Tại nhà máy trong Cụm Công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương, khuôn viên và quy trình sản xuất của An Phát Holdings đã tiệm cận tới các tiêu chí công nghiệp xanh |
BÀI 2: NHỮNG trái ngọt ĐẦU tiên TRÊN "HÀNH TRÌNH VẠN DẶM" |
Chuyến đi thực tế dành cho báo chí về chủ đề “Chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái” ngày 21/8 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã đưa chúng tôi tới thăm 3 KCN: An Phát (Hải Dương), Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) - những điển hình đã và đang tích cực chuyển đổi xanh, triển khai mô hình KCN sinh thái mạnh mẽ. Tại chuyến đi đó, bà Vương Thị Minh Hiếu, Vụ phó Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với chúng tôi rằng: Với sự hỗ trợ của nquốc tế, Việt Nam đã thực hiện thí điểm mô hình KCN sinh thái từ năm 2014 cho đến nay. Sau 10 năm triển khai, đến nay, mô hình KCN sinh thái cũng đã được nhân rộng tại một số địa phương và đạt những hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường.
|
tRỢ LỰC CÁC DOANH NGHIỆP sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả nguồn lực |
Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã thí điểm chuyển đổi một số KCN từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đã thực hiện Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam". Dự án kéo dài trong giai đoạn 2014-2019, thực hiện thí điểm tại 72 doanh nghiệp thuộc các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (tại Ninh Bình); KCN Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ). Là những người đầu tiên tham gia Dự án này, bà Hiếu tự hào chia sẻ, sau 5 năm thực hiện (2014-2019), Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực tế, giai đoạn đó, khái niệm KCN sinh thái tại Việt Nam còn khá lạ lấm. Nhưng, sau khi Dự án được thực hiện, các vấn đề nền tảng về lý thuyết mô hình KCN sinh thái đã được định hình và khẳng định. "Khái niệm, đặc điểm, lợi ích… của mô hình KCNST đã được phổ biến đến các bộ, ngành liên quan và các địa phương, các KCN thí điểm, doanh nghiệp tham gia dự án", bà Hiếu cho biết. Cùng với đó, thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Dự án, mô hình KCN sinh thái đã lần đầu tiên được thể chế hóa tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, đặt nền móng pháp lý cho việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN sinh thái, thực hiện các hoạt động liên quan và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Việc triển khai mô hình KCN sinh thái đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh đó, 72 doanh nghiệp tại 4 KCN thí điểm tham gia trực tiếp vào các hoạt động của dự án và hưởng lợi từ các kết quả hết sức cụ thể, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Dự án đã tư vấn hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch cho các doanh nghiệp. Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp đã tiết kiệm tổng thể được hơn 76 tỷ đồng/năm, tương đương hơn 3 triệu USD/năm do cắt giảm lượng tiêu thụ tài nguyên và vật liệu. Cụ thể là giảm tiêu thụ hơn 22.000 Mwh điện, giảm 600.000 m3 nước sạch, giảm hơn 140TJ (Têrerun) nhiên liệu hóa thạch và giảm gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Về mặt môi trường, các cắt giảm này giúp giảm được 32kt (ki-lô-tấn) khí CO2 hằng năm.
