eMagazine
Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ hệ sinh thái

11:29 | 24/10/2022

Khung pháp luật, cơ chế chính sách cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tiếp tục hoàn thiện và đổi mới, để tạo điều kiện kết nối các yếu tố của hệ sinh thái, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các DN đổi mới sáng tạo chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ hệ sinh thái

Nếu tìm kiếm từ khóa: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên công cụ tìm kiếm Google (ngày 12/6/2022) có khoảng 26.100.000 kết quả và khởi nghiệp có khoảng 86.800.000 kết quả.

Điều đó cho thấy "khởi nghiệp" và "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" là các từ khóa được tìm kiếm phổ biến và như vậy cũng có rất nhiều khái niệm về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ khóa "khởi nghiệp" và "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

Có nhiều quan niệm, khái niệm về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Cách dịch các từ này từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng khác nhau, dẫn đến cách hiểu khác nhau, nên cần phân biệt rõ hai khái niệm này trong tiếng Việt. Theo nghĩa chung nhất “khởi nghiệp” hay "lập nghiệp" là việc bắt đầu một nghề nghiệp, sự nghiệp, trong đó hình thức cơ bản nhất là việc bắt đầu một công việc kinh doanh bằng cách lập một doanh nghiệp để kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó. Khái niệm khởi nghiệp đã tồn tại hàng trăm năm nay ở nhiều quốc gia, trong khi khái niệm "khởi nghiệp sáng tạo" hay "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" mới xuất hiện gần đây.

Từ điển Wikipedia tiếng Việt định nghĩa: “Khởi nghiệp (startup hoặc start-up) là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung (startup company), nó thường được dùng với nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp. Khởi nghiệp là một tổ chức được thiết kế, nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất”[1].

Từ “startup” trong tiếng Anh, hoặc một số một thuật ngữ khác như “emerging high-growth companies”, “early-stage innovative companies”, “entrepreneurs”…) đa số được dịch ra tiếng Việt là “khởi nghiệp”. Tuy nhiên, khái niệm “starup” của Steve Blank được trích dẫn nhiều nhất. Theo đó, “khởi nghiệp theo nghĩa startup” được hiểu như sau: “Một startup là một tổ chức được thành lập để tìm kiếm một mô hình kinh doanh mang tính lặp lại và có khả năng mở rộng” [2]. Còn Eric Rie thì cho rằng: "Starup là một tổ chức con người (a human institution) được thiết kế nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới trong các điều kiện cực kỳ không chắc chắn"[3].

Như vậy, có thể thấy rằng, cách hiểu cơ bản của "startup" là khác hẳn so với khởi nghiệp hay lập nghiệp thông thường, đó chính là cách thức, hình thức đặc biệt của khởi nghiệp, là hoạt động "khởi nghiệp sáng tạo" bằng việc thiết lập mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có khả năng phát triển và mở rộng.

Các DN đổi mới sáng tạo chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ hệ sinh thái

Ở Việt Nam, "khởi nghiệp sáng tạo" được hiểu là “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

Ở Việt Nam, "khởi nghiệp sáng tạo" được hiểu là “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” có nêu mục đích của đề án là: “Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”. Qua đó, có thể hiểu khái niệm “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” là: “Các doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”.

Tại Điều 3, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 lần đầu tiên đưa ra khái niệm: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh” [4].

Như vậy, với các quan niệm phổ biến trên thế giới và các khái niệm được luật hóa đến thời điểm này tại Việt Nam, các khái niệm liên quan đến “khởi nghiệp”, "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" được hiểu như nhau:

- Khởi nghiệp (hay lập nghiệp) là việc bắt đầu một nghề nghiệp, phổ biến nhất là một công việc hay hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp được thành lập để bắt đầu một hoạt động kinh doanh. Khi nói đến “khởi nghiệp” cũng có thể hiểu là “doanh nghiệp khởi nghiệp”.

- Khởi nghiệp sáng tạo ("Startup" hoặc "start-up” dịch từ tiếng Anh được hiểu theo nghĩa này) được hiểu chung nhất là quá trình khởi nghiệp dựa trên mô hình kinh doanh mang tính lặp lại, có khả năng mở rộng, dựa trên các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, hình thức kinh doanh mới để tạo ra phân khúc thị trường mới, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ và có khả năng tăng trưởng nhanh.

- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (được sử dụng phổ biến ở Việt Nam) là việc thành lập các doanh nghiệp để thực hiện ý tưởng kinh doanh dựa trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Về bản chất, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là khởi nghiệp sáng tạo (startup dịch từ tiếng Anh), được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy hiện hành của Việt Nam.

