Chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt KCN, KKT

Cửa khẩu Mộc Bài

Tây Ninh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, lao động, công nghiệp, đô thị… đã và đang mở ra nhiều triển vọng cho Tây Ninh tăng tốc phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn. Trong đó phát triển kinh tế cửa khẩu được Tỉnh xác định là một trong các mũi nhọn, điểm nhấn quan trọng để hình thành sự liên thông kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới cho địa phương và cả vùng.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh (Ban Quản lý) được UBND tỉnh Tây Ninh giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN, khu chế xuất (KCX), KKT, KKT cửa khẩu (gọi chung là KCN, KKT) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; là đầu mối chính trong việc tham mưu UBND Tỉnh thu hút đầu tư vào KCN, KKT và tổ chức cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KCN, KKT.

Phát huy cao trách nhiệm được giao, thời gian qua Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tốt vai trò tham mưu phát triển KCN, KKT tại địa phương, mà động lực phát triển chính là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường gắn với phát triển đô thị hiện đại văn minh theo hướng: Phát huy những ưu thế hiện có về quy hoạch KKT cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để nghiên cứu chuyển đổi về mục tiêu, định hướng, công năng phát triển trong phạm vi, quy mô đã được quy hoạch của KKT cửa khẩu; chọn động lực phát triển chính là công nghiệp và đô thị đảm bảo các yếu tố bền vững và phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp trên thế giới hiện nay, xem phát triển KKT cửa khẩu không chỉ là dự án riêng có của Tây Ninh mà còn là dự án phát triển trọng điểm của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện tại, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đang quản lý 5 KCN (Trảng Bàng, Linh Trung III, Thành Thành Công, Phước Đông, Chà Là) với quy mô diện tích các KCN là 3.383,07 ha và 2 KKT cửa khẩu (trong đó có 3 cửa khẩu Quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam) với quy mô diện tích là 55.481 ha.

Với những cố gắng vượt bậc của Ban Quản lý và các nhà đầu tư hạ tầng, các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng đầu tư, làm chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt KCN, KKT với hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT đồng bộ và hiện đại.

Lũy kế đến ngày 30/10/2020, tại các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 360 dự án đầu tư, trong đó có 261 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 99 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.045,91 triệu USD và 18.557,88 tỷ đồng. Hiện các KCN, KKT có 251 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Riêng trong giai đoạn năm 2016-2020, các KCN, KKT thu hút được 141 dự án đầu tư (116 dự án FDI và 25 dự án DDI) với tổng vốn đầu tư thu hút đạt 4.387,96 triệu USD, vượt 27,93% so với kế hoạch, chiếm 73,41% tổng vốn đầu tư thu hút của toàn Tỉnh (5.976,95 triệu USD).

Cũng trong giai đoạn này, các doanh nghiệp trong KCN, KKT hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối hiệu quả, với các chỉ tiêu đã đạt được, cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu đạt 17.472 triệu USD, vượt 11,64% so với kế hoạch, chiếm 91,96% kim ngạch xuất khẩu toàn Tỉnh (19.000 triệu USD); kim ngạch nhập khẩu đạt 12.080 triệu USD, vượt 10,83 % so với kế hoạch, chiếm 82,24% kim ngạch nhập khẩu toàn Tỉnh (14.689 triệu USD); nộp ngân sách đạt 4.388 tỷ đồng, đạt 95,39% so với kế hoạch, chiếm 10,6% tổng thu ngân sách toàn Tỉnh (41.399 tỷ đồng); giải quyết việc làm cho 44.543 lao động, đạt 89,09% so với kế hoạch, chiếm 34,26% tổng lao động có việc làm của toàn Tỉnh (130.000 lao động); tổng thu phí các phương tiện qua lại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát đạt 1.342,94 tỷ đồng, đạt 100,22% so với kế hoạch.

Cơ chế ”phân cấp” góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về KCN, KKT

Cổng vào KCN Trảng Bàng

Thực tế hiện nay, như nhiều Ban Quản lý KCN, KKT trên địa bàn cả nước, Ban Quản lý KKT tỉnh Tây Ninh đang gặp phải không ít các khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KKT. Hiện tại, để thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT (được coi là khung pháp lý cao nhất về quản lý KCN, KKT ở thời điểm hiện tại), Ban Quản lý KKT tỉnh Tây Ninh được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ theo nhiều hình thức như vừa phân cấp, vừa ủy quyền, vừa trực tiếp ở từng lĩnh vực cụ thể (theo dạng văn bản chỉ đạo điều hành của UBND Tỉnh). Trong khi đó, khi áp dụng thực hiện theo hình thức ủy quyền là có thời hạn ủy quyền cụ thể; xét về mặt thời gian, do từng đơn vị ủy quyền thực hiện tại một thời điểm khác nhau nên tính nhất quán, đồng bộ và thống nhất tổ chức theo chức năng nhiệm vụ chung của Ban Quản lý chưa đạt được hiệu quả cao.

Về cơ cấu tổ chức, do Ban Quản lý không phải cơ quan chuyên môn và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định không đề cập về việc ủy quyền từ cơ quan hành chính nhà nước cho một cơ quan khác. Mặt khác, việc thực hiện theo cơ chế ủy quyền mang tính không ổn định, thiếu sự nhất quán trong công tác quản lý dẫn đến nhiệm vụ thực hiện gián đoạn, thường bị thay đổi theo quy định của pháp luật chuyên ngành dẫn đến cùng một lĩnh vực mà nhiều cơ quan quản lý thực hiện. Do đó khi triển khai công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT bị chồng chéo giữa các cơ quan chuyên ngành nên chưa thể hiện rõ nét vai trò của Ban Quản lý là cơ quan đầu mối trong công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp khi họ phải chịu nhiều chủ thể quản lý. Ngoài ra, quy mô phát triển công nghiệp tại các địa phương khác nhau nên mô hình, cơ cấu tổ chức của các Ban Quản lý tại một số địa phương không thống nhất….

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu trong tình hình mới, Ban Quản lý KKT tỉnh Tây Ninh mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật về Quản lý KCN, KKT. Đồng thời điều chỉnh Nghị định số 82/2018/NĐ-CP theo hướng áp dụng cơ chế “phấn cấp” cho Ban Quản lý thay cho cơ chế “ủy quyền” hiện nay. Về mô hình tổ chức, các Ban Quản lý KCN, KKT khi thực hiện phân cấp cần phân định dựa trên quy mô phát triển công nghiệp tại các địa phương và trên tiêu chí đánh giá xếp hạng về quy mô đầu tư, vốn góp và số lượng lao động.

Trong thời gian chờ điều chỉnh Nghị định 82/2018/NĐ-CP (hoặc dự kiến xây dựng luật Luật về quản lý KCN, KKT), UBND Tỉnh cần thống nhất giao nhiệm vụ thông qua phân cấp cho Ban Quản lý KKT là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động đầu tư tại các KCN, KKT thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của UBND Tỉnh (trên các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, môi trường, lao động trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý KCN, KKT tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ)./.