Trong đó, bố trí 223 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng cơ bản và 512 tỷ đồng chi cho mua sắm trang thiết bị theo Tờ trình số 245/TTr-CP ngày 29/6/2018 của Chính phủ.

Nguồn kinh phí trên được sử dụng cho các dự án xây dựng cơ bản, mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị và đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho Tổng cục Hải quan và phải đảm bảo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

Trước đó, Chính ph đã cóTờ trình kiến nghị điều chuyển dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2017 chưa sử dụng của Tổng cục Thuế cho Tổng cục Hải quan tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tờ trình nêu rõ, đối với Tổng cục thuế, theo quy định tại Nghị quyết 1094/NQ-UBTVQH13, kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế theo mức ổn định là 1,8% trên dự toán thu NSNN được Quốc hội giao hằng năm (không bao gồm: thu tại xã, thu xổ số kiến thiết, thu từ việc bán cổ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, thu khác của ngân sách). Trong tổng mức kinh phí khoán, tỷ lệ phân bổ cho chi đầu tư xây dựng cơ bản tối thiểu là 10%, chi mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu là 25% và chi hoạt động thường xuyên tối đa là 65%. Theo chế độ quy định, khoản kinh phí khoán chi hoạt động đến cuối năm chưa sử dụng hết thì được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng cho từng nhóm nội dung cụ thể.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nguồn kinh phí được sử dụng năm 2017 của Tổng cục Thuế tương đương 1,62% dự toán thu NSNN giao Tổng cục thực hiện, trong phạm vi chế độ quy định) và khoản chưa sử dụng hết được chuyển nguồn sang năm 2017 theo chế độ.

Trong tổ chức thực hiện, quán triệt chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức quản lý, sử dụng dự toán chi NSNN năm 2017 được giao cho Tổng cục Thuế đúng chế độ quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Bên cạnh đó, triển khai chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, Bộ Tài chính đã tạm dừng sửa chữa, cải tạo trụ sở và mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị đối với các chi cục thuế tuyến quận, huyện để rà soát, đánh giá lại, trên cơ sở đó xây dựng Đề án sắp xếp lại hệ thống cơ quan Thuế theo hướng tinh giản, rút gọn đầu mối.

Do vậy, đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán năm 2017 kinh phí thực hiện đạt khoảng 88,2% dự toán kinh phí được sử dụng, trong đó: chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 100% dự toán; kinh phí thường xuyên và mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị đạt 88,2% dự toán. Số kinh phí còn lại được chuyển nguồn sang năm 2018 tiếp tục sử dụng theo chế độ.

Tương tự, kinh phí phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Hải quan theo mức ổn định là 2,1% trên dự toán thu NSNN được Quốc hội giao hằng năm. Trong tổng mức kinh phí khoán, tỷ lệ phân bổ cho chi đầu tư xây dựng cơ bản tối thiểu là 10%, chi mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu là 25% và chi hoạt động thường xuyên tối đa là 65%. Tương tự như Tổng cục Thuế, kinh phí khoán chi của Tổng cục Hải quan đến cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng cho từng nhóm nội dung cụ thể.

Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động giao cho Tổng cục Hải quan thấp nhiều so với chế độ quy định

Dự toán chi NSNN năm 2017 đã giao cho Tổng cục Hải quan tương đương 1,9% dự toán thu NSNN giao Tổng cục thực hiện và kinh phí thuộc dự toán năm 2016 chưa sử dụng hết còn lại được chuyển nguồn sang năm 2017 theo chế độ. Đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán năm 2017 (ngày 31/01/2018), Tổng cục Hải quan đã thực hiện xấp xỉ 99% nguồn kinh phí được sử dụng, trong đó: chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 100% dự toán, kinh phí đảm bảo hoạt động đạt 98,8% dự toán. Số kinh phí còn lại được chuyển nguồn sang năm 2018 tiếp tục sử dụng theo chế độ.

Dự toán chi NSNN năm 2018 giao cho Tổng cục Thuế tương đương 1,52% dự toán thu NSNN giao Tổng cục thực hiện, kết hợp với kinh phí được chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018. Chính phủ nhận định rõ, trong điều kiện bình thường, tổng nguồn dự toán kinh phí nêu trên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu chi phát sinh năm 2018, cũng như các nhiệm vụ chi năm 2017 được kéo dài thực hiện trong năm 2018 của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2018 Đề án sắp xếp lại hệ thống cơ quan Thuế vẫn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền quyết định, kéo theo một số nhiệm vụ chi tiếp tục phải tạm dừng, hoặc không thực hiện cho đến khi Đề án được duyệt; dự kiến kinh phí thực hiện trong năm chỉ đạt khoảng 93% tổng nguồn được sử dụng, nguồn còn lại khoảng 7%.

Trong khi đó, dự toán chi NSNN năm 2018 giao cho Tổng cục Hải quan tương đương 1,91% dự toán thu NSNN giao Tổng cục thực hiện, xấp xỉ mức bố trí dự toán chi năm 2017, cùng với kinh phí được chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động giao cho Tổng cục Hải quan thấp nhiều so với chế độ quy định (chỉ đạt trên 90% mức được bố trí theo chế độ). Trong đó, dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được bố trí bình quân 3 năm chỉ bằng 7,7% số vốn được trích theo cơ chế (bằng 10% kinh phí đảm bảo hoạt động). Bên cạnh đó, khi báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1094/NQ-UBTVQH13, do không đủ cơ sở để lượng hóa số giảm thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu dưới tác động của quá trình hội nhập ngày càng sâu với kinh tế quốc tế, nên việc xác định tỷ lệ % trên số thu được giao để phân bổ kinh phí bảo đảm hoạt động hằng năm cho Tổng cục Hải quan không phù hợp, dẫn tới thiếu hụt kinh phí so với nhu cầu cần đảm bảo. Thực tế, từ năm 2016 đến nay, do dự toán thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản không tăng, nên dự toán kinh phí khoán chi hàng năm giao cho Tổng cục Hải quan cũng không tăng, hoặc tăng không đáng kể.

Như vậy, mặc dù rất cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị của Tổng cục Hải quan để đáp ứng yêu cầu mở rộng hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, chống buôn lậu, gian lận thương mại,...; nhưng việc bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục trong vòng 3 năm gần đây lại chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ đã được phê duyệt.

Từ đánh giá nêu trên, để khắc phục khó khăn về kinh phí hoạt động cho Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 52 và khoản 1 Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước về điều chỉnh dự toán thu, chi NSNN của các bộ, cơ quan trung ương và dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, Chính phủ kiến nghị cần xem xét, cho phép điều chuyển dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2017 chưa sử dụng được chuyển sang năm 2018 của Tổng cục Thuế, để bổ sung dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2018 cho Tổng cục Hải quan./.