Các DN đổi mới sáng tạo chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ hệ sinh thái

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam – Phân tích từ một cuộc điều tra thống kê do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2019, thì doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp đã thực hiện/hoàn thành ít nhất một trong bốn loại đổi mới sáng tạo chính là: (1) Đổi mới sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ); (2) Đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; (3) Đổi mới tổ chức và quản lý; và (4) Đổi mới tiếp thị.

Đặc điểm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Với quan niệm như trên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có các đặc điểm chính như sau:

- Tính sáng tạo, đột phá: Khác với khởi nghiệp, lập nghiệp thông thường, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và/hoặc cách thức, mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, có công năng, tiện ích vượt trội, chưa có mặt trên thị trường.

- Dựa trên nền tảng công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật. Cần lưu ý là, không dứt khoát các startup đều phải dựa trên nền tảng công nghệ mới. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều phải dựa vào kỹ thuật, công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin để có thể phát triển bứt phá.

- Tạo ra các sản phẩm mới; phân khúc thị trường, khách hàng mới. Đặc điểm này là khác biệt lớn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường, vốn được thành thành lập để phục vụ các nhu cầu của khách hàng hiện có trên thị trường.

Phát biểu tại sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” (TechFest Vietnam 2016), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ: “Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp sáng tạo là cộng đồng tạo ra những sản phẩm mới, những phân khúc thị trường mới, khách hàng mới bằng những công nghệ, ý tưởng mới chưa từng có. Các doanh nghiệp này thường liên quan tới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đi qua internet đến với thế giới” [5].

- Có khả năng mở rộng và phát triển nhanh chóng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường "small business" không đòi hỏi đầu tư lớn, có thể mang lại doanh số và lợi nhuận ngay và sớm, ít rủi ro hơn so với các "startup". Tuy nhiên, các doanh nghiệp này ít có khả năng mở rộng. Ngược lại, các startup đòi hỏi phải đầu tư rất lớn, gặp nhiều rủi ro, thất bại trước khi thành công. Tuy nhiên, khi đã thành công thì sản phẩm của startup có thể nhân rộng nhanh chóng, doanh nghiệp startup có thể trở thành doanh nghiệp rất lớn trong thời gian ngắn.

- Tăng trưởng cao: Phát triển dựa trên ý tưởng sáng tạo và nền tảng công nghệ mới, vì vậy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn đi đầu trong việc khai phá thị trường, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới, nổi trội vì vậy có thể đạt được mức độ tăng trưởng rất cao, không có giới hạn. Sự ra đời và phát triển của điện thoại thông minh Apple chiếm lĩnh thị trường điện thoại di động thế giới chỉ trong vòng vài năm, lật đổ ngôi vương trên 100 năm thống lĩnh của Nokia là minh chứng cho sự phát triển nhanh, không thể dự đoán trước của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Đối tượng tham gia khởi nghiệp: Nếu như khởi nghiệp, lập nghiệp thông thường tất cả cá nhân, nhóm người nào cũng có thể tham gia, không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ, không phân biệt trong hay ngoài nước, thành thị hay nông thôn miễn sao có một ý tưởng kinh doanh và triển khai trên thực tế, thì những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo được hình thành và thực hiện chủ yếu bởi các bạn trẻ đam mê làm giàu và sáng tạo, nhất là những bạn sinh viên đang đi học hoặc vừa ra trường. Đây là thế hệ có nhiệt huyết, nhanh nhạy, khả năng nắm bắt nhanh những kiến thức và công nghệ mới, có lòng can đảm và khát khao khẳng định bản thân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự kết hợp giữa các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của thế hệ trẻ với kinh nghiệm của thế hệ đi trước sẽ tạo ra sự phát triển bền vững hơn.

Hệ sinh thái khởi nghiệp - "bà đỡ" Quan trọng của các startup

Hệ sinh thái khởi nghiệp (tiếng Anh: entrepreneurial ecosystem) là một thuật ngữ chỉ một cộng đồng bao gồm: Các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng nhanh [6]. Hiểu một cách đơn giản, hệ sinh thái khởi nghiệp là cách thức, môi trường mà một quốc gia hay địa phương tạo ra nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò "bà đỡ" rất quan trọng cho việc hình thành, tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng: "Những doanh nghiệp vốn là những công ty nhỏ nhưng đã phát triển nhanh và mạnh để trở thành các công ty bậc trung và sau đó thành các doanh nghiệp lớn chỉ trong một thời gian tương đối ngắn chính là trung tâm của sự thịnh vượng kinh tế. Khả năng của một quốc gia trong việc nuôi dưỡng sự phát triển các doanh nghiệp này là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển doanh nghiệp [7].

