Theo Bộ Tài chính, mục đích của việc xây dựng Dự thảo Quyết định nhằm xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng vùng khó khăn để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, vừa góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, hỗ trợ người vay thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Bộ Tài chính đề xuất chính sách tín dụng mới đối với hộ kinh doanh tại vùng khó khăn
Mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 100 triệu đồng. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 100 triệu đồng

Theo đó Dự thảo Quyết định đã bổ sung một số nội dung mới như bổ sung quy định về vùng khó khăn theo hướng: “Vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy định tại Quyết định này bao gồm: Các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) quy định trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng giai đoạn; Các thôn không thuộc các xã quy định tại điểm a khoản này nhưng thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành cho từng giai đoạn…”

Bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng vay vốn của chương trình tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn (Điều 3 Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg) theo hướng: “Các hộ gia đình theo quy định của Bộ Luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chưa được vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm (sau đây gọi chung là người vay vốn). Người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản của các thành viên trong hộ gia đình chịu trách nhiệm giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quan hệ vay vốn, trả nợ, trả lãi”.

Mặt khác Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về mức vốn cho vay tối đa (Điều 7 Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg và Điều 8 Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg) theo hướng:

Đối với sửa đổi Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg: “Mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 100 triệu đồng. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 100 triệu đồng, giao Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng”.

Đối với sửa đổi Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg: “Mức vốn cho vay thương nhân là cá nhân không thực hiện chế độ kế toán theo quy định pháp luật về chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế tối đa là 100 triệu đồng. Mức vốn cho vay thương nhân là cá nhân thực hiện chế độ kế toán theo quy định pháp luật về chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và kê khai nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật tối đa là 200 triệu đồng. Mức vốn cho vay thương nhân là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp tối đa là 1 tỷ đồng”.

Về quy định lãi suất cho vay (Điều 8 Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg), theo quy định hiện nay: “Lãi suất cho vay bằng 0,9%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính.”

Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Lãi suất cho vay bằng 0,75%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất cho vay đảm bảo nguyên tắc bù đắp lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý đối với Chương trình này. Trong đó, lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.”