eMagazine
CEO VIETGO: Bạn trẻ, hãy mạnh mẽ chọn cơ hội "buôn với thế giới”

19:28 | 13/10/2021

CEO VIETGO: Bạn trẻ, hãy mạnh mẽ "buôn với thế giới”
CEO VIETGO: “Bạn trẻ, hãy mạnh mẽ chọn cơ hội buôn với thế giới”

CEO VIETGO: Bạn trẻ, hãy mạnh mẽ "buôn với thế giới”

Xuất khẩu, bao đời nay giờ mới có cơ hội rõ ràng đến thế. Nguyễn Tuấn Việt, CEO Công ty VIETGO - doanh nghiệp 16 năm làm xúc tiến thương mại, có 32.000 khách hàng ngoại trên toàn thế giới - nhận định và thúc đẩy, các bạn trẻ, các doanh nhân Việt Nam hãy mạnh mẽ chọn cơ hội “buôn với thế giới”. Tường Vi thực hiện.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội của ngành xuất khẩu Việt Nam hiện nay?

Việt Nam đang là nước có tiềm năng mạnh nhất châu Á khi chúng ta ký được một loạt các hiệp định thương mại (FTA) với quốc tế, giúp khách hàng nước ngoài được giảm thuế NHẬP KHẨU ở nước của họ, nên họ sẽ ưu tiên tìm mua hàng Việt Nam. Mua hàng Việt Nam, đối tác nước ngoài được tăng lợi nhuận mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cũng có nhiều lãi hơn. Mới đây, chị Mary Jang, người Trung Quốc đang phụ trách văn phòng đại diện Tập đoàn Best Choice của Mỹ tại Thượng Hải kể cho tôi rằng, văn phòng chị vẫn mua hàng hoá tại Trung Quốc và gửi về Mỹ, nhưng hiện nay thuế nhập khẩu của Mỹ áp cho các sản phẩm từ Trung Quốc đã lên 20% nên Tập đoàn yêu cầu chị tìm nguồn hàng từ Việt Nam để thay thế. Hàng Việt Nam được hưởng thuế nhập 0%.

Không riêng chị Mary, rất nhiều khách hàng châu Âu đang tìm đến Việt Nam thay vì các nước khác trong ASEAN. Anh Lee, người Hàn Quốc sang Việt Nam được 7 năm, lấy vợ, lập nghiệp và kinh doanh xuất nhập khẩu. Tôi biết anh chuyên mua hàng dệt may tại Việt Nam rồi xuất sang Hàn Quốc và các nước châu Âu. Có thể nói, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn đối với những doanh nhân nước ngoài tìm đến để mua bán và lập nghiệp. Tại sao vậy? Phải chăng, trên chính mảnh đất quê hương mình, những người trẻ, những doanh nhân Việt Nam không biết tận dụng khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hoá?...

Tôi cứ băn khoăn về những câu hỏi đó và quan quan sát thực tiễn trong các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại của Công ty mình. Tôi nhận thấy, các nước trong khu vực lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... trong 10 năm qua phát triển được một đội ngũ doanh nhân trẻ, họ làm một nghề đặc biệt đó là buôn hàng từ các nước châu Á sang châu Âu hoặc ngược lại. Họ thậm chí không có văn phòng, chỉ có một cái máy tính và chiếc smartphone, biết một chút tiếng Anh, thạo kiến thức xuất nhập khẩu và mỗi tháng mua bán thương mại vài cont đến vài chục container. Tôi thấy rõ cơ hội cũng như thế mạnh của đất nước ta trên thị trường xuất nhập khẩu quốc tế và thật tiếc nếu như doanh nhân Việt Nam không tận dụng khai thác hết những lợi thế này.

cơ hội nghề "buôn với thế giới"

Ý ông là đang có cơ hội tốt cho các bạn trẻ Việt Nam chọn nghề "buôn với thế giới" để khởi nghiệp?