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), hệ sinh thái khởi nghiệp (entrepreneurial ecosystem) là: “Tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại), tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng…) và các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công…) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp…) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương” [8].

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) định nghĩa, hệ sinh thái khởi nghiệp là "một hệ thống các trụ cột liên quan lẫn nhau tác động đến khả năng của các chủ doanh nghiệp trong việc tạo ra và mở rộng hoạt động đầu tư mạo hiểm một cách bền vững".

Chưa có khái niệm chính thức về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tuy nhiên căn cứ vào các khái niệm nêu trên có thể coi hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một hệ thống các mối liên kết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành lập, mở rộng và phát triển bền vững.

Theo WEF, hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm 8 yếu tố: Thị trường, Nguồn nhân lực, Nguồn vốn và tài chính, Hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (mentors, advisors), Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng, Giáo dục và đào tạo, Các trường đại học, học viện và Văn hóa quốc gia [9].

Các DN đổi mới sáng tạo chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ hệ sinh thái
Hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò "bà đỡ" rất quan trọng cho việc hình thành, tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp

Chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm các nhóm chính:

- Các nhà sáng lập, các công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup). Đây là chủ thể chính của hệ sinh thái khởi nghiệp.

- Cá nhân, tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn, cố vấn khởi nghiệp. Đây là các cá nhân, tổ chức hỗ trợ, tư vấn cho việc thành lập và triển khai hoạt động của các dự án khởi nghiệp.

- Các nhà đầu tư bao gồm các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm… thực hiện việc cung cấp nguồn lực tài chính cho các dự án khởi nghiệp.

một số vấn đề cần lưu ý

Cần phân biệt giữa khởi nghiệp/lập nghiệp thông thường với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (còn gọi là khởi nghiệp sáng tạo). Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một hình thức đặc biệt của khởi nghiệp. Cả hai đều có điểm chung là thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức con người để tiến hành hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tổ chức hoạt động kinh doanh dựa trên cơ sở khai thác tài sản sở hữu trí tuệ, công nghệ mới để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới, phân khúc thị trường và khách hàng mới; có khả năng mở rộng, tăng trưởng cao và phát triển nhanh chóng.

Hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn mạnh, đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế./.


[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%9Fi_nghi%E1%BB%87p
[2] Steve Blank (2010). What’s A Startup? First Principles, Blog, January 25, 2010, https://steveblank.com/2010/01/25/whats-a-startup-first-principles/
[3] Eric Ries (2015). The Lean Startup: How Today's Entrepreneurs Use Continuous Innovation to Create Radically Successful Businesses, https://www.academia.edu/6418358/The_Lean_Startup_How_Today_s_Entrepreneurs_Use_Continuous_Innovation_to_Create_Radically_Successful_Businesses
[4] Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, số 4/2017/QH14 ngày 12/6/2017
[5] Khánh Linh (2016). Mười điều Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay lời cộng đồng doanh nghiệp starup, truy cập từ https://laodong.vn/kinh-te/10-dieu-pho-thu-tuong-vu-duc-dam-thay-loi-cong-dong-doanh-nghiep-startup-610438.bld
[6] Hệ sinh thái khởi nghiệp là gì?, truy cập từ https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_sinh_th%C3%A1i_kh%E1%BB%9Fi_nghi%E1%BB%87p
[7] Cục Thông tin KH&CN quốc gia (2015). Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: Vai trò của chính sách Chính phủ, tháng 12/2015
[8] Colin Mason and Ross Brown (2014). Entrepreneurial Ecosystems and Growth Oriented Entrepreneurship, retrieved from https://www.oecd.org/cfe/leed/Entrepreneurial-ecosystems.pdf
[9] World Economic Forum (2013). Entrepreneurial Ecosystems Around the Globe and Company Growth Dynamics, retrieved fromhttp://www3.weforum.org/docs/WEF_EntrepreneurialEcosystems_Report_2013.pdf

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam mặc dù đã được hình thành cơ bản, tuy nhiên sự liên kết giữa các yếu tố của hệ sinh thái chưa chặt chẽ, hiệu quả để tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ hệ sinh thái. Khung pháp luật và cơ chế chính sách cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tiếp tục hoàn thiện và đổi mới để tạo điều kiện kết nối các yếu tố của hệ sinh thái, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo./.

CEO Đặng Đức Thành - Chủ tịch Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 11:29 | 24/10/2022