|
Đoàn thực tế dành cho báo chí về chủ đề “Chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái” chụp ảnh lưu niệm tại KCN Nam Cầu Kiền |
Thông qua các hoạt động tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ của dự án, các doanh nghiệp trong KCN đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ thuật để thực hiện cải tiến quy trình sản xuất. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đóng góp vào dự án hơn 207 tỷ đồng, đầu tư thực hiện các giải pháp. Qua đó cho thấy, việc triển khai thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái có thể huy động được nguồn lực to lớn từ khu vực kinh tế tư nhân nếu được triển khai đúng. Trên cơ sở những kết quả đáng mừng đấy, trong giai đoạn 2020-2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO triển khai thực hiện Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEIPP)”. Mục tiêu tổng thể của Dự án là nhằm cải thiện hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội của các ngành công nghiệp tại Việt Nam thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận KCN sinh thái tại các KCN thí điểm được lựa chọn và tăng vai trò của KCN sinh thái trong các chính sách môi trường, công nghiệp và các ngành khác có liên quan ở cấp quốc gia. Tính đến hết tháng 5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 04 KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng) và Hoà Khánh (Đà Nẵng), trong đó 429 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện cũng đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 03 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn. Nhóm kỹ thuật dự án GEIPP đã tiến hành đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch (RECP) cho 19 doanh nghiệp/nhà máy tại Deep C và 18 doanh nghiệp/nhà máy tại KCN Amata, 31 doanh nghiệp/nhà máy tại KCN Hiệp Phước và 20 doanh nghiệp/nhà máy tại Hòa Khánh. Kết quả cho thấy, đã có tổng cộng 603 cơ hội RECP liên quan đến tiết kiệm điện, nhiên liệu hóa thạch và nước; Đã triển khai 217 cơ hội RECP (34,3%), dự kiến triển khai 138 cơ hội RECP (22,8%), 248 cơ hội RECP chưa triển khai. Các doanh nghiệp đã tiết kiệm tài chính 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD/năm từ các giải pháp RECP đã triển khai và dự kiến triển khai, với tổng mức tiết kiệm tiềm năng là 230,4 tỷ đồng/năm tương đương 9,6 triệu USD/năm. Đánh giá chung, các doanh nghiệp được đánh giá đã giảm mức tiêu thụ điện 10.553 MWh/năm bao gồm cả các cơ hội sử dụng năng lượng tái tạo, tổng tiềm năng tiết kiệm là 103.854 MWh/năm; Tiết kiệm được 9738 GJ/năm trong tổng mức tiết kiệm tiềm năng là 116.288 GJ/năm; Giảm lượng nước tiêu thụ 269.360 m3/năm trong tổng tiềm năng 615.958 m3/năm; Giảm phát thải khí nhà kính 8.910 tấn trong tổng tiềm năng là 91.659 tấn CO2 eq/năm. |
Vườn ươm cây xanh được tưới tiêu từ nguồn nước của nhà máy xử lý nước thải chuẩn ISO 9001&14001, cung cấp cây xanh cho toàn KCN DEEP C. |
Riêng tại KCN Deep C, đã có tổng cộng 139 cơ hội RECP liên quan đến tiết kiệm điện, nhiên liệu hóa thạch và nước. KCN đã triển khai 53 cơ hội RECP (38%), dự kiến triển khai 33 cơ hội RECP (29,2%), 53 cơ hội RECP chưa triển khai. KCN đã tiết kiệm tài chính 19,3 tỷ đồng/năm tương đương 803 nghìn USD/năm từ các giải pháp RECP đã triển khai và dự kiến thực hiện, với tổng mức tiết kiệm tiềm năng là 61,5 tỷ đồng/năm tương đương 2,56 triệu USD/năm; Giảm mức tiêu thụ điện 1.828 MWh/năm bao gồm cả các cơ hội về năng lượng tái tạo, với tổng tiềm năng tiết kiệm là 27.950 MWh/năm; Tiết kiệm 5.554 GJ/năm trong tổng tiềm năng 105.193 GJ/năm; Giảm lượng nước tiêu thụ 90.323 m3/năm trong tổng tiềm năng 122.298 m3/năm; Giảm phát thải khí nhà kính 1.502 tấn trong tổng tiềm năng 28.327 tấn CO2 tương đương/năm. Năm 2020, KCN Deep C đạt 47% so với yêu cầu của khung quốc tế về KCN sinh thái. Với sự hỗ trợ của Dự án mức độ phát triển của KCN đến cuối năm 2023 KCN Deep C đã đạt được 83% so với yêu cầu của khung quốc tế về KCN sinh thái và tiềm năng có thể đạt được đến 100% trong những năm tiếp theo. |
giải pháp “bứt phá” để Việt Nam tiếp cận với nguồn vốn FDI xanh và kinh tế thế giới |
