Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, quy định mức phí, phí đào tạo thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký của Nhật Bản và không đúng với tình hình thực tế

Quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được đảm bảo

Thông báo Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2013-2018 đã chỉ rõ, trong giai đoạn này, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm.

Thanh tra Chính phủ nhận định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp đàm phán với nước ngoài nhằm giảm chi phí cho người lao động; trong thời gian dài không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp.

Vì thế, cơ quan này chỉ rõ, người lao động (đa số là lao động nghèo khó) còn phải chi trả số tiền lớn mà chính sách của của phía tiếp nhận (Đài Loan, Nhật Bản) là không phải trả.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, quy định mức phí, phí đào tạo thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký của Nhật Bản và không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến người lao động, là nguyên nhân cơ bản khiến lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ mặt điểm tên nhiều đơn vị chuyên môn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thiếu trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn. Cụ thể: Thanh tra Bộ không xử phạt hết hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp với số tiền gần 9 tỷ đồng. Cục Quản lý lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến, trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000 - 8.000 USD/1 lao động). Đồng thời tham mưu ban hành nhiều văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật bản. Đặc biệt, trong thời gian dài, theo Thanh tra Chính phủ, đơn vị này không có biện pháp tham mưu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan và Nhật Bản.

Cục này cũng để xảy ra nhiều hạn chế, vi phạm khác, như: để nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép, hoạt động không hiệu quả, không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức bộ máy, nhân sự không đáp ứng yêu cầu; chưa có quy trình thẩm định hồ sơ, cơ chế giám sát thủ tục cấp giấy phép; thời gian cấp phép kéo dài ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp chưa thường xuyên; chưa có cơ chế pháp lý để xác minh tính chính xác các khoản phí mà doanh nghiệp khai báo. Việc đăng ký hợp đồng trực tuyến chưa thuận lợi cho doanh nghiệp; phê duyệt hợp đồng cung ứng lao động thị trường Đài Loan không đầy đủ nội dung.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước phát hiện nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục cấp đổi giấy phép, nhưng buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015. Tham mưu và ban hành văn bản đồng ý cho 13 doanh nghiệp được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản khi chưa ký bản ghi nhớ hợp tác để triển khai chương trình; ký văn bản đồng ý khi chưa ban hành tiêu chí, điều kiện cụ thể để lựa chọn doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp yếu, thiếu kinh nghiệm, có doanh nghiệp thuộc diện phải thu hồi giấy phép, gây bất bình trong hệ thống các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Trước những vi phạm như vậy, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm điểm trách nhiệm chung trong điều hành, quản lý, đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước giai đoạn 2012 - 2016; kiểm điểm trách nhiệm đối với Chánh thanh tra Bộ từ năm 2013 - 2018 do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của doanh nghiệp; kiểm tra, xác minh, thống kê, tổng hợp số tiền môi giới và phí dịch vụ mà các đơn vị đã thu của NLĐ không phù hợp với quy định của pháp luật, báo cáo trình xin ý kiến Thủ tướng quyết định.

Bộ LĐTB&XH nỗ lực khắc phục những hạn chế được TTCP chỉ ra

Sau khi tiếp nhận kết quả thanh tra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định thực hiện Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Theo quyết định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao Cục Quản lý lao động ngoài nước và Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch thực hiện các kiến nghị trong Kết luận số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ bao gồm 3 nội dung: xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; xử lý trách nhiệm và công tác thanh tra; kiểm tra, xử lý một số vấn đề còn tồn đọng.

Theo Quyết định, thực hiện các kiến nghị trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, những doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoạt động hoặc có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thanh tra toàn diện việc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thu và chuyển tiền môi giới ra nước ngoài./.