Cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm cho người lao động

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế vừa có Văn bản khẩn số 8228/BYT-MT gửi các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Có hướng dẫn tự xét nghiệm, doanh nghiệp lại lo bài toán quyết toán thuế chi phí

Theo đó, để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất-kinh doanh tại các địa phương trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.

Việc thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Y tế như sau:

Địa phương thực hiện

Người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân…)

Người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh)

Các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao

Xét nghiệm hằng tuần tối thiểu cho 20% người lao động.

Xét nghiệm hằng tuần cho toàn bộ người lao động.

Các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ

Xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5-10% người lao động.

Xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ người lao động.

Bộ Y tế lưu ý trong hướng dẫn không thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc).

Kỹ thuật xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Kết quả xét nghiệm phải được báo cáo ngay cho trung tâm y tế cấp huyện nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng chân (trong khoảng 2 giờ sau khi kết thúc ngày xét nghiệm và báo cáo ngay sau khi có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2).

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 thì phải được hướng dẫn của trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc trung tâm y tế cấp huyện.

Bộ này cũng lưu ý, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.

Trung tâm y tế cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tiến hành xử lý ngay, đúng quy định khi nhận được báo cáo kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Đáng chú ý, đối với các đối tượng là lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, thành phố, Bộ Y tế yêu cầu nếu di chuyển từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ nguy cơ dịch bệnh thấp hơn thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện. Điều này có nghĩa là nhóm doanh nghiệp vận tải vẫn không được thực hiện tự xét nghiệm theo hướng dẫn này

Như vậy, với việc được cho phép thực hiện tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, các doanh nghiệp cho biết sẽ giúp tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên. Đây là một cọn số rất lớn đối với các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn lên tới hàng trăm, hàng nghìn và thậm chí là chục nghìn lao động, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí trong bối cảnh vô cùng khó khăn do tác động kéo dài của dịch bệnh.

Doanh nghiệp vận tải vẫn nặng gánh chi phí do không được tự xét nghiệm

Bên cạnh hướng dẫn cụ thể các nhóm đối tượng thực hiện tự xét nghiệm, việc hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn không cho phép các doanh nghiệp vận tải được thực hiện tự xét nghiệm đang là một điểm nút khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hết sức lo ngại.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, đơn cử với 1 chuyến hàng đi Móng Cái mới đây, khi địa phương ban hành thêm công văn yêu cầu xét nghiệm đối với hàng hóa và phương tiện, lái xe phải chịu 4 lần xét nghiệm: trong đó 3 lần với lái xe và 1 lần với hàng hóa phương tiện. Sau khi có nhiều ý kiến phản ánh, Móng Cái đã bỏ bớt yêu cầu 1 lần test nhanh trước khi về cửa khẩu thì tổng số lần xét nghiệm vẫn là là 3 lượt đối với 1 chuyến hàng. Theo đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, tính tổng cộng cho 800.000 lái xe toàn quốc với trung bình mỗi lái xe mỗi tháng phải chịu 12-15 lần xét nghiệm, với chi phí trên 200.000 đồng/lần xét nghiệm như hiện nay thì chi phí xét nghiệm đang tiêu tốn một nguồn lực khổng lồ của các doanh nghiệp và của chính nền kinh tế. Trong khi với giá kit test khoảng 1,5USD như đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ nêu ra mới đây thì để DN tự thực hiện xét nghiệm sẽ có thể giảm 70-80% chi phí xét nghiệm.

Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp vận tải cho biết, sở dĩ trên thực tế chi phí lớn nhất đối với các doanh nghiệp vận tải trong thời gian qua chính là chi phí phòng chống dich bởi chi phí này bao gồm cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, trong đó ngoài chi phí trực tiếp là chi phí xét nghiệm đã cao ngất như ở trên, thì chi phí gián tiếp cũng vô cùng lớn khiến doanh nghiệp lao đao.

