Đây là động thái hồi đáp mang tính đồng thuận rất đáng chú ý từ cơ quan quản lý nhà nước sau hành trình dài và vô cùng gian nan của các doanh nghiệp và hiệp hội, nhiều lần khẩn thiết kiến nghị tạm dừng quy định này.

Kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm theo lộ trình

Trong báo cáo gửi tới Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông Vận tải nêu chi tiết các nội dung liên quan đến kiến nghị của một số Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải một số địa phương đối với quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chưa xử lý vi phạm đối với quy định về lắp đặt camera
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa chính thức đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Cụ thể, đề xuất phương án triển khai thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải (theo quy định của Nghị định 10), Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện theo lộ trình.

Theo lộ trình này, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Bắt đầu từ ngày 01/01/2022, sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.

Chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách 9 chỗ trở lên từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Bắt đầu từ ngày 01/7/2022 sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định đối với đối tượng này.

Còn khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chưa xử lý vi phạm đối với quy định về lắp đặt camera
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM

Hoãn 3-6 tháng không có tác động nhiều đến DN, dịch chưa qua hoặc vừa xong thì doanh nghiệp chưa kịp phục hồi tính toán làm gì được. Do đó nên hoãn ít nhất 1 năm. Theo tôi được biết thì Chính phủ Australia cũng đã hoãn đến 7/2023 cho kế hoạch lắp đặt tương tự.

hiện

Báo cáo về công tác triển khai thực hiện quy định Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 10) và khó khăn vướng mắc phát sinh, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, triển khai quy định tại Nghị định 10, Bộ này đã xây dựng, ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12 (Thông tư 02); đồng thời phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Đến nay sau hơn một năm thực hiện, Bộ này dẫn đánh giá của các sở giao thông vận tải cho rằng cơ bản các quy định của Nghị định 10, Thông tư 12, Thông tư 02 đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải phù hợp với cuộc các mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, năng lực vận chuyển lưu thông hàng hóa và góp phần nâng cao trật tự vận tải, trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh các khó khăn vướng mắc. Cụ thể, theo Bộ này, một trong các nội dung quy định tại Nghị định 10 đó là “xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông” và thời hạn thực hiện phải hoàn thành xong trước ngày 1/7/2021.

Triển khai thực hiện quy định này từ 1/4/2020 đến nay, các đơn vị vận tải đã và đang lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, theo báo cáo của các Sở Giao thông vận tải, việc thực hiện quy định này cho đến nay gặp nhiều khó khăn dẫn đến không đảm bảo tiến độ xong trước ngày 1/7/2021 như quy định của Nghị định 10.

Thời gian qua, một số sở giao thông vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đề nghị cho phép lui thời hạn lắp đặt camera, hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Covid-19 làm chậm tiến độ thực thi của doanh nghiệp

Theo nhận định của Bộ Giao thông Vận tải, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng này, trong đó nguyên nhân khách quan là lý do chính. Theo đó, ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 dẫn đến các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có khi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch, số lượng khách đi giảm sút. Điều này dẫn đến doanh thu vận tải bị giảm sút, sản lượng vận tải giảm sút nghiêm trọng.

Cũng do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), trong tháng 5/2021, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại một số địa phương phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4/2021; các địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có các tuyến vận tải khách cố định đi, đến các địa phương này.

Đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hoá ít bị ảnh hưởng hơn và vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021. Do đó, một số địa phương, khu vực có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội phương tiện vận tải hành khách phải dừng 3 hoạt động, điều này ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt camera của chính các đơn vị vận tải và đơn vị lắp đặt camera khi thực hiện quy định.

Thứ hai, nguyên nhân chủ quan là do một số đơn vị kinh doanh vận tải còn e ngại và chưa muốn lắp camera, tâm lý lo sợ sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các hình ảnh vi phạm được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trước tình hình này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép trong thời gian tới, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo đề nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, bởi thời gian qua các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 nên việc triển khai lắp đặt camera trên phương tiện của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được tiến độ phải hoàn thành xong trước 1/07/2021.

Nên hoãn 1 năm cho doanh nghiệp đưa vào kế hoạch

Bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, đây là kiến nghị rất hợp lý, phù hợp với chủ trương của Chính phủ là cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Hiếu, hiện các hoạt động kinh doanh vận tải đều bị tác động mạnh từ dịch Covid-19, gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, do đó việc tạm thời dừng lắp đặt, hỗ trợ về chi phí cho DN trong bối cảnh này cần được thực thi ngay.

“Bây giờ nếu bắt buộc lắp camera thì các doanh nghiệp vốn đã khó khăn về tài chính sẽ càng lâm vào tình cảnh kiệt quệ hơn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp tại một số địa phương đã phải dừng hoạt động kinh doanh vận tải để phòng chống dịch, do đó dù có lắp ngay bây giờ thì cũng chẳng để làm gì, không đạt được mục tiêu quản lý nào trong bối cảnh này”, ông Hiếu phân tích.

Mặt khác, ông Hiếu cũng lưu ý rằng, nếu đã đề xuất hoãn lắp đặt camera thì nên có thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi và tính toán đưa vào trong kế hoạch kinh doanh thì mới mang tính khả thi, còn nếu chỉ lùi thời hạn 3-6 tháng thì chỉ thành biện pháp ngắn hạn tạm thời, không giải quyết được gì. “3-6 tháng thì biện pháp này không có tác động nhiều đến DN, dịch chưa qua hoặc vừa xong thì doanh nghiệp chưa kịp phục hồi tính toán làm gì được. Do đó nên hoãn ít nhất 1 năm, theo tôi được biết thì Chính phủ Australia cũng đã hoãn đến 7/2023 cho kế hoạch lắp đặt tương tự”, ông Hiếu dẫn chứng.

Cũng theo Phó Viện trưởng CIEM, nhìn tổng thể, đây là thời điểm tốt nhất để Chính phủ cũng như các cơ quan bộ ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp cải cách môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát gỡ bỏ các quy định làm gia tăng các chi phí không hợp lý, làm gia tăng rào cản để tạo dư địa và động lực cho doanh nghiệp có nền tảng môi trường thuận lợi có thể phục hồi và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh chấm dứt. “Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động do dịch, chính việc cải cách thành công trong bối cảnh sản xuất kinh doanh đình trệ này sẽ là cơ hội tốt nhất để cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.