Từng bước làm rõ khái niệm về AI

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, để thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, những vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, cơ sở dữ liệu cần xây dựng đồng bộ với hạ tầng tính toán, các máy tính có khả năng tính toán lớn cũng như đào tạo các kỹ thuật viên, để có thể xử lý các bài toán dữ liệu lớn. Đồng thời, cần triển khai từng bước cụ thể, từ làm rõ các khái niệm đến cách thức tính toán lớn của Việt Nam, cũng như chia sẻ những hạ tầng tính toán một cách hợp lý, hiệu quả nhất.

Bộ KH&CN tổ chức chuỗi tọa đàm về trí tuệ nhân tạo
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, chuỗi tọa đàm bàn giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam (nguồn most.gov.vn)

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được quan tâm trên toàn thế giới, là một vấn đề có thể thay đổi sự phát triển kinh tế xã hội của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh AI có sự phát triển vượt bậc, và trở thành một trong những công nghệ then chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ khâu số hóa dữ liệu, quy trình nghiệp vụ đến chuyển đổi mô hình hoạt động tại Việt Nam. Tại Việt Nam, chuỗi tọa đàm về AI do Bộ KH&CN chủ trì tổ chức, nhằm bàn giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam.

Tọa đàm đầu tiên được tổ chức ngày 5/7/2021 có sự tham gia của đại diện đến từ viện nghiên cứu, trường đại học, đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, chuyên gia Australia cùng một số diễn giả là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dữ liệu AI đến từ TP. HCM, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số doanh nghiệp. Các chuyên đề tiếp theo về trí tuệ nhân tạo AI là “Đào tạo nhân lực AI”; “Nghiên cứu phát triển”; “Ứng dụng AI”; và “Xây dựng cộng đồng AI”, sẽ được Bộ KH&CN tiếp tục tổ chức trong thời gian tới.

Khát vọng TOP 4 ASEAN và xây 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực

Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Bộ KH&CN tổ chức chuỗi tọa đàm về trí tuệ nhân tạo
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, hình thành 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về trí tuệ nhân tạo

Cụ thể hơn, Thủ tướng đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; phấn đấu Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực; phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đến năm 2030, Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về trí tuệ nhân tạo; có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về trí tuệ nhân tạo dẫn đầu trong khu vực ASEAN…

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các định hướng xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo; phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nhà nghiên cứu Hồ Mạnh Tùng, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội liên ngành, Đại học Phenikaa, Hà Nội, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Trần Đức Hưng Long, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific University, Beppu, Oita Nhật Bản vừa có bài bình luận về cuốn sách “Affect and Artificial Intelligence” của GS. Elizabeth A. Wilson, Đại học Emory, Mỹ. Hai tác giả đánh giá, cuốn sách còn một số thiếu sót, nhưng xứng đáng nhận được sự quan tâm của các độc giả ngành khoa học máy tính và cả các học giả của ngành khoa học nhân văn, những người muốn nghiên cứu cách mà cảm xúc đã tác động đến công việc của những nhà lý thuyết và kỹ sư AI tiên phong như thế nào.

Trước đó, 2 tác giả trên cũng có bài viết "Năm điều rút ra từ cuốn sách “Trí tuệ nhân tạo: Hướng dẫn về tư duy con người”". Các tác giả cho rằng, nếu thế giới có thêm những bài báo, những quyển sách như “Artificial Intelligence: A guide for to thinking humans”, cuộc trò chuyện về AI sẽ trở nên thu hút và minh bạch.

Khi đứa trẻ chơi cờ vua: Cảm xúc của trí tuệ nhân tạo Khi đứa trẻ chơi cờ vua: Cảm xúc của trí tuệ nhân tạo
Năm điều rút ra từ cuốn sách “Trí tuệ nhân tạo: Hướng dẫn về tư duy con người” Năm điều rút ra từ cuốn sách “Trí tuệ nhân tạo: Hướng dẫn về tư duy con người”
Google phối hợp NIC hỗ trợ đào tạo nhân lực AI, Machine Learning tại Việt Nam Google phối hợp NIC hỗ trợ đào tạo nhân lực AI, Machine Learning tại Việt Nam