Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong các KCN

Các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thu hút đầu tư khởi sắc trong 9 tháng đầu năm 2021
Công nhân làm việc tại KCN Vĩnh Phúc
9 tháng đầu năm 2021, các KCN trên địa bàn Tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 34 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Hoạt động của các KCN trên địa bàn Tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển như kỳ vọng.

Ngay từ đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã lãnh đạo, chỉ đạo các nhà đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả đi đôi với nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, kiên quyết không để ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN.

Với những cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và Ban Quản lý các KCN Tỉnh nói riêng, 9 tháng đầu năm 2021, tình hình hoạt động quản lý nhà nước về KCN và hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN trên địa bàn Tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển; đặc biệt là kết quả thu hút đầu tư vào các KCN đã đạt được nhiều kết quả khả quan như kỳ vọng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm 2021, các KCN trên địa bàn Tỉnh thu hút được 34 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước. Theo đó, Tỉnh đã cấp mới cho 24 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và điều chỉnh tăng vốn cho 19 lượt dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 928,99 triệu USD (trong đó: cấp mới 840,91 triệu USD; tăng vốn 88,08 triệu USD), đạt 405% về vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 99% về vốn đầu tư đăng ký so với kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc cấp mới cho 10 dự án đầu tư trong nước (DDI) và điều chỉnh tăng vốn cho 02 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.015,41 tỷ đồng (trong đó: cấp mới 4.848,51 tỷ đồng; tăng vốn 166,9 tỷ đồng), đạt 699% về vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 (do thu hút thêm 03 dự án đầu tư hạ tầng KCN) và đạt 108% về vốn đầu tư đăng ký so với kế hoạch đề ra.

Tính đến nay, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong các KCN còn hiệu lực đạt 404 dự án, gồm 75 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19.428,61 tỷ đồng và 329 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.378,43 triệu USD.

Các dự án được phân theo từng KCN, cụ thể: KCN Khai Quang thu hút được 90 dự án, trong đó có 78 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.221,49 triệu USD và 12 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 820,6 tỷ đồng; đã có 84 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 94%.

KCN Bình Xuyên thu hút được 122 dự án, trong đó có 84 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.275,27 triệu USD và 38 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 3.790,63 tỷ đồng; có 101 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 92%.

KCN Bình Xuyên II (giai đoạn 1) thu hút được 57 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 303,45 triệu USD; đã có 57 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 100%.

KCN Bá Thiện thu hút được 36 dự án, gồm có 31 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 886,72 triệu USD và 05 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 2.883,35 tỷ đồng; có 30 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 75%.

KCN Bá Thiện II thu hút được 56 dự án, bao gồm 53 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 875,64 triệu USD và 03 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 1.738,21 tỷ đồng; đã có 46 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 68%.

KCN Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút được 31 dự án, bao gồm 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 720,76 triệu USD và 06 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 1.109,58 tỷ đồng; có 11 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 63%.

KCN Tam Dương II- Khu A thu hút được 06 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 3.037,20 tỷ đồng; có 01 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 42%.

Các KCN Sơn Lôi; Sông Lô I; Sông Lô II và Tam Dương I- Khu vực 2 đang trong thời kỳ bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Trong 09 tháng đầu năm 2021, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 303,31 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 88% kế hoạch năm 2021, nâng tổng vốn thực hiện của các dự án FDI trong các KCN đến nay là 2.935,39 triệu USD, đạt tỷ lệ 55% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án. Vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 518,34 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và đạt 90% kế hoạch năm 2021, nâng tổng vốn thực hiện của các dự án DDI trong các KCN đến nay là 8.011,36 tỷ đồng, đạt 41% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án.

Tiếp tục bứt phá về đích

Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, Ban Quản lý dự kiến thu hút 5-8 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn khoảng 30-40 triệu USD và 03 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 270 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thành đúng tiến độ các dự án, dự kiến có thêm 5-6 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 90-92 triệu USD, vốn thực hiện của các dự án DDI đạt khoảng 60-70 tỷ đồng.

Để đạt được các chỉ tiêu kể trên, Ban Quản lý cho biết sẽ quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN; đặc biệt tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút đầu tư theo hướng bền vững (ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường).

Theo Ban Quản lý, một số nhiệm vụ trọng tâm Ban cần thực hiện nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư đó là:

Chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là đón đầu thời cơ mới mở ra sau đại dịch; tập trung thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao; kịp thời đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư về những thông tin cần thiết để họ quyết định thực hiện dự án tại Vĩnh Phúc.

Chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả tại các KCN trên địa bàn Tỉnh, thúc đẩy dòng vốn tái đầu tư của các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh làm tăng quy mô và giá trị vốn đầu tư, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển giao công nghệ tạo đà cho phát triển kinh tế bền vững và cân bằng giữa dòng vốn FDI và DDI.

Thu hút đầu tư theo quy hoạch, gắn với phát triển bền vững, tập trung vào các KCN đang hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy KCN. Từng bước chuyển dịch cơ cấu thu hút đầu tư theo hướng vừa đảm bảo định hướng thu hút đầu tư vừa sử dụng hợp lý nguồn lao động của tỉnh, của từng địa bàn. Gắn công tác thu hút đầu tư với phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp KCN./.