mại, dịch vụ làng nghề theo quy hoạch; Xây dựng và ban hành quy chế quản lý cho khu thương mại, dịch vụ làng nghề bao gồm các nội dung: phạm vi ngành nghề của các nhà đầu tư thứ cấp theo quy hoạch có trong dự án; về quản lý kết nối hạ tầng, lưu trú, trách nhiệm của cấp xã, phường; trách nhiệm của chủ đầu tư; quy định các loại phí: duy tu, bảo trì, quản lý …; Tổ chức cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Vai trò của UBND cấp xã, phường, thị trấn: Hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... để nhanh chóng triển khai thực hiện xây dựng các khu thương mại dịch vụ làng nghề trên địa bàn; quản lý khu thương mại, dịch vụ làng nghề ở địa phương;

Trách nhiệm của chủ đầu tư: Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt; quản lý thực hiện quy hoạch, phạm vi ngành nghề kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp; Tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý nhà xưởng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ khác như duy tu, bảo dưỡng …thuộc phạm vi dự án; Quản lý vận hành và bảo đảm chất lượng các công trình không chuyển giao hoặc chưa chuyển giao cho chính quyền địa phương; Giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng của các chủ đầu tư thứ cấp (nếu có) phù hợp với quy hoạch chi tiết và tiến độ dự án đã được phê duyệt; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan cấp trên về các hoạt động của khu thương mại, dịch vụ làng nghề theo quy định.

Các giải pháp mang tính then chốt

Giải pháp về đất đai: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích đầu tư phát triển các khu thương mại dịch vụ làng nghề. Trong quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ quỹ đất cho các khu thương mại và dịch vụ làng nghề;

Giải pháp về kết cấu hạ tầng: Yêu cầu các chủ đầu tư dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng (đường giao thông đối ngoại, hạ tầng viễn thông, hạ tầng cấp điện, cấp, thoát nước....) kết nối với các khu vực xung quanh theo quy hoạch.

Huy động vốn đầu tư, tạo vốn thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tạo sức hút đầu tư cho các doanh nghiệp;

Giải pháp về khoa học kỹ thuật; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển các khu thương mại và dịch vụ làng nghề;

Giải pháp cung ứng nguyên liệu đầu vào của các khu thương mại, dịch vụ làng nghề: quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ở các địa phương trong Tỉnh để cung cấp cho các khu thương mại, dịch vụ làng nghề.

Phát triển các khu thương mại dịch vụ làng nghề kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Khi triển khai phát triển các khu thương mại dịch vụ làng nghề phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường; cần ưu tiên phát triển các khu thương mại dịch vụ làng nghề chuyên sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường; cần phải quy hoạch khu chất thải; Xây dựng quy chế bảo vệ môi trường làng nghề; Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá các khu thương mại dịch vụ làng nghề.

Quản lý ngành nghề, quy hoạch xây dựng. Rà soát và bổ sung, xây dựng mới các chính sách tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý Nhà nước về phát triển các khu thương mại, dịch vụ làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; tăng cường sự quan tâm và chỉ đạo của Tỉnh đối với phát triển tiểu thủ công nghiệp, thực hiện cải cách hành chính; Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm; Tập trung tổ chức, triển khai công tác quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo phát triển các khu thương mại dịch vụ làng nghề của Tỉnh là cơ sở quan trọng cho mọi cấp, ngành, doanh nghiệp định hướng phát triển và xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể hàng năm./.

PV

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư