Đó là thông tin được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông báo tại buổi họp báo sáng 10/8.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Rất cởi mở với báo chí, Bộ trưởng chia sẻ quan điểm của mình về cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4 và vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.

Bộ trưởng nói, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi mạnh mẽ thế giới ngày nay từ phương thức sản xuất, cung ứng dịch vụ, sản xuất kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp và thậm chí thay đổi con người chúng ta. Đây là động lực mới cho cải cách phát triển, mang tính đột phá, là cơ hội vàng để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên về phát triển công nghệ và kinh tế.

Thực tế, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền khoa học công nghệ thế giới, việc tiếp cận và tận dụng những thành quả khoa học, công nghệ là yêu cầu thiết yếu của mỗi nền kinh tế để không bị bỏ lại phía sau.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội lớn, nếu không nắm bắt được sẽ tiếp tục bị tụt hậu; tranh thủ cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng; là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại hóa trong thời gian sớm nhất và Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Vì thế, ngày 08/4/2018, tại Nghị quyết số 23/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề án đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng các chiến lược về CMCN 4.0 chính là việc tận dụng nguồn nhân lực người Việt chất lượng cao trong và ngoài nước để tham gia ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ chiến lược.

Ngày 27/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai 3 nội dung cụ thể liên quan đến Chiến lược quốc gia về 4.0. Đó là: (i) Xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 và dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2018; (ii) Xây dựng Đề án thành lập “Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia”, dự kiến báo cáo TTCP vào tháng 10/2018 và phấn đấu khởi công xây dựng Trung tâm vào cuối năm 2018; (iii) Xây dựng mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược Quốc gia về 4.0

Chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn muốn tận dụng mọi cơ hội của quá trình phát triển để Việt Nam có thể tiếp cận và tận dụng tối đa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

“Cũng vì lý do này, việc tập hợp, quy tụ người Việt tài năng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ để phục vụ, đóng góp cho đất nước luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai trong điều kiện và khả năng thích ứng công nghệ của Việt Nam còn hạn chế”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.

Với lý do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng một số địa phương, tổ chức “Chương trình kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam”.

Cuộc họp báo có sự tham dự của đông đảo báo giới/ Ảnh: PTTT

“Chương trình là sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển. Chương trình sẽ khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, để cùng đồng hành và tiến xa trong một kỷ nguyên kỹ thuật số đầy mới mẻ và hứa hẹn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chương trình năm nay sẽ diễn ra trong vòng 7 ngày, từ ngày 18-24/8/2018 với chủ đề (slogan) “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam”, bao gồm một chuỗi các hoạt động tại các địa phương là Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh, tập trung vào nhiều hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực như: Gặp gỡ các Lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và Chính phủ; Gặp gỡ các Bộ, ngành, địa phương; Gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp, trí thức làm khoa học công nghệ tại Việt Nam; Trao đổi và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; làm việc tại các khu công nghệ cao tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ...

Nòng cốt tham gia Chương trình là 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài được mời tham dự. Họ là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics ...

Họ có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things …). Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động; được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.

“Chúng ta có 4 triệu người Việt ở nước ngoài, trong số đó có 400.00 người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Họ rất muốn được nghe nhu cầu trong nước cần gì, họ làm được gì, giao nhiệm vụ cho họ, cách thức tương tác, trao đổi như thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói./.

Mục tiêu của Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam:

(1). Chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới;

(2). Thu hút sự quan tâm, đóng góp của giới trí thức người Việt ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác trong những ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ hàng đầu để tham gia trực tiếp, ngay từ đầu vào việc triển khai các chiến lược phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam thời gian tới;

(3). Tạo dựng mạng lưới và hệ sinh thái kết nối các giá trị tri thức nhân loại; tạo cơ chế cộng tác, làm việc linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo theo khả năng cam kết của mỗi cá nhân để phát triển khoa học, công nghệ tại Việt Nam.