Tôi thấy rất nên. Thế hệ trẻ bây giờ nhanh nhạy, biết tiếng Anh, học một khoá xuất nhập khẩu là có thể bắt tay ngay với nghề. Nghề buôn hàng xuất nhập khẩu có thể mang lại thành công sau 3-6 tháng, thậm chí có thể đạt lợi nhuận tốt. Mỗi một đơn đặt hàng từ 3-5 cont cũng có giá trị trung bình từ 3-10 tỉ đồng và lợi nhuận bình quân ở mức 15-20%. Thực ra, nghề “buôn với thế giới” cũng giống như kinh doanh online mà nhiều bạn trẻ đang làm. Phương thức là tìm hiểu nguồn hàng, chụp ảnh, chào hàng, chat với khách hàng nước ngoài rồi đặt hàng từ nhà máy trong nước, gọi shipper và nhận tiền. Tuy nhiên, khác với kinh doanh online ở chỗ, đây là thương mại bán buôn. Phía bên bán chỉ phải giao dịch với một hoặc một vài khách hàng nước ngoài, họ là đầu mối phụ trách kênh phân phối bên nước họ. Nếu tạo được niềm tin và hàng hóa làm họ hài lòng thì chắc chắn sẽ nhận được các đơn đặt hàng lớn dần lên. Ngoài việc có nhiều lợi nhuận, làm thương mại quốc tế còn mang lại cho các bạn trẻ những mối quan hệ với đối tác lớn, thị trường lớn và được giao lưu văn hoá với nhiều nước trên thế giới.

Vậy nghề thương mại quốc tế có cần nhiều vốn để khởi nghiệp không, theo ông?

Nghề nghe thì tưởng phải tốn rất nhiều vốn, nhưng thực ra lại rất ít hoặc gần như không cần, vì chủ yếu chúng ta tận dụng được nguồn tiền đặt cọc từ khách nước ngoài để mua hàng trong nước. Đôi khi khách hàng ngoại đặt cọc tới 40-50% hợp đồng ngoại thì đã tương đương với 60-70% giá trị hợp đồng nội. Trường hợp khách hàng mở L/C, chúng ta có thể dùng các biện pháp tín dụng ngân hàng để nhà máy trong nước yên tâm sản xuất mà không cần đặt cọc. Trong trường hợp đó, các bạn không cần phải bỏ một đồng vốn nào. Nhiều bạn ở các tỉnh khi đã sẵn có xưởng sản xuất thì còn dễ dàng hơn nhiều, vì chủ động được cả sản xuất và thương mại, trực tiếp xuất khẩu hàng đi thế giới.

CEO VIETGO: “Bạn trẻ, hãy mạnh mẽ chọn cơ hội buôn với thế giới”
CEO VIETGO Nguyễn Tuấn Việt (ở giữa) chia sẻ, làm thương mại quốc tế mở ra cơ hội cho các bạn trẻ được giao lưu văn hoá với nhiều nước trên thế giới

Quan sát các doanh nhân Việt Nam với những doanh nhân nước ngoài mà ông đã từng gặp gỡ, hợp tác, đâu là điểm khác biệt?

Tôi thấy các bạn trẻ châu Âu hiện nay ít có tư duy khởi nghiệp mà thường xác định học xong đi làm thuê. Có thể do nền kinh tế của họ quá chặt chẽ, có thể do chính phủ của họ không thật khuyến khích và cũng có thể do môi trường kinh tế của họ cạnh tranh khốc liệt, nên châu Á lại là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nhân trẻ hiện thực hóa các hoài bão của mình.

Châu Á vá đặc biệt là Việt Nam, đang có nền kinh tế mở, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Điều đáng mừng là thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay rất năng động, chịu khó và đặc biệt là chịu khó tiếp thu cái mới, cái hiện đại của thế giới. Có thể nói, vài năm gần đây, Chính phủ đã rất tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có môi trường khởi nghiệp. Làn sóng khởi nghiệp ở đất nước ta đã diễn ra rất mạnh mẽ. Nếu các thế hệ sau chọn những bài học, những kinh nghiệm hay của thế hệ trước để học hỏi, noi theo, xã hội chắc chắn sẽ tạo được làn sóng để dân giàu, Đất nước chắc chắn sẽ mạnh.

CEO VIETGO: Bạn trẻ, hãy mạnh mẽ chọn cơ hội "buôn với thế giới”

Việt Nam đang có cơ hội lớn để giành lấy thị phần của những hàng tiêu dùng mà Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dần mất lợi thế khi thuế và chi phí của họ tăng cao.

Việt Nam nằm giữa ba người khổng lồ “ăn khoẻ”

Trở lại với ý tưởng “buôn với thế giới”, theo ông, những mặt hàng nào có tiềm năng xuất khẩu tốt nhất trong hiện tại và tương lai?

