Các KCN, KKT phát triển vững chắc trong năm 2020

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tại Hội thảo lấy ý kiến về báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển KCN, KKT

Năm 2020 kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, lũ lụt ở miền Trung. Vững vàng vượt qua những thách thức trên, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần phát triển bền vững các KCN, KKT trên địa bàn cả nước.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), về tình hình phát triển các KCN, KKT trong năm 2020, được thể hiện qua những dấu ấn sau:

Đối với các KCN: Năm 2020 ghi nhận 12 địa phương trong nước có sự điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đó là các tỉnh: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An; 02 địa phương (Quảng Ninh và Nghệ An) có sự điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT (KKT Vân Đồn và KKT Đông Nam), dẫn đến điều chỉnh quy hoạch các KCN nằm trong 02 KKT này.

Cũng trong năm 2020, cả nước có 04 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là: KCN Becamex Bình Định - tỉnh Bình Định (1.000 ha), KCN Ledana - tỉnh Bình Phước (424,54 ha), KCN quốc tế Trường Hải - tỉnh Long An (162 ha) và KCN Trần Đề - tỉnh Sóc Trăng (1.746,54 ha) và điểu chỉnh chủ trương đầu tư cho 01 KCN là KCN Phú Tân - tỉnh Bình Dương với quy mô diện tích 133,29 ha.

Tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi cả nước có 369 KCN được thành lập (bao gồm 329 KCN nằm ngoài các KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 06 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 114 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 73,6 nghìn ha, chiếm khoảng 59,3% diện tích đất tự nhiên.

Trong số 369 KCN đã được thành lập nêu trên, có 284 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 85 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,1 nghìn ha; 85 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 29 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 16,5 nghìn ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 42,2 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 57,4%; riêng các KCN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 70,2%.

Các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,83 triệu lao động trực tiếp.

Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Cụ thể, các vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ hiện có tổng cộng 207 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 70,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 47,2 nghìn ha, chiếm tương ứng 56,1% về số lượng, 61,9% về diện tích đất tự nhiên và 64,2% về diện tích đất công nghiệp so với cả nước.

Về tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,26 tỷ USD và 311,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng đạt 2,72 tỷ USD và 148,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 46,5% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.

Đối với các KKT ven biển: Trong năm 2020, cả nước có thêm KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được thành lập mới và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam, tỉnh Nghệ An. Theo đó, quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha, bao gồm 582,3 nghìn ha diện tích đất liền (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất cả nước) và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biển, cụ thể:

18 KKT ven biển được thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha (kể cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích đất cả nước), trong đó khoảng 100 nghìn ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng (trong đó, khu phi thuế quan khoảng 9 nghìn ha, KCN trong KKT: khoảng 43 nghìn ha; khu chức năng sản xuất thương mại, du lịch, dịch vụ: khoảng 48 nghìn ha, trong đó có 35 nghìn ha đất đã được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh.

01 KKT chưa được thành lập là KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định với diện tích quy hoạch 13.950 ha.

Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển đạt trên 30.000 ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển.

Được biết, hoạt động bảo vệ môi trường trong KCN, KKT cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 255/284 KCN đang hoạt động (đạt tỷ lệ 89,8%) có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường, với tổng công suất tối đa đạt trên 1,1 triệu m3 nước thải/ngày đêm.

Việc đăng ký nguồn thải nguy hại được nghiêm túc kiểm tra, đôn đốc tại các KCN, KKT. Chất thải rắn và chất thải nguy hại phát sinh được từng cơ sở trong KKT, KCN ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Đa số các doanh nghiệp trong KCN, KKT đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại được đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường.

Do quy mô và tính chất đặc thù của KKT, bao gồm nhiều khu chức năng như khu thương mại, KCN, khu dân cư, khu đô thị... do vậy, các KKT không có hệ thống xử lý nước thải chung cho toàn bộ KKT như mô hình đang áp dụng tại KCN hiện nay. Do vậy, đối với các dự án tập trung trong KCN thuộc KKT sẽ được xử lý nước thải thông qua hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN trong KKT.

Tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế

Ảnh: Công ty TNHH sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai-Trường Hải trong KKT mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam

Được biết, những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 70 - 80% tổng vốn đăng ký FDI của cả nước.

Các KCN, KKT đã góp phần hình thành nhiều khu đô thị, dịch vụ mới và hệ thống giao thông kết nối, tạo diện mạo mới cho địa phương; thúc đẩy thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động nông thôn, xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao; đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm vốn đầu tư xã hội, tập trung được nguồn lực để đầu tư phát triển; góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng...

Những thành tựu trên của các KCN, KKT là minh chứng sống động khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế đất nước. Việt Nam đã xây dựng được một mô hình mang tính đột phá trong thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ và môi trường của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình phát triển KCN, KKT thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa chú trọng nâng cao hiệu quả và đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT. Hiện nay tỷ lệ lấp đầy của các KCN chưa có sự đồng đều giữa các khu vực, các vùng miền; công tác quy hoạch tại một số địa phương còn dàn trải, thiếu liên kết vùng, do đó chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đặc thù của từng địa phương và khu vực. Hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN, KKT chưa cao, chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng....Do đó phát triển KCN, KKT chưa đảm bảo bền vững trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển các KCN, KKT, lãnh đạo Bộ Kê hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn tới các KCN, KKT cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nội dung then chốt sau:

Một là, phát triển về số lượng và quy mô KCN, KKT phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.

Hai là, hình thành hệ thống KCN nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống KCN có quy mô vừa và nhỏ tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn.

Ba là, tiến tới cân bằng trong phát triển KCN, KKT để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định hoặc bám sát trục đường giao thông huyết mạch.

Bốn là, tại một số địa bàn nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, việc phát triển KCN, KKT cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.

Năm là, thúc đẩy phát triển KCN, KKT theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN, KKT thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Sáu là, phát triển KKT cửa khẩu biên gắn liền với việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, ổn định, bền vững giữa nước ta với các nước quốc gia có chung đường biên giới; xây dựng các KKT cửa khẩu trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ động lực của khu vực biên giới; bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ổn định dân cư biên giới và an ninh quốc phòng.

Bảy là, đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT; khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân và hình thức đối tác công – tư trong xây dựng, phát triển KCN, KKT.

Hy vọng với chủ trương, quyết sách đúng đắn, hiệu quả và kịp thời của Đảng và Chính phủ cùng bề dày kinh nghiệm phát triển các KCN, KKT của các địa phương trong 30 năm qua, thời gian tới các KCN, KKT Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, đưa Việt Nam vững bước hội nhập với nền kinh tế thế giới./.