Bà Vương Thị Minh Hiếu cho biết, trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045, mô hình KCN sinh thái là xu hướng tất yếu cho công cuộc phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, mô hình này phát triển sẽ là giải pháp “bứt phá” để Việt Nam tiến gần hơn với các nguồn vốn FDI và kinh tế thế giới. Thăm quan mô hình nhà máy của An Phát Holdings tại Cụm công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương, chứng kiến quy trình sản xuất đảm bảo các tiêu chí an toàn, môi trường, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị phát triển theo hướng bền vững mang lại. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, là một trong những Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, với nhiều Công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nhựa, An Phát Holdings đã khẳng định được thương hiệu, uy tín và vị trí của mình để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, như: Châu Âu, Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả Rập, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines… Cùng với xu thế phát triển xanh và bền vững đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, An Phát Holdings cũng coi phát triển xanh là kim chỉ nam trong kế hoạch phát triển trung, dài hạn. Theo đó, đơn vị này đã tập trung vào sản xuất các sản phẩm và nguyên vật liệu nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, các bao bì màng mỏng thân thiện môi trường, bao bì nhựa sinh học phân hủy, các sản phẩm nhựa… Năm 2018, Tập đoàn An Phát Holdings đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang mảng bất động sản công nghiệp. Hiện tại, Tập đoàn có 02 dự án đang được triển khai là KCN An Phát Complex và An Phát 1 (Hải Dương). Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra chiến lược phát triển rõ ràng, đó là đưa các KCN trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu và tiên phong ở Hải Dương áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường– Xã hội– Quản trị doanh nghiệp) trong quản lý và phát triển KCN, đóng góp thiết thực vào quá trình hiện thực hóa cam kết “net Zero” của Chính phủ đưa phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Khi đi vào khai thác thương mại, An Phát Complex và An Phát 1 khuyến khích các doanh nghiệp đối tác của mình đi theo lộ trình sản xuất xanh và bền vững. Đặc biệt, ưu tiên các khách hàng thuộc các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, không gây ô nhiễm môi trường. Quyết định đúng đắn này không chỉ đóng góp vào quá trình hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về "0" mà còn giúp các KCN của An Phát Holdings thu hút vốn đầu tư FDI "xanh". |
Chuyến đi thực tế dành cho báo chí ngày 21/8 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến thăm KCN Deep-C (Hải Phòng) |
Kiên trì theo đuổi mô hình KCN sinh thái ngay từ đầu, đó là KCN DEEP C. Ngoài việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ và chất lượng cao, DEEP C là một trong những đơn vị tiên phong sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời trong quản lý và vận hành KCN và triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành nhấn mạnh, Tổ hợp KCN Deep C là hệ thống các KCN và cảng biển do nhà đầu tư Bỉ phát triển và vận hành tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, khu vực phát triển năng động nhất của miền Bắc Việt Nam. Tổ hợp KCN DEEP C là đơn vị kinh doanh, quản lý hạ tầng KCN theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ và chất lượng cao, DEEP C là một trong những đơn vị tiên phong sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời trong quản lý và vận hành KCN và triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển bền vững. Tại KCN DEEP C, kho xưởng được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh, phát triển hệ thống xử lý nước, rác thải để giảm gánh nặng cho môi trường, nhà ở cho công nhân, sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn. KCN DEEP C cũng là đơn vị tiên phong xây dựng mô hình KCN sinh thái với những tiêu chuẩn về bền vững nghiêm ngặt. Trải lòng về sự phát triển của DEEP C, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành cho biết: "Tôi bắt đầu đến Việt Nam từ cách đây 6 năm, trong đó có 2 năm Covid không ai đi lại được để đến đây đầu tư, nhưng trong vòng 6 năm qua chúng tôi đã đạt tốc độ tăng trưởng gấp 5 lần". Lý do giúp KCN thu hút đầu tư lớn như vậy, theo ông Bruno, "không nhờ giá cho thuê đất rẻ, mà vì chúng tôi theo định hướng xanh nhất và bền vững nhất". |
Trụ điện gió được thiết kế thành biểu tượng của tổ hợp khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng |
Xu hướng là các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu năm nay đều phải theo một chuẩn báo cáo ESG mới. Họ không có sự lựa chọn mà buộc phải thực hiện theo, ngay cả việc họ mua các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, thì cũng phải chứng minh được rằng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm đơn vị sản xuất có quan tâm đến con người, có nội địa hóa nguyên liệu đầu vào... "Hiện nay, Việt Nam chưa sẵn sàng để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Nhưng khi các nhà đầu tư đến với DEEP C, có rất nhiều phần công việc chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho họ rồi nên họ hoàn toàn có thể đưa các nội dung đó vào báo cáo. Chúng tôi đã triển khai các sáng kiến phát triển bền vững, và các nhà đầu tư chỉ việc tập trung vào công việc sản xuất, họ có thể xem xét tham gia vào các sáng kiến của chúng tôi như đăng ký tham gia chương trình DEEP C Care, hoặc tham gia một phần vào dự án DEEP C Farm, hoặc tham gia vào chuỗi hoạt động tái chế, tái xử lý chất thải của DEEP C. Họ chỉ cần như vậy là đủ để đưa vào báo cáo ESG của mình", ông Bruno Jaspaert chia sẻ. |