Theo tôi, Việt Nam đang có cơ hội lớn để giành lấy thị phần của những hàng tiêu dùng mà Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dần mất lợi thế khi thuế và chi phí của họ tăng cao. Nhóm hàng tiêu dùng phục vụ cho gia đình, từ cây kim, sợi chỉ đến cái cốc cái chén, đến đồ nội ngoại thất…, đều sẽ phát triển mạnh và là tương lai của ngành xuất khẩu. Nhóm hàng dệt may cũng vẫn là chủ lực, vì Việt Nam có nhân công rẻ, nguồn nguyên phụ liệu chủ động do gần Trung Quốc, nên có sự chuyển dịch về công nghệ. Năm 2021 chúng ta đã ghi nhận dệt may của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, với tăng trưởng dương trên 50% về kim ngạch.

Ở nhóm hàng đồ gỗ, chúng ta có lợi thế về cây keo lai, các loại ván gỗ công nghiệp và những đồ nội ngoại thất do nhân công Việt Nam rất khéo tay. Nhóm hàng này cũng đang tăng trưởng kim ngạch trên 50%. Ở nhóm hàng nông sản, Việt Nam cực kỳ có lợi thế khi nằm ở tam giác giữa ba người khổng lồ “ăn khoẻ” trên thế giới là Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đây là nhóm các quốc gia không có rào cản kĩ thuật. Hơn nữa, Việt Nam cũng rất có lợi thế với các nhóm nước châu Âu và Mỹ, khi chúng ta vừa kí một loạt FTA. Có thể nói cơ hội của các doanh nhân Việt Nam là rất lớn. Dải sản phẩm xuất khẩu rất rộng và biên độ lợi nhuận rất cao.

nên giao dịch với khách hàng nước ngoài trước khi mở xưởng

Là người trẻ, nhất là doanh nhân trẻ, ai cũng có khát khao làm giàu. Nếu chọn ngành xuất khẩu, ông có lời khuyên nào cho họ bớt vấp váp và tăng cơ hội thành công?

Nhiều bạn khi nghĩ đến xuất khẩu thường nghĩ đến việc mở xưởng sản xuất, mở nông trại nuôi trồng, nhưng theo tôi cách đó là không hay, vì khi mở sản xuất sẽ phải đầu tư và tốn chi phí hàng tháng rất lớn, trong khi chưa bán được hàng thì rất nguy hiểm. Đó là cách tư duy kinh doanh bắt đầu từ “Chi phí”. Tôi khuyên các bạn nên giao dịch với khách hàng nước ngoài trước, chủ động làm thương mại trước, mua hàng từ các xưởng và xuất khẩu đi được vài chuyến. Khi chắc nguồn khách, nguồn tiêu thụ, có doanh thu ổn định thì hãy nghĩ đến việc sản xuất hay không, sản xuất hàng gì. Đó là cách tư duy kinh doanh bắt đầu từ “Doanh thu”. Hãy khởi nghiệp, hãy bắt đầu bằng “Doanh thu”, không nên bắt đầu bằng “Chi phí”.

Việt Nam đang trên đà phát triển để trở thành Hàn Quốc, Nhật Bản trong tương lai. Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Đất nước ta chưa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhưng tôi rất mong những người đang là doanh nhân, sắp là doanh nhân, nhất là các bạn trẻ, hãy vững vàng ý chí, tỉnh táo chọn cơ hội và mạnh mẽ đi đầu, góp sức đưa Việt Nam trở thành một cường quốc của thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Thế hệ cha anh chúng ta đã lập nước, giữ nước. Thế hệ chúng ta phải xậy dựng, phát triển Đất nước lên một tầm cao mới, mới xứng đáng với gốc “con Lạc, cháu Hồng” Việt Nam.

CEO VIETGO: “Bạn trẻ, hãy mạnh mẽ chọn cơ hội buôn với thế giới”
CEO Trần Tuấn Việt (bên phải) - sáng lập Công ty VIETGO từ năm 2006, doanh nghiệp chuyên ngành xúc tiến thương mại, đến nay đã kết nối hàng chục nghìn doanh nghiệp, đối tác quốc tế với Việt Nam

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 19:28 | 13/10/2021