Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu đã diễn ra vào ngày 16/6/2021 và thành công tốt đẹp. Chủ đề của Hội nghị là “Cải cách cơ cấu và phục hồi từ những cú sốc kinh tế”. Đây là Hội nghị rất quan trọng trong bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19 đang rất phức tạp.

Hội nghị đã ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu, kèm theo hai Phụ lục: (i) Phụ lục về Chương trình nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu (EAASR) do Việt Nam (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì xây dựng; và (ii) Phụ lục về Chương trình Tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2025, do Hoa Kỳ chủ trì xây dựng.

Để hiểu rõ hơn bối cảnh và nội dung, cũng như kết quả của Hội nghị, phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời cũng là Trưởng nhóm xây dựng chiến lược cải cách cơ cấu mới của APEC về những nội dung trên.

Ông Nguyễn Anh Dương: , thông điệp chúng tôi hướng tới là các biện pháp cải cách kinh tế phải là một phần thiết yếu trong chương trình phục hồi kinh tế ở các thành viên kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Dương: Thông điệp chúng tôi hướng tới là các biện pháp cải cách cơ cấu kinh tế phải là một phần thiết yếu trong chương trình phục hồi kinh tế ở các thành viên kinh tế. Ảnh: MPI

PV: Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Với chủ đề là “Cải cách cơ cấu và phục hồi từ những cú sốc kinh tế”, Hội nghị được đánh giá là rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19 đang rất nghiêm trọng. Xin ông cho biết rõ hơn về bối cảnh và tầm quan trọng của Hội nghị?

Ông Nguyễn Anh Dương: Chúng ta đều biết các nền kinh tế APEC tiếp tục tập trung vào phục hồi sau những tác động bất lợi về kinh tế và ảnh hưởng xã hội của đại dịch COVID-19, chuẩn bị năng lực ứng phó với những cú sốc kinh tế trong tương lai, và phối hợp thực hiện Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Dù có chung đồng thuận về những yêu cầu này, tranh luận ở không ít các nền kinh tế thành viên APEC còn khác biệt về cách thức, thời điểm, liều lượng của các biện pháp chính sách cần thiết; chẳng hạn, phối hợp giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô như thế nào, có nên chờ đến khi kinh tế phục hồi rồi mới đặt vấn đề thực hiện các chính sách hướng tới “kinh tế xanh”, “phát triển bền vững?... Đó là chưa kể đến rủi ro phục hồi không đều giữa các nền kinh tế ở khu vực, đã được không ít chuyên gia cảnh báo.

Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu không được tổ chức định kỳ hàng năm, mà gắn với việc rà soát, đánh giá chiến lược cải cách cơ cấu trong giai đoạn trước đó và ban hành chiến lược cải cách cơ cấu cho giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, với một quá trình xây dựng kéo dài tới gần một năm rưỡi, EAASR dựa trên kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra từ những cải cách cơ cấu trước đây như Chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo thực hiện cải cách cơ cấu (LAISR) năm 2004, Chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu (ANSSR) giai đoạn 2010-2015, và Chương trình nghị sự mới của APEC về cải cách cơ cấu (RAASR) giai đoạn 2015-2020. EAASR dựa trên tài liệu do Nhóm công tác RAASR soạn thảo và được Ủy ban Kinh tế (EC) thông qua trong năm 2020.

Có thể nói Chương trình cải cách cơ cấu mới này đem lại cơ hội phối hợp, hỗ trợ phục hồi và tái thiết nền kinh tế ở khu vực APEC, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp. Khi xây dựng EAASR và báo cáo các Bộ trưởng APEC, thông điệp chúng tôi hướng tới là các biện pháp cải cách kinh tế phải là một phần thiết yếu trong chương trình phục hồi kinh tế ở các thành viên kinh tế.

PV: Vậy, các trụ cột chính của EAASR là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dương: EAASR khuyến khích các nền kinh tế thực hiện cải cách cơ cấu mạnh mẽ, toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng, loại bỏ những rào cản không cần thiết với các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đạt được khả năng chống chịu cao hơn và thúc đẩy lợi ích, nhằm đảm bảo rằng Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực kinh tế năng động và gắn kết.

EAASR đóng góp vào mục tiêu bao trùm của APEC về thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bao trùm, sáng tạo và bền vững thông qua những biện pháp phù hợp với các cột trụ sau: (i) Tạo môi trường thuận lợi cho các thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh; (ii) Thúc đẩy phục hồi kinh doanh và khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai; (iii) Đảm bảo các nhóm trong xã hội đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội hướng tới tăng trưởng bao trùm hơn, bền vững hơn và hạnh phúc hơn; và (iv) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và kỹ năng mới để cải thiện năng suất và mức độ số hóa.

Bốn trụ cột này có mối quan hệ với nhau và, do vậy, một số cải cách có thể thúc đẩy hai hoặc nhiều trụ cột khác nhau.

