Cụ thể, tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP, ngày 23/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán.

Hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ bị phạt tới 700 triệu đồng (Ảnh minh họa: KT)

Theo đó, Nghị định này bổ sung quy định phạt tiền từ 400-700 triệu đồng đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổ chức có hành vi vi phạm quy định nêu trên phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặc cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Thời hạn thu hồi chứng khoán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Nghị định bổ sung quy định phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi không công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận tại Đại hội đồng cổ đông hoặc không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận, trừ trường hợp chào bán cổ phiếu để hoán đổi các khoản nợ hoặc hoán đổi cổ phần, phần vốn góp.

Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện mở tài khoản phong tỏa tại ngân hàng thương mại; không chuyển số tiền thu được từ đợt chào bán vào tài khoản phong tỏa; giải tỏa hoặc sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán. Dự kiện, Nghị định có hiệu lực từ 15/12/2016.

Thực tế, nhiều hành vi thao túng giá chứng khoán của nhà đầu tư bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt từ đầu năm tới nay. Ước tính trong Chín tháng đầu năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 92 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với 50 tổ chức và 42 cá nhân, với tổng số tiền phạt 9,6 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10/2016, ủy ban đã ban hành hơn 10 quyết định.

Đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, Ủy ban phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an từ cấp thấp đến cấp cao nhất để xác định sai phạm. Chính vì vậy, luôn có một khoảng trễ nhất định trong xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán./.