Cụ thể, tính toán của các doanh nghiệp vận tải cho thấy với chuyến hàng đi Móng Cái, theo quy định của địa phương, lái xe phải làm xét nghiệm PCR trước khi rời khỏi địa bàn và phải chờ có kết quả xét nghiệm PCR mới được ra khỏi địa bàn. Điều này buộc lái xe phải chờ thêm 1 buổi hoặc thậm chí là gần cả ngày để có kết quả. Do đó, thực tế nếu làm xét nghiệm PCR buổi sáng thì buổi chiều lái xe mới có thể rời địa phương, còn nếu làm buổi chiếu thì lái xe buộc phải ngủ tại Móng Cái 1 tối đến sáng hôm sau có kết quả xét nghiệm mới có thể rời đi, từ đó phát sinh thêm một loạt chi phí ăn ở tối thiểu cho lái xe, chưa kể có thể phát sinh chi phí ngoài dự tính khác. Đây là một gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp vận tải trong điều kiện nguồn tiền đã cạn kiệt.

Đau đầu bài toán quyết toán thuế chi phí xét nghiệm

Một vấn đề khác liên quan đến chí phí xét nghiệm cũng đang khiến các doanh nghiệp hết sức đau đầu. Cụ thể, theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), do chưa có hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính/Tổng cục thuế về hạch toán, quyết toán các khoản chi phát sinh của doanh nghiệp trong thời gian dịch, đặc biệt là chi phí xét nghiệm, nên hiện đang nảy sinh 2 tình huống doanh nghiệp rất bối rối. Ở tình huống 1, nếu hợp đồng xét nghiệm cho người lao động doanh nghiệp ký với các cơ sở y tế theo dạng Hợp đồng số lượng mà không nêu tên cụ thể các nhân sự được xét nghiệm, thì doanh nghiệp có thể hạch toán vào chi phí hợp lý hợp lệ khi quyết toán thuế TNDN.

Song với tình huống 2, nếu hợp đồng xét nghiệm ký với cơ sở y tế của doanh nghiệp có nêu tên các nhân viên cụ thể, thì số tiền chi cho việc xét nghiệm theo tên từng nhân viên có thể bị coi là cơ sở để hạch toán vào thuế thu nhập cá nhân của nhân viên. Đại diện Hiệp hội Điện tử cho biết tình huống này đã xảy ra ở Cục thuế Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải phòng... dẫn tới phát sinh những chi phí phải hạch toán ngoài dự liệu của doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với cả doanh nghiệp và người lao động khiến nhiều doanh nghiệp đang hết sức lo ngại.

Tương tự, cũng liên quan đến vấn đề chi phí xét nghiệm, theo nhóm doanh nghiệp vận tải mới đây lại nảy sinh thêm những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp. Cụ thể, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay, lái xe vận tải chuyên nghiệp phải liên tục xét nghiệm (12-15 lần/tháng) để đáp ứng điều kiện đi lại của các địa phương. Tuy nhiên, các cơ sở y tế như trung tâm y tế/bệnh viện hầu hết chỉ cấp phiếu thu đóng dấu treo theo tên cá nhân lái xe mà không cấp hóa đơn cũng như không hề có hợp đồng ký kết thực hiện xét nghiệm.

“Cậu hỏi đặt ra là vậy khi quyết toán, liệu các phiếu thu dạng này có được cơ quan thuế chấp nhận và doanh nghiệp phải hạch toán vào đâu?”, một doanh nghiệp nêu vấn đề. Theo doanh nghiệp này, nếu hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp là rất khó bởi tổng số tiền thực tế rất lớn nhưng lại là hàng trăm phiếu thu gộp lại từ hàng trăm xét nghiệm riêng lẻ của các lái xe. Còn nếu tính hạch toán vào tiền chi cho cá nhân lái xe thì lại vướng bài toán khó đã nêu trên là có thể bị tính vào thuế thu nhập cá nhân của chính người lao động.

Ngoài ra, cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, còn có trường hợp các bệnh viện làm xét nghiệm mẫu gộp nhưng vẫn thu theo đơn giá lẻ từng mẫu và khi trả ra hóa đơn, phía bệnh viện lại ghi thành 2 dịch vụ bao gồm dịch vụ khám sức khỏe và xét nghiệm Covid-19 để hợp thức hóa giá tiền đó, chẳng hạn như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có ghi theo cách này. Trong khi doanh nghiệp không thể có lựa chọn cơ sở y tế ký hợp đồng xét nghiệm do hạn chế về số lượng và mức giá dịch vụ xét nghiệm tại các cơ sở y tế cao ngất ngưởng như hiện tại, thì việc hạch toán được các chi phí này là rất khó khăn. Đây đang là những vấn đề cần có hướng dẫn, giải đáp kịp thời từ các cơ quan chức năng./.