EAASR khuyến khích các nền kinh tế hoàn thành Kế hoạch hành động sớm nhất có thể, chậm nhất vào cuối năm 2021, trong đó phác thảo các sáng kiến cải cách cơ cấu đến năm 2025. Tùy điều kiện, mục tiêu phát triển mà mỗi thành viên APEC có thể có những lựa chọn, sáng kiến cải cách và “mức độ tham vọng” khác nhau đối với kết quả cải cách.

PV: Dự kiến EAASR khuyến khích các nền kinh tế thúc đẩy cải cách cơ cấu hướng tới phát triển bao trùm. Xin ông cho biết, việc khuyến khích này dựa trên các cách tiếp cận nào?

Ông Nguyễn Anh Dương: EAASR khuyến khích các nền kinh tế áp dụng ba cách tiếp cận để thúc đẩy cải cách cơ cấu hướng tới phát triển bao trùm, bao gồm: (i) Thực hiện sáu cải cách cơ cấu cốt lõi (chính sách và luật cạnh tranh; củng cố hạ tầng pháp lý và kinh tế; tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh; cải cách pháp lý; quản trị khu vực công; luật và quản trị doanh nghiệp) để cải thiện hiệu quả vận hành và tính minh bạch của các thị trường; (ii) Thực hiện các cải cách thị trường cụ thể để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và đạt được các lợi ích hướng tới mục tiêu bao trùm; (iii) Áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với cải cách cơ cấu, kết hợp cải cách cốt lõi, cải cách thị trường cụ thể và các chính sách rộng hơn để thúc đẩy năng suất và khả năng chống chịu của nền kinh tế.

PV: Kế hoạch hành động của EAASR sẽ thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dương: EAASR khuyến khích các nền kinh tế hoàn thành Kế hoạch hành động sớm nhất có thể, chậm nhất vào cuối năm 2021, trong đó phác thảo các sáng kiến cải cách cơ cấu đến năm 2025. Tùy điều kiện, mục tiêu phát triển mà mỗi thành viên APEC có thể có những lựa chọn, sáng kiến cải cách và “mức độ tham vọng” khác nhau đối với kết quả cải cách.

Các nền kinh tế được khuyến khích cụ thể hóa chương trình cải cách theo các trụ cột và theo các ngành, đặc biệt các ngành dịch vụ, để đảm bảo các kế hoạch hành động đủ sâu rộng và toàn diện, đồng thời sử dụng các chỉ số định tính và định lượng cho mục đích theo dõi và đánh giá.

Trong suốt giai đoạn đến năm 2025, các thành viên APEC cũng có thể bổ sung, điều chỉnh các lựa chọn, sáng kiến cải cách của mình để thích ứng với bối cảnh, yêu cầu mới.

Để thúc đẩy hơn nữa chương trình cải cách cơ cấu, Ủy ban Kinh tế APEC sẽ tiến hành 5 hoạt động.

Thứ nhất, xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện EAASR nhằm xác định các hành động, chỉ số và thời hạn để rà soát;

Thứ hai, hỗ trợ các nền kinh tế thông qua các sáng kiến nâng cao năng lực - trong phạm vi phù hợp, khả thi - để xây dựng kế hoạch hành động EAASR, thiết kế và thực hiện các chính sách/dự án cải cách cơ cấu;

Thứ ba, khuyến khích các dự án do thành viên tự tài trợ hoặc do APEC tài trợ cho các hoạt động và mục tiêu của EAASR và các phản hồi phù hợp với các tác động kinh tế do COVID-19 nhằm tăng cường khả năng phục hồi và chống chịu của nền kinh tế;

Thứ tư, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua tham vấn với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC để đảm bảo rằng việc thực hiện EAASR hướng tới lợi ích kinh tế, chủ động thích ứng và có tính khả thi;

Thứ năm, khuyến khích hợp tác với Tiến trình Bộ trưởng Tài chính; Nhóm Công tác Phát triển Nguồn nhân lực; Nhóm điều hành kinh tế số; Nhóm Công tác về Năng lượng; Nhóm công tác về Dịch vụ; Ủy ban Thương mại và Đầu tư; Nhóm công tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nhóm Công tác về Y tế; và Đối tác Chính sách về Phụ nữ và Kinh tế, cũng như các diễn đàn khác của APEC.

Ủy ban Kinh tế APEC sẽ phối hợp với Cơ quan Hỗ trợ Chính sách APEC để cập nhật các chỉ số định lượng nhằm theo dõi và báo cáo kết quả về cải cách cơ cấu trong khuôn khổ EAASR ở toàn khu vực APEC.

Ủy ban Kinh tế APEC sẽ báo cáo các quan chức cấp cao về tiến độ thực hiện EAASR bao gồm đánh giá giữa kỳ vào năm 2023và đánh giá cuối kỳ vào năm 2025.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!