Lan tỏa VÀ TRUYỀN CẢM HỨNG Về phát triển bền vững |
"Việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế thời gian qua có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam, điển hình như KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) của Công ty Cổ phần Shinec", bà Vương Thị Minh Hiếu đã chia sẻ điều này khi giới thiệu như vậy khi đến KCN Nam Cầu Kiền. Công ty Cổ phần Shinec được thành lập năm 2001. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Shinec là doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng mô hình KCN sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đến nay, Shinec đã hiện diện tại Việt Nam qua dự án KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. Đây là KCN sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên ở Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ đầu tư, một sự kết hợp hài hòa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec (chủ đầu tư của KCN Nam Cầu Kiền) rất vui và tự hào khi giới thiệu những thành quả mà Nam Cầu Kiền có được hôm nay và nhấn mạnh: “Nam Cầu Kiền không chỉ tạo mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp mà tạo giá trị cho người dân địa phương. Đây sẽ là KCN sinh thái đầu tiên do người Việt Nam đầu tư”. Niềm tự hào của KCN Nam Cầu Kiền có lẽ là công trình Nhà máy xử lý nước thải, công nghệ xử lý vi sinh với công suất 2000 m3/ngày đêm trong khuôn viên KCN thiết kế theo mô hình vườn Nhật rộng 30.000 m2 trong khuôn viên Nam Cầu Kiền- là khu vườn Nhật lớn nhất Việt Nam, được chứng nhận bởi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Tại đây, 25% lượng nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, cũng như tiết kiệm 600 triệu đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch. 100% nhu cầu xử lý chất thải của các nhà đầu tư được đáp ứng theo mô hình. Điều đáng mừng là chuỗi cộng sinh tuần hoàn; 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp (thép, nhựa và phụ trợ điện tử) đã được tạo lập thành công; Sản lượng điện trung bình khai thác từ dự án điện mặt trời áp mái (dự án thí điểm tại văn phòng công ty) trong 1 năm là 81,4 Kwh. "65% hệ sinh thái trong KCN được phục hồi sau khi khi mô hình KCN sinh thái được áp dụng triệt để tại Nam Cầu Kiền", ông Điệp chia sẻ thành quả. Toàn KCN đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng hàng năm về số lượng việc làm mới là 35%. 8.000 lao động đươc tạo việc làm. Shinec đã đầu tư máy tự phân hủy rác thải hữu cơ của Nhật Bản về để xử lý rác thải tại tư KCN Nam Cầu Kiền. Mục tiêu của Shinec là phấn đấu đến hết năm 2024 đạt ‘”zero rác thải” ở khu KCN, rác thải sẽ được xử lý 100%. |
Khu xử lý nước thải của KCN Nam Cầu Kiền chụp từ trên cao |
Vượt qua hình ảnh một KCN thông thường hiện có tại Việt Nam, KCN Nam Cầu Kiền dựa trên các tiêu chỉ về KCN sinh thái đã xây dựng được khái niệm đầu tiên về kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp ở Việt Nam và đề xuất Bộ tiêu chí kinh tế tuần hoàn có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước. Điều đáng lưu ý là, KCN Nam Cầu Kiên không nằm trong nhóm thí điểm chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái, vì vậy, đồng nghĩa với việc không có sự hỗ trợ từ các nguồn lực Nhà nước trong vấn đề tài chính, kỹ thuật, cũng như đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí của khu công nghiệp sinh thái. "Cũng chính vì thế, Nam Cầu Kiền có tính khả thi để tạo ra mô hình điểm giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư học hỏi, nếu họ cũng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Việc lựa chọn khảo sát tại một khu công nghiệp tự lực, tự cường, tự vận động các điều kiện hợp tác, đầu tư, học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt từ Nhật Bản, đã xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái và đạt kết quả thành công, sẽ giúp khơi dậy ý chí tổ chức, phát triển kinh tế tuần hoàn đối với đại đa số khu công nghiệp trong cả nước.” GS. TS. NGND Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá. |
“Chúng tôi chung tay xây dựng thành công KCN sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó, tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh đem niềm hạnh phúc đến cho mọi người”, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec chia sẻ. Ông Điệp khẳng định: "Chúng tôi lấy từ đất thứ gì, chúng tôi trả lại đất thứ đó. Không chỉ truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong KCN, chúng tôi muốn mang mô hình này đi đầu tư ở các tỉnh khác". |
Phương Anh Ảnh: MPI/An Phát Holdings/ Nam Cầu Kiền/Deep C |