Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chuyển đổi số chính là hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ số

3 cấp độ của chuyển đổi số

Ba cấp độ của chuyển đổi số gồm: số hóa (chuyển dữ liệu Analog sang dạng số); ứng dụng công nghệ số (quá trình ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để đơn giản hóa, tối ưu hóa, tăng hiệu quả của các hoạt động, chưa thay đổi thực sự mô hình kinh doanh, hoặc tạo ra doanh nghiệp mới); chuyển đổi số (quy trình, cách thức hoạt động mới; sản phẩm, dịch vụ mới; mô hình kinh doanh mới; loại hình doanh nghiệp mới).

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn ví dụ từ Netflix. Công ty này trải qua cả 3 cấp độ chuyển đổi số. Đầu tiên là số hóa, sử dụng camera số, cho người dùng thuê, mua đĩa CD, DVD tại các cửa hàng. Ở cấp độ 2 - ứng dụng công nghệ số, cho phép khách hàng đặt hàng qua email, có phần mềm để người dùng lựa chọn, đăng ký thuê đĩa DVD (mô hình chờ khách hàng tìm đến). Ở cấp độ 3 - chuyển đổi số, là mô hình kinh doanh mới, cho thuê video trực tiếp, cung cấp thư viện nội dung, phục vụ trên các thiết bị cá nhân khác nhau kết hợp với gợi ý nội dung cho người dùng dựa trên sở thích, đánh giá.

Với chính phủ điện tử, ở cấp độ 1, văn bản ở dạng file doc/pdf, số hóa các số liệu thống kê, văn bản, tài liệu, sử dụng chữ ký số. Ở cấp độ 2 có trục liên thông văn bản, eCabinet, điều hành điện tử. Ở cấp độ 3, sẽ xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp giảm các cơ quan/tổ chức trung gian dựa trên AI, Robots. Các dịch vụ do Chính phủ cung cấp để giải quyết vấn đề an sinh của người dân được tùy biến theo nhu cầu.

Như vậy, chuyển đổi số nội hàm cốt lõi là ứng dụng công nghệ số. Theo cách phân chia trên, hiện tại ở Việt Nam chủ yếu là mức số hóa và ứng dụng công nghệ số (tin học hóa). Việc thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số có nghĩa là thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo với các công nghệ số. Công nghệ cho chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau là khác nhau, ở mức mức chuyển đổi số toàn diện là các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (AI, IoT, Blockchain, điện toán đám mây, 5G, AR, in 3D, phân tích dữ liệu lớn; thực tại ảo tăng cường (AR), thực tại ảo hỗn hợp MR…).

Một cách cụ thể hơn, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo với công nghệ dệt hay công nghệ may, cần thực hiện các bước mua dây chuyền công nghệ, đổi mới quy trình công nghệ ở mức cao nhất của doanh nghiệp, cần thay đổi cả về quản lý, tổ chức, quy trình. “ất cả các bước đổi mới sáng tạo tương tự như khi thực hiện chuyển đổi số, từ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu công nghệ mới và chuyển đổi từ cơ cấu tổ chức, cách thức làm việc, quy trình quản lý, tạo ra những phương thức mới, sản phẩm mới. “Nói một cách ngắn gọn, chuyển đổi số chính là hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ số”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, cần sự thấu hiểu và hợp sức của xã hội

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg. Theo đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức tọa đàm khoa học về chuyển đổi số

Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, là phải xác định rõ nội hàm của chuyển đổi số, quản lý nhà nước về chuyển đổi số và đưa ra các vấn đề cần giải quyết.

Thực tế, sau khi gia nhập WTO năm 2006, Việt Nam có nhiều văn nỗ lực hoàn thiện chính sách, thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế, trong đó có Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Sở hữu trí tuệ… Một số nỗ lực khác gần đây như việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC); Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub)…, đều nhằm hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, một khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đa số doanh nghiệp chưa hiểu rõ về đổi mới, sáng tạo, về chuyển đổi số và các hình thức hỗ trợ của Nhà nước trong công cuộc này. Đây là một trong những rào cản chính khiến các doanh nghiệp không tận dụng được các hình thức hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, nhiều yếu tố như tài chính, sở hữu trí tuệ, thông tin, cơ sở hạ tầng… chưa phát huy được hiệu quả cao nhất trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên diện rộng ở Việt Nam. Thực tế này cần thay đổi, để tạo nên sự gắn kết giữa chính sách, nhà quản lý với doanh nghiệp trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển xã hội số./.